Dân số chỉ bằng 1/6 Hà Nội nhưng Estonia đã trở thành nhà tiên phong công nghệ tại Châu Âu như thế nào?
Tin tưởng và sự minh bạch là xương sống của nền hành chính số tại Estonia. Không có 2 yếu tố này, Estonia khó lòng trở thành điểm sáng tại Châu Âu trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ IV. Bởi vậy, bất kỳ quốc gia nào muốn số hóa nền hành chính của mình hãy tự hỏi, liệu mình đã đủ minh bạch và tạo sự tin tưởng trong người dân chưa?
Mới đây, Estonia đã vượt qua Mỹ để trở thành 1 trong 3 nước có ứng dụng công nghệ tốt nhất trong thị trường tiêu dùng năm 2019 (CTA). Nhờ hệ thống Internet tốc độ cao cùng một thị trường mở. Estonia đã ghi dấu ấn đậm nét cho những chuyên gia về môi trường công nghệ của quốc gia này.
Ngày từ năm 2017, Estonia đã đứng thứ 25 thế giới trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới công nghệ toàn cầu (GII). Ngoài những thành tựu đáng kể về kỹ thuật khoa học, việc giáo dục người dân cũng như ứng dụng của chính phủ trong hành chính công đã giúp Estonia được đánh giá cao về cách mạng công nghệ. Dù chỉ có dân số hơn 1 triệu người, chỉ bằng 1/6 Hà Nội (7,8 triệu người năm 2018) nhưng Estonia đã vượt qua rất nhiều cường quốc trong việc ứng dụng kho học vào cuộc sống.
Riêng tại Châu Âu, Estonia đứng đầu chỉ số ứng dụng công nghệ vào xã hội và kinh tế (DESI) cũng như chỉ số an ninh mạng.
Câu chuyện dẫn đầu của Estonia không có gì đáng ngạc nhiên nếu mọi người biết rằng quốc gia này đã hướng đến cách mạng khoa học kể từ sau khi tách khỏi Liên Xô, khởi đầu bằng dự án "Tiger Leap" năm 1996. Tuy nhiên chỉ đến khi Estonia khởi động chương trình số hóa toàn bộ thông tin cư dân của mình cùng hệ thống hành chính công thì cả thế giới mới bất ngờ chú ý đến đất nước này.
Chỉ với 100 Euro và 1 số giấy tờ xác minh, bạn có thể đăng ký trở thành công dân điện tử của Estonia mà chẳng cần phải đặt chân lên quốc gia này. Do thiếu nguồn nhân lực với chỉ 50% dân số đang trong độ tuổi lao động, Estonia muốn sử dụng công nghệ như 1 lợi thế thu hút tài năng trên khắp thế giới.
Kể từ khi ra đời hệ thống công dân điện tử đến nay, Estonia đã chào đón hơn 200.000 người đăng ký. Phần lớn trong số đó muốn tận dụng ưu thế hành chính điện tử của Estonia để có thể mở doanh nghiệp và hoạt động như 1 công ty Châu Âu dù đang ở nước khác. Điều đáng ngạc nhiên hơn là chương trình nhập cư điện tử này chỉ có 16 người vận hành và phần lớn được quản lý trực tuyến.
Việc tiến hành phần lớn thủ tục hành chính công bằng công nghệ khiến Estonia không những tiết kiệm được thời gian mà còn cả nhân lực. Họ cũng cho số hóa toàn bộ hệ thống bầu cử, hệ thống quản lý nhà nước cùng hệ thống đăng ký y tế.
Để làm được điều đó, Estonia chỉ dùng 3 bước:
- Thiết kế một nền tảng tập trung cho phép nhiều thành phần kết nối, mỗi thành phần đều có thể làm mới, thêm vào bất kể phần mềm do chính phủ hay tư nhân xây dựng.
- Đảm bảo nền tảng đang vận hàng được sử dụng những công nghệ tốt nhất cũng như phù hợp với yêu cầu đặt ra.
- Nếu nền tàng thành công, hãy ứng dụng chúng vào xã hội để tiếp tục hoàn thiện.
Nguyên tắc chỉ 1 lần
Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của Estonia khi xây dựng hệ thống hành chính điện từ là "Chỉ 1 lần", nghĩa là không bao giờ được phép hỏi lại công dân cùng 1 thông tin. Ví dụ nếu công dân Estobnia đã khai địa chỉ nhà hoặc tên thành viên gia đình cho Cục hải quan thì bộ phận cung cấp bảo hiểm sẽ không phải hỏi lại lần nữa. Không 1 cơ quan hành chính nào của Estonia phải hỏi lại cùng 1 thông tin do chúng đã được lưu trữ vào kho nguồn.
Chỉ bằng với nguyên tắc giản đơn này mà Estonia đã tiết kiệm vô số tiền và sức lực cho hành chính công.
Không dừng lại ở đó, Tổng cục thuế của nước này còn đề nghị tất cả các công ty phải đóng góp hơn 1.000 Euro cho việc xác minh xổ sách hàng tháng, qua đó hạn chế tình trạng trốn thuế. Nhằm giảm thiểu những phiền hà tới hoạt động kinh doanh, Estonia xây dựng hẳn 1 hệ thống cập nhật tự động giữa kế toán công ty và cơ quan thuế.
Bất chấp 1 số chỉ trích, chương trình này đã thành công vang dội khi giúp cơ quan thuế thu thêm hơn 60 triệu Euro tiền thất thu, cao hơn gấp đôi mục tiêu ban đầu.
Bên cạnh đó, Estonia cũng gây bất ngờ cho giới đầu tư khi ngân hàng nhà nước chỉ có 1 thỏi vàng trong kho bạc và chúng chẳng đủ độ tinh khiết nên được đặt trong bảo tàng. Số tài chính và vàng dự trữ được Estonia cất giữ tại các ngân hàng nước ngoài như Mỹ và được quản lý bằng hệ thống điện tử.
Tuy nhiên, đây không phải thứ khiến nhiều quốc gia trên thế giới thán phục Estonia mà là con đường xây dựng nên thành công này.
Niềm tin và sự minh bạch
Đức đã nghiên cứu hệ thống bầu cử tự động trước Estonia rất lâu nhưng chẳng thể thực hiện cho đến tận ngày nay. Anh có một cơ sở hạ tầng công nghệ tốt hơn rất nhiều nhưng lại chẳng thể cập nhật dữ liệu công dân đầy đủ như Estonia. Singapore trở thành thành phố thông minh đầu tiên trên thế giới nhưng lại thất bại khi gây dựng những dự án quan trọng như hệ thống điện toán toàn diện, qua đó duy trì những dịch vụ và cơ sở hạ tầng có thể hoạt động tốt trong dài hạn, điều này trái ngược với sự thành công của dự án X Road tại Estonia.
Nguyên nhân chính khiến Estonia thành công vang dội đến tận ngày nay nằm ở niềm tin, đặc biệt là niềm tin vào chính phủ. Việc người dân nhiều nước lo lắng thông tin của họ bị rò rỉ khi tiết lộ hoặc lo ngại chính phủ sử dụng sai mục đích khiến hàng loạt kế hoạch cách mạng công nghệ bị chậm.
Riêng tại Estonia, chính phủ đã gầy công xây dựng niềm tin của dân chúng từ hơn 20 năm nay. Bắt đầu bằng những dự án rất nhỏ cho đến các chính sách lớn. Người dân Estonia hầu như quen mặt các chính khách cũng như cảm thấy thân thiện với quan chức hơn nhiều nước. Chính điều này tạo sự dễ dàng cho chính phủ khi triển khai các dự án lớn trên cả nước.
Ngoài ra, tính minh bạch cũng giúp tiến trình công nghệ hóa đất nước tiến hành thuận lợi. Với tư cách là 1 công dân Estonia, bất kể là sống tại đây hay đăng ký công dân điện tử, bạn có thể đăng nhập vào hệ thống chính phủ điện tử bất cứ lúc nào với mật mã riêng để kiểm tra thông tin bản thân, từ vé phạt đỗ xe, đơn khám ở bệnh viện đến hồ sơ thuê đang tiến hành.
Mặc dù nền tảng công nghệ của Estonia được xây dựng từ trước khi kỹ thuật Blockchain ra đời nhưng chúng lại bất ngờ chia sẻ chung giá trị, đó là sự minh bạch trong từng giao dịch.
Tất nhiên, những nền tảng như của Estonia khó mà áp dụng được ở nhiều nước dù chúng khiến người dân tin tưởng vào chính phủ hơn. Nguyên nhân là sự minh bạch, rõ ràng này thường khó có thể áp dụng tại nhiều quốc gia, nơi hành chính công còn nhiều tệ nạn tham nhũng, quan liêu.
Tin tưởng và sự minh bạch là xương sống của nền hành chính số tại Estonia. Không có 2 yếu tố này, Estonia khó lòng trở thành điểm sáng tại Châu Âu trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ IV. Bởi vậy, bất kỳ quốc gia nào muốn số hóa nền hành chính của mình hãy tự hỏi, liệu mình đã đủ minh bạch và tạo sự tin tưởng trong người dân chưa?
Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…