Dân số 10.000 nhưng GDP trên đầu người từng vượt xa cả Mỹ, điều gì khiến quốc gia nhỏ bé rơi vào cảnh "cùng cực"?
Khi cơn sốt phốt phát qua đi, Nuaru, quốc đảo cô độc nằm giữa Thái Bình Dương, trở thành nạn nhân của chính mình với một nền kinh tế kiệt quệ cùng môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.
Lịch sử yên bình rồi xung đột
Nằm giữa Australia và Hawaii, Nauru có cuộc sống gần như biệt lập với thế giới. Mãi tới tháng 11/1798, một tàu của Anh có tên Snow Hunter mới phát hiện ra hòn đảo trên hành trình tìm tới Trung Quốc. Dù không có sự tiếp xúc với người dân trên đảo nhưng những cơn gió ấm áp cùng màu xanh tươi tốt của hòn đảo và những bãi cát trắng khiến thuyền trưởng của con tàu đặt tên hòn đảo là Pleasant (thú vị, dễ chịu).
Thời điểm đó, cuộc sống trên đảo rất bình yên. Tuy nhiên, khi điều kiện tự nhiên trở nên bất lợi, 12 gia tộc trên đảo có thể phát sinh mâu thuẫn. Dẫu vậy, chính cuộc sống tự cung tự cấp khiến xung đột cũng phần nhiều được kiểm soát.
Trong những năm đầu của thế kỷ 19, cũng có những người phương Tây tới đây. Họ phần nhiều là những tù nhân vượt ngục, không thể tìm được chốn nương thân và vô tình tới được hòn đảo. Có một người đã hòa mình vào cuộc sống nơi đây, xây dựng gia đình và mở ra cánh cửa giúp thế giới giao lưu với hòn đảo nhờ biết cả 2 ngôn ngữ.
Vào những năm 1870, trên đảo đã xuất hiện súng. Người Nauru hút thuốc và uống rượu nhiều. Sau khi một tù trưởng bị bắn chết trong cuộc cãi vã lúc say xỉn, bạo lực bao trùm hòn đảo. Những vụ trả thù chết chóc xảy ra, lấn áp truyền thống giải quyết xung đột giữa các gia đình trên đảo.
Thời điểm đó, Nauru có vị trí chiến lược tương đối với các đế quốc đang muốn gia tăng chiến lược thuộc địa ở khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vào năm 1899, nhà địa chất Albert Ellis đã có được một cục đá từ Nauru và đưa nó về Sydney, Australia để nghiên cứu. Ông ta sau đó phát hiện đó chính là quặng phốt phát giá trị cao, có thể đóng góp cho nhiều ngành công nghiệp lúc ấy.
Cơn sốt phốt phát cày nát hòn đảo nhỏ
Đi thuyền tới Nauru vào năm 1901, Ellis phát hiện ra 80% hòn đảo – vùng cao nguyên trung tâm được người Nauru gọi là (Topside), rất giàu phốt phát. Sau đó, công ty của ông này ký một thỏa thuận với Đức để khai thác ở Nauru vào năm 1905. Một năm sau, con thuyền chở quặng chìm trong một cơn bão ngoài khơi Australia nhưng nó không thể ngăn nổi cơn sốt bùng nổ ở hòn đảo nhỏ này.
Người Nauru không thích xây nhà trên Topside. Họ thích bờ biển mát mẻ hơn. Tuy nhiên, cao nguyên này là quê hương của cây hạnh và cây dứa dại. Nó thu hút các loài chim tới đây làm tổ. Phân chim thải xuống hàng vạn năm qua chính là nguồn cung phốt phát khổng lồ cho hòn đảo.
Bắt tay vào khai thác, những người thợ mỏ dọn sạch bụi rậm, dương xỉ lẫn cây cối. Họ cạo bỏ lớp mặt đất, sau đó đào quặng ra khỏi hố và khai thác chúng. Hậu quả là, vùng đất khai thác phốt phát trở thành vùng đất chết với chất thải từ quá trình ô nhiễm.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất chưa dừng lại. Sau khi giành quyền cai trị Nauru từ tay Đức kể từ Thế chiến thứ nhất, Australia coi đây là một điểm khai thác và bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể tiến hành với quy mô công nghiệp. Vào đầu những năm 1920, Nauru đã xuất khẩu khoảng 200.000 tấn phốt phát mỗi năm. Hai thập kỷ sau, con số đó lớn gấp 4 lần. Đáng buồn, tất cả chúng đều được định giá thấp hơn mức trung bình để trợ giá cho những người nông dân ở Australia, New Zealand và Anh.
Việc khai thác bị tạm ngừng thời gian ngắn sau khi Nhật Bản xâm lược Nauru vào năm 1942. Khi chiến tranh kết thúc năm 1945, chỉ còn chưa tới 600 người Nauru còn lại trên đảo. Một phần tư dân số đảo đã bị giết trong các cuộc tàn sát của lính Nhật. Liên Hợp Quốc đặt hòn đảo dưới sự quản lý của Australia, Anh và New Zealand, đưa Australia lần nữa trở lại vị trí thống trị đảo.
Ngành công nghiệp phốt phát gần như ngay lập tức được hồi sinh và vài năm sau đó, năng suất vọt lên nhiều hơn bao giờ hết. 2 thập kỷ tiếp theo, xuất khẩu tăng đều đặn và nông dân Australia và New Zealand vẫn được trợ giá trong khi người dân Nauru chịu thiệt hại cho tới năm 1963. Vào năm 1968, hòn đảo này giành độc lập nhưng họ đã mất 35 triệu tấn phốt phát.
Đi theo vết xe đổ
Sau khi giành độc lập, chính phủ Nauru xác định phốt phát vẫn là nguồn thu chính của họ. Chính vì thế, họ gia tăng khai thác mặc dù biết nguồn cung sẽ cạn kiện chỉ sau 1 hoặc 2 thế hệ. Năm 1968, một phần 3 Nauru đã bị cày nát để khai thác phốt phát, dẫn tới diện tích sống của người dân địa phương giảm sút.
Tuy nhiên, độc lập cũng không khiến cho quốc gia này lựa chọn được hướng đi bền vững hơn. Thay vào đó, họ quyết định khai thác triệt để nguồn tài nguyên trời ban dù chính bản thân các nhà lãnh đạo cũng hiểu rõ họ chỉ có thể khai thác được thứ tài nguyên đó trong khoảng 2 thập kỷ tiếp theo.
Năm 1975, công ty khai thác Phốt phát quốc gia của Nauru được định giá 1 tỷ USD và GDP trên đầu người của quốc gia này vượt tất cả các cường quốc và chỉ xếp sau Ả rập Xê út. Tuy nhiên, sự giàu sang đó không kéo dài. Việc chính phủ không đưa ra được lựa chọn tốt cho số tiền khổng lồ họ kiếm được cùng với việc chi tiêu các khoản kếch xù cho tàu du lịch, máy bay và khách sạn ở nước ngoài để phục vụ các chuyến công tác. Các chính trị gia cũng tiêu xài thoải mái công quỹ.
Thậm chí, hòn đảo nhỏ xíu này còn nổi lên cơn sốt siêu xe. Người ta sẵn sàng đổ tiền cho chúng dù ngay cả khi cân nặng quá lớn khiến họ còn không ngồi vừa sau vô lăng. Sự lãng phí được đẩy lên cao độ, thậm chí là ngu ngốc, với một loạt các hành động trong đó có dùng tiền làm giấy vệ sinh.
Cũng trong quãng thời gian này, Nauru khởi kiện các nước như Australia, New Zealand và Anh để đòi đền bù thiệt hại cho việc khai khoáng trước tháng 7/1967. Khi biết không thể thắng, Australia đã đồng ý bồi thường 57 triệu đô la Australia vào năm 1994 cũng như 50 triệu đô la Australia khác vào 20 năm sau. Sau đó, Vương quốc Anh và New Zealand cũng đóng góp 12 triệu đô la Australia để hỗ trợ Úc.
Nỗ lực cứu nền kinh tế bất thành
Khi nhận thấy phốt phát sắp cạn kiện, Nauru cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế và một trong số đó là cấp phép cho khoảng 400 ngân hàng nước ngoài vào đầu tư năm 1990. Đại diện chính phủ cho biết họ hướng tới "bền vững" và "có khả năng tái tạo" khi công bố hướng đi mới. Tuy nhiên, "bất hợp phát" lại là từ mô tả chính xác những gì diễn ra.
Với một loạt các động thái không tính toán kỹ, Nauru bị biến thành thiên đường thuế và rửa tiền. Trong suốt những năm 1990, hàng chục tỷ USD lợi nhuận phi pháp đã chảy qua Nauru và được hợp pháp hóa. Trớ trêu thay, chính sự đánh đổi này cũng không giải quyết các vấn đề của nền kinh tế Nauru. Khi nỗi tuyệt vọng dâng cao, quốc đảo này đồng ý với Australia xây dựng một trung tâm xử lý tị nạn vào năm 2001.
Ngay cả khi nhận hàng triệu USD từ Australia cho việc xây dựng trại tị nạn, lỗ hổng kinh tế của Nauru cũng không thể được vá. Nguồn xuất khẩu phốt phát giảm sút mạnh, chỉ còn 500.000 tấn vào năm 2000 và rơi xuống 22.000 tấn vào năm 2004. Lúc này, một kỷ nguyên hoàng kim đã chính thức kết thúc, để lại một lỗ hổng khoét rỗng cả nền kinh tế. Nhưng điều tồi tệ nhất đang ở phía trước.
Năm 2005, Nauru chỉ còn khai thác được 8.000 tấn phốt phát. Cùng năm nó, cộng đồng quốc tế gây áp lực mạnh mẽ để quốc đảo Thái Bình Dương chấm dứt các chính sách khiến nó trở thành thiên đường của những kẻ trốn thuế và rửa tiền. Thậm chí, Mỹ còn viện một đạo luật ra đời năm 2001 nhằm ngăn chặn Nauru trong việc cung cấp công cụ cho những kẻ phi pháp.
Khi những giải pháp đều không mang lại hiệu quả, 10.000 người dân Nauru hiện đang phải sống dựa vào thực phẩm giá rẻ nhập khẩu. Thậm chí, nhà máy khử muối trong nước biển trên đảo cũng không đáp ứng được yêu cầu, khiến người ta phải nhập khẩu nước ngọt. Thực phẩm đã chế biến và đồ đóng hộp chiếm phần lớn trong chế độ ăn uống của người dân, dẫn tới tình trạng béo phì nghiêm trọng.
Khoảng 2/3 nam giới và ¾ nữ giới ở Nauru béo phì. Quốc gia này có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới. ¼ số người trưởng thành ở đảo mắc bệnh béo phì. Tình trạng nghiện rượu phổ biến gây ra bạo lực gia đình và các vụ tai nạn giao thông dù tổng số con đường trên đảo chỉ dài có 30 km. Đó là một cái giá vô cùng đắt.