Đàn ông nên nghe lời mẹ hay vợ? Câu trả lời của kẻ khôn ngoan giúp giải quyết mọi mâu thuẫn
Đàn ông nhu nhược nhất nhất nghe lời mẹ đẻ, quay ra trách móc vợ là điều không nên. Con trai thiên vị, 'đội vợ lên đầu', quay ra cãi bố cãi mẹ cũng không thể chấp nhận được.
Mẹ chồng - nàng dâu trước nay vẫn luôn là mối quan hệ khó dung hòa và bị chi phối rất nhiều bởi người đàn ông trong gia đình. Chỉ cần thiếu sự tinh tế, khéo léo và bản lĩnh, họ sẽ vô hình chung khiến vợ và mẹ trở thành 2 phe đối lập. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều cặp vợ chồng rạn nứt và mâu thuẫn, bất hòa, thậm chí vì quá phẫn uất mà dẫn đến ly thân, ly hôn…
Chồng nhu nhược nhất nhất nghe lời mẹ đẻ, quay ra trách móc vợ là điều không nên. Nếu được thêm cả mẹ chồng khó tính, thích "đổ thêm dầu vào lửa", mối quan hệ vợ chồng sẽ càng thêm căng thẳng, xung đột. Ngược lại, người đàn ông thiên vị, “đội vợ lên đầu’’, quay ra cãi bố cãi mẹ cũng không thể chấp nhận được.
Công bằng mà nói, tất cả các bà mẹ đều cảm thấy không vui khi con trai nghe lời vợ hơn mình, trong khi tâm lý của phụ nữ trẻ sau khi lấy chồng thì đều muốn được cảm thông, thấu hiểu và chở che. Suy nghĩ này không sai, nhưng nhiều khi lại gián tiếp đưa mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vào ngõ cụt.
Vậy đàn ông nên nghe lời mẹ hay vợ?
Câu trả lời là họ nên nghe “chính mình’’.
Khi đứng giữa mẹ và vợ, người đàn ông khôn ngoan sẽ không hùa theo một phía và chỉ trích bên còn lại. Thái độ trung lập lúc này rất quan trọng bởi nó sẽ giúp 2 người phụ nữ hiểu và thông cảm cho nhau hơn.
Tất nhiên, cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng, và rất khó để họ thừa nhận lỗi lầm, đặc biệt trước mặt con dâu. Vậy nên, tuyệt đối không bới móc lỗi sai của bất kỳ ai trước mặt đối phương, bởi như vậy sẽ chỉ càng thêm đổ dầu vào lửa.
Điều quan trọng nhất là người đàn ông nên tự biết phân biệt phải trái, đúng sai. Hãy trò chuyện, chia sẻ với vợ để thấu hiểu bạn đời. Hãy tâm sự với mẹ, tìm hiểu xem mẹ khó chịu, không hài lòng ở đâu để nắm bắt tình hình và cân nhắc xem ai sai ai đúng.
Một cuộc nói chuyện khéo léo, phân tích tinh tế giữa cả 3 được cho là sẽ có thể tháo gỡ nút thắt giữa mẹ chồng, nàng dâu. Không nên để vợ hiểu lầm là chồng đang đứng về phía mẹ và ngược lại, cũng không được để mẹ tự ái rằng con trai chỉ bênh chằm chặp con dâu. Người đàn ông chỉ khi có được cái nhìn khách quan, cư xử khéo léo, tinh tế mới có thể giải quyết được mâu thuẫn giữa 2 người phụ nữ.
Dĩ nhiên, trong nỗ lực trở thành một người chồng hoàn hảo, đừng biến việc giải quyết vấn đề của vợ trở thành thói quen. Hãy giúp người phụ nữ của mình hiểu rằng ngoài vai trò là một người vợ, cô ấy cũng cần đề cao chữ hiếu và tự học cách phân biệt đúng sai mâu thuẫn với mẹ chồng.
Tuy nhiên, khi mọi thứ dần trở nên mất kiểm soát và người đàn ông lúc này buộc phải lựa chọn, hãy cố lựa chọn thật khôn ngoan. Bất kể đứng về phe nào, họ cũng phải để đối phương biết được lý do đằng sau hành động của mình. Người mẹ, người vợ khi đó sẽ phải học cách “tha thứ và quên đi” để có thể tiếp tục chung sống hòa thuận.
Theo: Indiatimes