Dân gửi tiền không kỳ hạn vào ngân hàng nào nhiều nhất?

22/05/2019 08:27 AM | Bất động sản

Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn gần như là không có vì ở mức rất thấp. Việc huy động được lượng lớn nguồn tiền "rẻ" này không chỉ giúp các ngân hàng nâng biên lợi nhuận mà còn như một cách khẳng định chất lượng dịch vụ.

Tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Đây là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ ở mức 0,1-0,8%/năm và Ngân hàng Nhà nước áp trần là 1%/năm. Việc huy động được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn không chỉ giúp ngân hàng nâng biên lợi nhuận, mà còn là một trong những yếu tố để ngân hàng khẳng định chất lượng, uy tín hệ thống thanh toán của mình.

Điều đáng ngạc nhiên, BIDV hay VietinBank, 2 ngân hàng có mạng lưới chi nhánh rộng lớn và hút tiền gửi nhất trong hệ thống NHTMCP lại không phải là ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất. Vị trí này thuộc về Vietcombank.

Cuối tháng 3/2019, lượng tiền gửi không kỳ hạn (cả VND và ngoại tệ) tại Vietcombank lên tới 234.500 tỷ đồng. Trong khi đó, BIDV và VietinBank lần lượt theo sau nhưng còn cách biệt khá xa: BIDV có 145.887 tỷ đồng, VietinBank có 120.212 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn.

 Dân gửi tiền không kỳ hạn vào ngân hàng nào nhiều nhất?  - Ảnh 1.

BCTC Hợp nhất quý 1/2019 của các ngân hàng

Việc huy động tiền gửi không kỳ hạn ngày càng được các ngân hàng quan tâm hơn. Ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA) càng cao càng cho thấy lợi thế cạnh tranh về chi phí đầu vào, thậm chí từ đó giữ được mức lãi suất cho vay ở mức thấp hơn so với các nhà băng khác.

Vietcombank, Techcombank, MBBank là 3 ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao nhất, lần lượt đạt 28%, 27% và 25%. Trong đó, Techcombank là ngân hàng có tốc độ tăng tỷ lệ CASA nhanh nhất trong 2 năm gần đây (cuối năm 2017 mới chỉ ở mức 22%).

Techcombank cho biết, quá trình thực hiện chuyển đổi danh mục cho vay từ các khoản vay trung và dài hạn sang ngắn hạn sẽ gây áp lực làm giảm biên thu nhập lãi thuần, nhưng điều này đã được giải quyết hiệu quả bằng cách giảm chi phí huy động vốn. Thúc đẩy tăng trưởng số dư tiền gửi không kỳ hạn của cả khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế trong tổng huy động là một cách.

Trong cơ cấu tiền gửi không kỳ hạn tại Techcombank cuối năm 2018, tiền gửi của tổ chức kinh tế chiếm phần lớn với 56%, còn lại là của cá nhân. Việc cải thiện tỷ lệ CASA đã góp phần giúp nhà băng này duy trì biên thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức 3,74% năm 2018, cao hơn so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng.

Với Vietcombank, định hướng trong hoạt động huy động vốn của ngân hàng trong năm 2019 cũng sẽ bám sát định hướng "mua buôn bán lẻ", tăng cường huy động nguồn vốn giá rẻ, tiền gửi VND không kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ. Ngoài ra, ngân hàng chú trọng khai thác nguồn vốn bán buôn (giá trị lớn, chi phí huy động vốn thấp), đồng thời với tăng tỷ lệ huy động vốn bán lẻ cao hơn năm 2018.

Ngoài 3 ngân hàng nói trên duy trì tỷ lệ CASA ở mức cao trên 25%, phần lớn còn lại đều dưới 20%. Nhiều ngân hàng lớn cũng chỉ có tỷ lệ CASA phổ biến từ 10-15%. Chẳng hạn, VietinBank, BIDV xấp xỉ 15%, ACB đạt 16%, Sacombank đạt 14%, TPBank đạt 16%,…

Trong khi đó, tỷ lệ CASA ở các ngân hàng quy mô nhỏ còn thấp hơn nữa, như VietBank chỉ 3,6%, Kienlongbank 4,2%, NamABank 4%,…

Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, như đã nói là gần như bằng không vì ở mức rất thấp, như Vietcombank chỉ 0,1%/năm, Techcombank cao nhất cũng chỉ 0,3%/năm,...nên hầu như không ảnh hưởng đến việc chọn lựa của khách hàng, mà chủ yếu để phục vụ cho việc thanh toán hoặc giao dịch dễ dàng.

Theo Hải Vân

Cùng chuyên mục
XEM