Động lực mới cho lợi nhuận ngân hàng
Trong khi bị thu hẹp tín dụng, nhiều ngân hàng đang có xu hướng mở rộng sang mảng dịch vụ...
Mảng dịch vụ giờ đây nằm trong chiến lược phát triển và được coi là động lực tăng trưởng mới của các ngân hàng trong năm 2019.
Vẫn biết tín dụng là hoạt động kinh doanh cốt lõi, đem về nguồn thu chủ yếu cho các ngân hàng khi chiếm tới 70-80% tổng doanh thu, lợi nhuận. Song việc tăng trưởng tín dụng quá nhanh cũng đồng nghĩa với rủi ro lớn cho chính bản thân ngân hàng và cả hệ thống tín dụng chung.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong năm nay chỉ 14%, tương đương năm trước và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Vì vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, mảng dịch vụ đang được coi là động lực tăng trưởng mới giúp các ngân hàng đa dạng hoá thu nhập, đạt được kỳ vọng lợi nhuận năm 2019.
Thực thế cho thấy, ngay trong quý 1/2019, thu nhập dịch vụ của các ngân hàng ngày càng tăng trưởng mạnh hơn, đẩy dịch chuyển tỷ trọng nguồn thu thay vì dựa quá nhiều vào tín dụng như trước đây.
Đơn cử, tại VPBank, tuy rằng lợi nhuận của ngân hàng này vẫn phụ thuộc phần lớn vào tín dụng tiêu dùng của công ty con FE Credit nhưng mảng dịch vụ đã có mức tăng trưởng 137% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 745 tỷ đồng.
Hoặc như VIB ghi nhận lãi trước thuế quý 1 tăng 56%, đạt 810 tỷ đồng, trong đó lãi từ hoạt đồng dịch vụ đạt 348 tỷ đồng, tăng 168% chủ yếu đến từ khoản thu phí hoa hồng bảo hiểm. Ngoài ra, thu từ dịch vụ thanh toán tăng 27% lên 99 tỷ đồng.
Trong khi đó, báo cáo của MBBank cho biết quý 1 này, ngân hàng thu về tới 2.424 tỷ đồng lãi trước thuế, vẫn duy trì việc để mảng tín dụng là trụ cột. Tuy nhiên, lãi từ mảng dịch vụ lại bất ngờ tăng tới 2,4 lần kỳ trước, đạt 758 tỷ đồng. Số lãi này góp gần 14% tổng thu nhập hoạt động ngân hàng quý vừa qua, trong khi cùng kỳ năm 2018 tỷ lệ đóng góp này chỉ hơn 7%.
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mảng dịch vụ của TPBank cũng không phải dạng vừa. Với mức tăng hơn 190%, ngân hàng này đã kéo lãi thuần hoạt động dịch vụ từ 74 tỷ đồng (quý 1/2018) lên 216 tỷ đồng (quý 1/2019).
Ngân hàng có nguồn thu từ dịch vụ cao nhất vẫn là Vietcombank, khi 3 tháng đầu năm ngân hàng thu về tổng cộng 5.878 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng ngoài mảng tín dụng đóng góp nhiều nhất vào đà tăng trưởng trên khi mang về 8.498 tỷ đồng lãi thuần, thì hoạt động dịch vụ cũng đóng góp vào tổng thu nhập hoạt động tới 1.069 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ.
Chia sẻ với VnEconomy mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, cho biết: "2019 là năm của ngân hàng số, Vietcombank đã tập trung đầu tư và triển khai hệ thống ngân hàng lõi mới để đẩy mạnh chiến lược tăng doanh thu tại mảng dịch vụ, qua đó sẽ hoàn thành mục tiêu nguồn thu này chiếm khoảng 25% tổng doanh thu".
Tại các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1 đến nay như Vietinbank, BIDV, HDBank, Sacombank, BacAbank… đều cho thấy mảng dịch vụ tăng trưởng vài chục phần trăm so với cùng kỳ là điều bình thường.
Trong một báo cáo mới đây, VDSC đánh giá, trong ngắn hạn, thu nhập dịch vụ của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hoạt động thanh toán và bảo hiểm, nhưng mức độ tăng trưởng sẽ phân hóa rõ nét tùy vào lợi thế và chiến lược riêng của từng ngân hàng.
Về dài hạn, không tính các khoản thu bất thường, tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập sẽ tăng dần lên 10% trong 2019 và 13,8% trong năm 2022.