Dân Châu Âu đang trải qua mùa Giáng sinh đắt đỏ và chật vật nhất từ trước tới nay
Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh nghiêm trọng, giá cả tăng cao và nguồn cung hàng hóa bị thắt chặt, người dân châu Âu đang trải qua tuần nghỉ lễ Giáng sinh không mấy vui vẻ.
Đối mặt với mùa Giáng sinh "đắt đỏ" năm nay, nhiều người đã phải giảm ngân sách tiêu dùng, "thắt chặt chi tiêu" trong dịp lễ này. Người trong ngành cho rằng điều này có thể làm tăng tính không chắc chắn của quá trình phục hồi kinh tế ở châu Âu.
Áp lực lạm phát tiếp tục kéo dài
Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã vài ngày trước Lễ Giáng sinh, Jed, thư ký của một công ty ở Malta cho biết: "Giá thực phẩm, hàng tạp hoá,… đã có sự thay đổi đáng kể, số tiền mà tôi chi tiêu để nuôi gia đình mỗi tuần gần như gấp đôi so với lúc trước"
Kỹ sư người Maltese, anh Stefan cũng bày tỏ sự bất lực trước mức lạm phát đang tăng cao. Anh cho biết, vợ chồng anh cần phải nuôi ba đứa con, tuy nhiên dù đã làm mọi cách để giảm bớt những "hành vi chi tiêu xa xỉ" như đi ăn ngoài hay gọi đồ ăn sẵn thì đến cuối tháng lương vẫn không đủ để nuôi gia đình.
Dữ liệu do Eurostat công bố gần đây cho thấy, tỷ lệ lạm phát ở khu vực Châu Âu đã tăng lên 4,9% trong tháng 11, đạt mức cao nhất trong 25 năm trở lại đây. Trong đó, giá năng lượng tăng mạnh 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát tăng cao. Việc tăng giá năng lượng đã thúc đẩy giá tiêu dùng của người dân tăng cao.
Anh, quốc gia đã rời khỏi EU, cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao. Helen Dickinson, giám đốc điều hành của Hiệp hội bán lẻ Anh cho biết, tình trạng thiếu lao động, giá hàng hóa tăng và chi phí vận chuyển tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến giá tiêu dùng. "Từ trang trại cho đến nhà phân phối, tình trạng thiếu lao động trong toàn bộ chuỗi cung ứng đang đẩy chi phí lên cao và gây ra sự thiếu hụt nhất định trên các kệ hàng."
Thắt lưng, buộc bụng ngân sách tiêu dùng
Quảng trường Gendarmenmarkt của Berlin năm nay vắng bóng người, không còn tiếng nhạc và tiếng xì xèo của món xúc xích.
Do lạm phát không có dấu hiệu tăng chậm lại trong thời gian ngắn, nhiều người dân ở Châu Âu đã phải cắt giảm ngân sách chi tiêu cho Giáng sinh năm nay và năm tới. Ngoài ra, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, thiếu lao động và chi phí vận chuyển tăng cao đã khiến cho các nhà bán lẻ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Henry Cordina, chủ một cửa hàng tạp hóa ở Malta đã nói với các phóng viên rằng do sức mua giảm và những ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vì vậy mà nhiều khách hàng quen thuộc đã thông báo với anh rằng năm nay anh sẽ không tổ chức tiệc Giáng sinh cho gia đình và bạn bè.
Một người tiêu dùng ở Anh, Andy Gasside nói với các phóng viên rằng mọi người không thể tiêu xài một cách thoải mái trong dịp Giáng sinh này, sự xuất hiện của chủng virus Corona biến chủng mới có tên Omicron khiến mọi người cẩn trọng hơn trong việc chi tiêu.
Theo quan điểm của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, xu hướng lạm phát tăng mạnh này được cho là sẽ sớm kết thúc. Isabel Schnabel, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho biết, vào tháng 11, tỷ lệ lạm phát đã lên tới đỉnh cao và trong một năm tới, sẽ giảm dần theo mục tiêu lạm phát đã đề ra.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lại không lạc quan về kỳ vọng lạm phát của châu Âu trong tương lai. Gunther Schnabel, Giám đốc Viện Chính sách Kinh tế tại Đại học Leipzig ở Đức cho biết do Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, vì vậy áp lực lạm phát dự kiến sẽ vẫn ở mức cao trong năm tới.
Tăng thêm tính không chắc chắn về quá trình phục hồi
Giáng sinh là mùa mua sắm vàng truyền thống ở phương Tây, nhưng với áp lực lạm phát gia tăng và sự lây lan nhanh chóng của chủng virut Omicron, các nhà bán lẻ châu Âu cho rằng Giáng sinh năm nay đã trở nên vắng vẻ hơn, triển vọng phục hồi kinh tế cũng không có dấu hiệu khởi sắc.
Nicolas, một người bán hàng ở Pháp đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên Tân Hoa xã rằng, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, các hoạt động kinh tế giảm sút và khách hàng không muốn chi tiền. Ngoài ra, áp lực của lạm phát cũng đã lây truyền sang khách hàng.
Một số quốc gia đã liên tiếp áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như hạn chế đi lại, điều này có thể làm chậm quá trình phục hồi kinh tế ở châu Âu trong một hời gian ngắn và cục diện phải đối mặt với việc xây dựng chính sách tiền tệ cũng phức tạp hơn.
Viện Nghiên cứu Kinh tế Oxford, một tổ chức tư vấn của Anh, gần đây đã công bố một báo cáo cho biết chủng Omicron đang lan nhanh trên khắp thế giới, khiến cho việc phục hồi kinh tế trở nên khó khăn và khó định đoán hơn. Tờ "Financial Times" của Anh cũng đăng một bài báo rằng "con đường phục hồi có thể không đơn giản như trong tưởng tượng ban đầu."