Dàn binh mã dũng từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng bất ngờ "hóa" nhân viên văn phòng nhờ cách đặc biệt của CCTV

26/12/2024 20:20 PM | Sống

Hơn hai nghìn năm chôn vùi, đội quân đất nung (binh mã dũng) của Tần Thủy Hoàng nay đã trở thành biểu tượng văn hóa và nhân viên văn phòng chính hiệu.

Vào ngày 18/12, đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã thổi hồn vào những chiến binh đất nung qua một đoạn phim sáng tạo từ AI, để họ tự kể về công việc của mình. Được phát hiện vào năm 1974 và được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1987, đội quân đất nung hùng hậu này được xây dựng dưới thời Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc (221 TCN - 207 TCN). 

Dàn binh mã dũng từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng bất ngờ "hóa" nhân viên văn phòng nhờ cách đặc biệt của CCTV- Ảnh 1.

Đội quân đất nung hay còn gọi là binh mã dũng được phát hiện vào năm 1974 và được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1987. (Ảnh: Sohu)

Trong đoạn phim của CCTV, các chiến binh đất nung được tái hiện bằng công nghệ AI, kể lại cuộc sống thường nhật của họ tại bảo tàng. Họ hài hước và tự hào khi chia sẻ về công việc của mình khi vừa là di tích lịch sử, vừa là đại sứ văn hóa.

Một chiến binh đất nung hài hước tự giới thiệu: "Xin chào mọi người. Tôi tên là Mã Dũng, hay còn gọi là 'Binh mã dũng'. Việc xác định họ của tôi khá phức tạp, có người nói là 'Binh', nghĩa là chiến binh; người khác lại cho rằng là 'Tần', theo tên triều đại; thậm chí có ý kiến cho rằng đó là 'Doanh', họ của Tần Thủy Hoàng. Sau hơn hai nghìn năm chôn vùi, tôi và đồng đội cuối cùng đã có một công việc ổn định - đó là tiếp đón du khách! Tôi chính thức bắt đầu nhiệm vụ vào ngày 1/10/1979, và từ đó đến nay, tôi đã làm việc 7 ngày một tuần".

Dàn binh mã dũng từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng bất ngờ "hóa" nhân viên văn phòng nhờ cách đặc biệt của CCTV- Ảnh 2.

Bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng bắt đầu được xây dựng vào năm 1975 và khai trương phòng triển lãm phía trên Hố 1 vào ngày 1/10/1979. (Ảnh: Sohu)

Bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng bắt đầu được xây dựng vào năm 1975 và khai trương phòng triển lãm phía trên Hố 1 vào ngày 1/10/1979, trưng bày phát hiện đáng kinh ngạc về những chiến binh cổ đại này.

Binh mã dũng này tiếp tục câu chuyện: "Tôi và đồng đội đã đứng gác ở đây hơn hai nghìn năm. Sau một thời gian dài chìm trong lịch sử, chúng tôi cuối cùng đã được đưa ra ánh sáng 50 năm trước và tự hào trở thành sứ giả văn hóa của Trung Hoa, lặng lẽ kể lại những câu chuyện mà chúng tôi đã chứng kiến. Xin chào mừng quý khách đến với Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng!".

Dàn binh mã dũng từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng bất ngờ "hóa" nhân viên văn phòng nhờ cách đặc biệt của CCTV- Ảnh 3.

Bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng thu hút rất nhiều khách tới tham quan. (Ảnh: Sohu)

Một chiến binh cung thủ nhận xét: "Bức ảnh này trông khá tuyệt!" khi du khách chụp hình. Một chiến binh khác cưỡi trên cỗ xe ngựa bằng đồng hào hứng khoe: "Nhưng cỗ xe của tôi còn tuyệt hơn! Nó là một chiếc xe dẫn động bốn bánh sang trọng, và hãy nhìn xem, mọi người đang tụ tập xung quanh kìa!".

Mã Dũng chia sẻ thêm về một "đội quân đất nung" khác đang tái hiện hào quang của quân đội nhà Tần, đó là các diễn viên trong vở diễn sân khấu "Đại Tần": "Đội quân đất nung làm việc trong các hố, còn họ làm việc trên sân khấu. Thực ra, tất cả chúng tôi đều là những người lao động".

Dàn binh mã dũng từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng bất ngờ "hóa" nhân viên văn phòng nhờ cách đặc biệt của CCTV- Ảnh 4.

Hình ảnh được cắt ra từ đoạn video về binh mã dũng của Tần Thủy Hoàng do CCTV sản xuất. (Ảnh: Sohu)

Đổng Học Phong, một diễn viên trong vở diễn sân khấu, cũng đồng tình: "Chính xác, tất cả chúng tôi đều là những nhân viên chăm chỉ". Mã Dũng nói thêm: "Nhưng ngoài nhiệm vụ hàng ngày trong các hố và phòng trưng bày, chúng tôi thỉnh thoảng còn đi công tác khắp nơi trên thế giới. Bất cứ nơi nào chúng tôi đến, chúng tôi đều được chào đón nồng nhiệt".

Dàn binh mã dũng từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng bất ngờ "hóa" nhân viên văn phòng nhờ cách đặc biệt của CCTV- Ảnh 5.

Các chuyên gia đã nhiều lần khai quật tại khu vực các hố khảo cổ. (Ảnh: Sohu)

Kể từ khi được phát hiện, đội quân đất nung đã gây chấn động toàn cầu, với triển lãm quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản vào năm 1976. Một chiến binh từng tham gia chuyến đi đến Nhật Bản giới thiệu: "Xin chào, tôi là một chiến binh đất nung đến từ Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc". Từ tháng 12/1984 đến tháng 1/1986, binh mã dũng tiếp tục chuyến công du thế giới với các cuộc triển lãm được tổ chức tại 5 quốc gia châu Âu. Một chiến binh khác cho biết: "Chuyến công tác lần này của chúng tôi khá dài, kéo dài hơn một năm! Chúng tôi sẽ đến thăm Thụy Điển, Na Uy, Áo, Vương quốc Anh và Ireland". Một chiến binh AI khác lại thở dài ghen tị: "Không biết khi nào đến lượt tôi được đi công tác nữa".

Dàn binh mã dũng từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng bất ngờ "hóa" nhân viên văn phòng nhờ cách đặc biệt của CCTV- Ảnh 6.

Hình ảnh của một chiến binh đất nung điều khiến xe ngựa. (Ảnh: Sohu)

Cuộc sống của một chiến binh đất nung không phải lúc nào cũng dễ dàng. Việc đứng trong các hố trong thời gian dài có thể rất mệt mỏi. Một bức tượng tướng quân than thở: "Tôi đã đứng cả ngày rồi, lưng tôi đau nhức quá!". Trong một cuộc khai quật khảo cổ thời gian gần đây tại Hố 2, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hai cỗ xe cùng với ba con ngựa đất nung và ba bức tượng nhỏ, bao gồm một bức tượng sĩ quan quân đội cấp cao mới được xác định, có nhãn T6G5:02. Một chiến binh hào hứng thông báo: "Tôi nghe nói chúng ta sắp có thêm một đồng nghiệp mới. Mã số của anh ấy là T6G5:02. Hãy cùng chào đón anh ấy!".


Theo Nguyệt Phạm (Nguồn: CCTV)

Cùng chuyên mục
XEM