Đám đông càng lớn, mỗi cá nhân càng nhỏ bé hơn: Làm gì để vượt qua cái hố đen sâu thẳm của sự trống rỗng giữa cuộc sống hiện đại?

01/03/2020 09:21 AM | Sống

Theo như một cuộc thăm dò ý kiến gần đây, dù được sống trong một thời đại với những tiêu chuẩn cao nhất trong lịch sử nhân loại, dù được đáp ứng dễ dàng các nhu cầu vật chất, chúng ta – những con người hiện đại, vẫn đang khốn khổ, giận dữ, sợ hãi, sầu muộn và âu lo hơn bao giờ hết.

Theo thống kê, tỉ lệ trầm cảm tăng lên đều đều từ giữa những năm 1930; xấp xỉ 40 triệu người trưởng thành khi được hỏi mắc chứng rối loạn lo âu. Đặc biệt ở độ tuổi thanh thiếu niên, cùng với sự phát triển của mạng xã hội và điện thoại thông minh, tỉ lệ tự tử và tự sát cũng tăng lên một cách đáng kể. Hơn sáu trăm ngàn trẻ em dưới 5 tuổi đang dùng thuốc điều trị tâm thần. Việc dùng quá liều ma túy ở những người trưởng thành cũng đang nằm ngoài tầm kiểm soát.

Tại sao ở giữa thời đại của những tiềm năng vô hạn, con người lại vô vọng đến vậy?

Tại sao ở giữa một thời đại an toàn, thịnh vượng nhất trong lịch sử, con người lại lo âu đến vậy?

Khi có đầy những cơ hội để tự thay đổi và quyết định số phận mình, sao vài người trong chúng ta vẫn xót thương, giận dữ và dồn nén đến đớn đau cảm giác trống rỗng này?

Ngày nay, nhiều người trẻ lạc lối, mất phương hướng và hoang mang trong chính cuộc sống của họ, không còn tin vào khả năng xây dựng tương lai của bản thân.

Vậy thì rốt cục điều gì đã xảy đến với xã hội hiện đại này, khiến cho những cơn trầm cảm cứ ngày càng lan rộng?

Có lẽ những khó khăn và hiểm nguy thường nhật đã qua đi, ta không cần phải chứng minh giá trị của bản thân qua những lần vượt qua giông tố.

Có lẽ cuộc sống an nhàn không nghịch cảnh đã tước đi của ta ý nghĩa và mục đích sống.

Có lẽ ta đang sống đằng sau chiếc mặt nạ văn minh, và chẳng thể nào là chính bản thân mình được nữa.

Có lẽ chúng ta hằng tin vào những lời nói dối, rằng địa vị xã hội thật quan trọng, rằng nhà lầu xe hơi, những bộ quần áo sáng loáng và những chuyến đi xa xỉ sẽ làm ta hạnh phúc.

Có lẽ chúng ta đã mất kết nối với thế giới này, thay vào đó dành hàng ngày trong căn phòng điều hòa đóng kín, đằng sau chiếc màn hình máy tính, tán nhảm hằng mong người ta sẽ hiểu sự khốn khổ cùng cực của bản thân mình.

Có lẽ vì chúng ta đã chế ngự bản năng mà hùa theo tuân thủ những chuẩn mực khắt khe của văn hóa và xã hội.

Có lẽ ta cứ nhìn nhận thế giới như những vị anh hùng, thay vì chiếu sâu vào đôi mắt của chính bản thân.

Hay có lẽ tiện ích của công nghệ đã xây lên một bức tường ngăn ta khỏi những trải nghiệm quý giá.

Ở thời đại này, chúng ta được kết nối với nhau hơn bao giờ hết, cũng bị ngăn cách, cô đơn, và phẫn uất hơn bao giờ hết.

Đám đông càng lớn, mỗi cá nhân càng nhỏ bé hơn: Làm gì để vượt qua cái hố đen sâu thẳm của sự trống rỗng giữa cuộc sống hiện đại? - Ảnh 1.

Vậy chúng ta nên làm gì để vượt qua cái hố đen sâu thẳm của sự trống rỗng, làm gì để thôi chết chìm trong sự lười biếng và khai phá hết tiềm năng của bản thân?

Không thể phủ nhận những nỗ lực tuyệt vời và tài tình đã giúp tạo ra một nền văn minh thịnh vượng và phồn vinh. Nhưng như nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khác đã ngộ ra, cái bóng dài lê thê của sự hưởng thụ đã làm con người ta trượt dài trên sườn dốc.

Mỗi chúng ta là một bản thể riêng biệt và độc nhất. Nhưng ta có thể chắt lọc từ những nhà tư tưởng vĩ đại, xem cái cách mà họ nói về mục đích và sức sống.

1. Buông bỏ

Người trẻ hiện đại là những người dễ rơi vào trạng thái căng thẳng nhất thế giới. Và theo như cuộc thăm dò mới đây của Gallup, 85% nhân lực lao động hiện nay chán ghét công việc của mình.

Nếu cảm thấy cuộc sống hối hả đang giết chết chúng ta, hãy thoát ra khỏi càng nhanh càng tốt.

Joseph Campbell đã nói: “Phải buông trôi cuộc đời đã tính trước, chờ đón thứ đang thực sự đợi chúng ta.” 

Một khi đã nhận ra cách sống hiện tại không giúp chúng ta theo đuổi được niềm đam mê, ta phải thay đổi. Ta phải nhớ lại chính mình trước khi bị đặt vào cái khuôn định sẵn của những chuẩn mực xã hội. Sẽ có những đớn đau. Sẽ có những xáo trộn. Và ta sẽ nhận ra mình đang cô độc bước dài lê thê trên những vùng đất chưa được gọi tên. Nhưng ta phải cất bước đi thôi trước khi bị nhấn chìm trong đó.

2. Chấp nhận khổ đau

Thế giới làm ta tan nát. Vậy hãy biến sự khổ đau thành nền tảng để xây dựng nên bản ngã mới. Như Rollo May đã khẳng định chắc nịch, “nỗi đau là cách khiến ta nhận ra thái độ hay hành vi sai lệch... mỗi phút giây đớn đau cho ta cơ hội để trưởng thành. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng mọi người nên hân hoan vì niềm đau khổ. Đây là dấu hiệu chỉ ra ta có thể thay đổi chính bản thân mình.”

Hay theo cách nói của Charles Bukowski, bạn phải chết vài lần để có thể thực sự sống.

Đám đông càng lớn, mỗi cá nhân càng nhỏ bé hơn: Làm gì để vượt qua cái hố đen sâu thẳm của sự trống rỗng giữa cuộc sống hiện đại? - Ảnh 2.

3. Tự nhận thức

Cuộc sống hiện đại nhàn tẻ và thanh bình khiến chúng ta biếng nhác, cuốn lấy những trò tiêu khiển rẻ tiền, những màn kịch đời tầm thường vô vị. Tâm trí ta cứ mờ sương, uể oải, chậm chạp. Ngày lại qua ngày, cuộc sống như được lập trình sẵn. Ta chẳng thể nhớ nổi mình đã làm gì sáng qua nữa. Mọi thứ đều như một thói quen, đáng quên, chết lặng.

Nhưng Alan Watts đã từng nhắc nhở chúng ta, “Đây là bí mật của cuộc đời – hãy để tâm đến những thứ bạn đang làm. Thay vì gọi nó là công việc, hãy gọi nó là thú vui.”

Phải học cách chế ngự những con robot bên trong chúng ta, nâng cao tầm nhận thức. Hãy ném bản thân vào những trải nghiệm mới, bằng những chuyến phiêu lưu, những hiểm nguy, thay vì thụ động ngồi một chỗ để đọc và xem người khác sống thế nào.

4. Giảm mua sắm

Nếu là một người trẻ điển hình, bạn có lẽ đang chết ngập trong đống nợ, tài khoản tiết kiệm gần như bằng không. Khả năng tài chính tệ hại khiến bạn phẫn uất, tuyệt vọng, mất đi nhân tính. Khốn nạn thay, những nỗ lực vô vọng để gây ấn tượng với người khác đang gặm nhấm linh hồn bạn, khiến bạn chán nản vô cùng.

Theo nghiên cứu của đại học Northwestern, những người đặt nặng sự giàu có, địa vị xã hội và của cải vật chất dễ bị trầm cảm và chống đối xã hội (anti-social) hơn phần lớn chúng ta.

Chẳng phải là bí kíp gì cao xa, bạn càng sở hữu ít hơn, bạn càng hạnh phúc. Chi tiền vào những thứ thực sự thu hút bạn, khiến bạn ngưỡng mộ, thay vì chạy đua theo những thiết bị hiện đại nhất, những quần áo trang sức mốt nhất chỉ cho bạn hạnh phúc ngắn hạn.

Đám đông càng lớn, mỗi cá nhân càng nhỏ bé hơn: Làm gì để vượt qua cái hố đen sâu thẳm của sự trống rỗng giữa cuộc sống hiện đại? - Ảnh 3.

5. Tìm kiếm bản năng nguyên thủy

Có một sự thật là, chúng ta – những con người văn minh sống trong thế giới hiện tại đang phát ốm.

Chúng ta là giống loài duy nhất trong hành tinh này sống khác hoàn toàn với bản năng, thế chỗ bằng những nụ cười giả tạo và lớp mặt nạ giả tạo.

Nietzsche hiểu rất rõ điều này, “tương đối mà nói, con người là loài động vật vụng về, ốm yếu và nguy hiểm hơn thảy, đã đi ngược lại bản năng của chính mình.”

Nietzsche kết luận rằng cách chữa duy nhất cho “căn bệnh mang tên loài người” là “trở về với mẹ thiên nhiên”, làm sống lại những bản năng nguyên thủy đã bị triệt hạ bởi văn minh.

Ta phải học cách chạm ngón tay vào đất, học cách làm vườn, thiền, đi chân trần trên nền cỏ, bộ hành trong tự nhiên, tìm hiểu và thí nghiệm các vị thuốc thiên nhiên.

Mọi thứ chỉ là phù du, chúng ta đang dần đi đến điểm kết của cuộc đời mình. Mỗi hơi thở qua đi, ta lại càng đi gần đến cõi chết. Bạn có muốn hết lòng với cuộc sống mà mình được ban tặng, hay sẽ trở thành nạn nhân của lối sống giả tạo khiến bạn bị nuốt chửng bởi xã hội này?

Bùi Thảo

Cùng chuyên mục
XEM