Đại sứ Phạm Sanh Châu kể chuyện đàm phán 1 triệu liều thuốc chữa Covid-19: CEO công ty dược Ấn Độ phải nể phục quyết tâm hành động của Việt Nam
Từng được sử dụng để điều trị Covid-19 cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, Remdesivir đang rất khan hàng trên toàn thế giới. Để có được cam kết 1 triệu liều dành cho Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh đó là quyết tâm to lớn của cả hệ thống, trong lẫn ngoài nước.
- Thưa đại sứ, ý tưởng về "Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc xin Covid-19" ra đời như thế nào?
Đại sứ Phạm Sanh Châu : Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ quyết định thành lập "Nhóm phản ứng nhanh" bao gồm phòng Thương vụ, phòng Khoa học công nghệ, phòng Chính trị kinh tế và các cán bộ chủ chốt của Đại sứ quán với mục đích tiến hành đàm phán với các hãng dược của Ấn Độ để đưa thuốc điều trị và vắc xin Covid-19 về Việt Nam.
Nhóm phản ứng nhanh cũng có nhiệm vụ đi gặp các cơ quan chức năng của Ấn Độ để xử lý các vấn đề liên quan tới giấy phép, vận chuyển. Nhóm ra đời bắt nguồn từ nhưng nhu cầu thực thế của Việt Nam với việc tìm các nguồn cung thuốc và vắc xin cho nỗ lực chống dịch trong nước.
Ý tưởng về nhóm ra đời sau một chuyến thăm tới thành phố Hyderabad, trung tâm dược của Ấn Độ. Chúng tôi nhận ra ở đó có 2.500 đơn vị sản xuất dược, đang sản xuất các thuốc đặc trị Covid-19 trong đó có Remdesivir.
Đằng sau loại thuốc này là một câu chuyện đặc biệt. Tháng 9/2020, khi 38 cán bộ, nhân viên Đại sứ quán nhiễm Covid-19, chúng tôi được nghe rằng Remdesivir có hiệu quả rất cao trong điều trị Covid-19. Chúng tôi cũng đã thuyết phục Bộ Ngoài giao đề nghị phía Ấn Độ sử dụng thuốc Remdesivir cho cán bộ Đại sứ quán.
Tuy nhiên, phía Ấn Độ nói rằng do tình trạng khan hiếm trên diện rộng, chỉ những trường hợp nặng mới được điều trị bằng thuốc Remdesivir. Một trường hợp nặng của Đại sứ quán đã được điều trị bằng thuốc này và được cứu sống.
Chính vì giá trị cao của thuốc, nhà chức trách Ấn Độ đưa Remdesivir là mặt hàng chiến lược và thiết yếu. Đồng nghĩa với đó, loại thuốc này không được phép xuất khẩu mà chỉ được sử dụng trong nước hoặc đáp ứng các nhiệm vụ ngoại giao của họ.
- Đại sứ có thể chia sẻ kỹ lưỡng hơn về quá trình đàm phán để có được 1 triệu liều Remdesivir từ các doanh nghiệp dược Ấn Độ cho Việt Nam?
Chúng tôi kết nối với tập đoàn Vingroup khi họ đang ráo riết triển khai mua thuốc tặng Bộ Y tế. Thời điểm đó, phía Vingroup có các đầu mối để mua thuốc rồi nhưng các đối tác này không được phép xuất khẩu Remdesivir ra khỏi biên giới Ấn Độ. Do nằm trong danh mục thiết yếu nên xuất khẩu Remdesivir cần có sự chấp thuận của liên bộ bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Dược và Bộ Y tế Ấn Độ.
Với mong muốn đưa thuốc điều trị Covid-19 về Việt Nam, Vingroup đã nhờ Chính phủ, Bộ Y tế và Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ tác động. Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc xin điều trị Covid-19 của Đại sứ quán đã ngay lập thức được triển khai thành 2 mũi. Mũi 1 đàm phán với các bộ ngành của Ấn Độ để xin giấy phép xuất khẩu. Nhóm thứ 2 đàm phán với từng công ty dược của Ấn Độ để "thu lượm" từng liều thuốc Remdesivir có thể dành cho Việt Nam.
Được sự hỗ trợ của Bộ Y tế Ấn Độ, Đại sứ quán đã liên hệ được với 6 công ty dược khác nhau của Ấn Độ với tổng số 1 triệu liều Remdesivir. Đây là số thuốc họ cân đối từ các nguồn để sẵn sàng bán cho Việt Nam trong 30 ngày tới. Việc đàm phán nguồn cung diễn ra song song với nỗ lực xin cấp phép xuất khẩu thuốc sang Việt Nam.
Hiện tại, Vingroup đã mua 500.000 liều Remdesivir trong số 1 triệu liều này. Nếu doanh nghiệp nào khác ở Việt Nam muốn mua, Đại sứ quán sẽ hỗ trợ các thủ tục. Thực tế, có được lượng thuốc này rất đáng quý, nhất là khi các công ty dược của Ấn Độ phải dành nguồn cung, vốn đã rất hạn chế, cho các nước được coi là ưu tiên trong chiến dịch Ngoại giao Covid-19 của Ấn Độ, chẳng hạn như các nước láng giềng như Nepal hay Bangladesh.
- Trong quá trình đàm phán, điều gì để lại chi Đại sứ nhiều ấn tượng nhất?
Khi thành lập đội phản ứng nhanh, chúng tôi cũng thành lập rất nhiều nhóm chat để đàm phán với từng đối tác cụ thể. Các nhóm chat đó đều có sự tham gia của các thứ trưởng, vụ trưởng của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế.
Trước quyết tâm hành động của Việt Nam, CEO công ty dược Cipla, người có 40 năm làm việc trong ngành này, phải thốt lên rằng chưa thấy quốc gia nào lại làm nhanh và quyết tâm đến thế. Họ cũng rất kinh ngạc khi Đại sứ có thể mời thứ trưởng, vụ trưởng các bộ tham gia đàm phán thông qua những ứng dụng nhắn tin trên di động.
Ngoài ra, họ cũng tỏ ra kinh ngạc khi phía Việt Nam có thể tác động mạnh được vào Bộ máy hành chính của Ấn Độ, vốn đòi hỏi rất nhiều quá trình và cần tới 4 bộ phê duyệt để có thể xuất khẩu thuốc. Chính tốc độ đàm phán của Đại sứ quán Việt Nam khiến họ kinh ngạc và trầm trồ. Khi đọc được những dòng nhận xét đó, tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào.
Trong nhóm này còn có lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, những người đang nỗ lực để mua thuốc tặng Bộ Y tế để cùng cả nước chống dịch. Để đẩy nhanh hơn nữa quá trình, Đại sứ quán đã làm việc với 3 hãng hàng không để sẵn sàng chở thuốc về Việt Nam ngay khi sẵn sàng.
Bên cạnh kỷ niệm vui với những kết quả đạt được, cũng có những kỷ niệm buồn. Không phải tất cả các đề nghị của Đại sứ quán đưa ra đều được đồng ý. Phía bạn nói rằng mong Việt Nam thông cảm bởi chính tại Ấn Độ cũng đang có tới 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Ấn Độ có thể chia sẻ với Việt Nam ở chứng mực nào đó thôi. Vượt qua chừng mực đó, họ sẽ gặp những phức tạp trong vấn đề chính trị nội bộ của họ. Mình hiểu điều đó nhưng vẫn tiếc.
Tôi không chỉ phải tham gia 14 cuộc họp mỗi ngày mà còn phải nhắn người này, hẹn người kia làm sao để có được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, đóng góp được trong lúc đất nước đang rất cần khiến tôi thấy mình có ích. Giống như trong thời chiến, những quyết tâm của phía Việt Nam cho thấy cả nước đang nỗ lực đồng hành với từng người bệnh.
- Ngoài Remdesivir, có tiến bộ gì trong việc đàm phán vắc xin Covid-19 cho Việt Nam không, thưa Đại sứ?
Bên cạnh đàm phán nguồn cung và xin giấy phép xuất khẩu Remdesivir cho Việt Nam, Nhóm phản ứng nhanh còn có 3 nhiệm vụ khác. Thứ nhất, chúng tôi đang đàm phán để mua loại thuốc uống điều trị Covid-19 với khả năng chữa khỏi là 80% trong vòng 5 ngày. Đây là loại thuốc được cho là sẽ thay đổi cuộc chơi. Tuy nhiên, tôi không thể cung cấp thông tin chi tiết vì đang trong quá trình đàm phán.
Thứ 2, nhóm cũng đang đàm phán nhập vắc xin Covid-19 cho Việt Nam. Về nguồn cung, chúng ta đã đàm phán được nhưng vẫn đang chờ xin giấy phép xuất khẩu của nước bạn.
Cuối cùng, chúng tôi cũng đang đàm phán để đưa NanoCovax, vắc xin của Việt Nam, sang thử nghiệm và sản xuất đại trà tại Ấn Độ. Chúng ta đang chuẩn bị ký hợp đồng.
Đại sứ Phạm Sanh Châu hiện là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Bhutan và Nepal. Ông từng là Trợ lý Bộ trưởng, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO và là Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.