Ngân hàng nào ‘khỏe’ nhất

04/08/2021 15:38 PM | Kinh doanh

Nhóm 4 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống trên 200% gồm Vietcombank, Techcombank, ACB và MB.

Theo thống kê của Người Đồng Hành, tổng nợ xấu của 26 ngân hàng đã công bố chi tiết báo cáo tài chính ở mức hơn 96.227 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối quý I và tăng 9% so với cuối năm trước.

Dẫn đầu về con số nợ xấu là BIDV với 21.141 tỷ đồng, gần như không đổi so với cuối 2020, tỷ lệ nợ xấu 1,63%. Hai ngân hàng tiếp theo là VietinBank với gần 14.500 tỷ đồng, cao hơn 52% so với cuối năm trước, VPBank hơn 10.800 tỷ đồng, cũng tăng 9%. Tỷ lệ nợ xấu lượt là 1,34% và 2,47%.

Nhóm giữa cách biệt so với nhóm đầu khi nợ xấu chỉ dưới 7.000 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank gần 6.900 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm nhưng thấp hơn 11% so với quý I. SHB với gần 6.700 tỷ đồng nợ xấu, tăng 20% so với đầu năm. Một số nhà băng khác có nợ xấu dao động vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng, tùy quy mô.

 Ngân hàng nào ‘khỏe’ nhất  - Ảnh 1.

Diễn biến nợ xấu cuối mỗi kỳ của ngân hàng. Nguồn: BCTC.

Ở chiều ngược lại, số ít nhà băng có nợ xấu giảm, có thể điểm tới là MB với 2.531 tỷ đồng nợ xấu, thấp hơn 22% cuối năm trước. Eximbank và Techcombank lần lượt giảm 16% và 14% xuống 2.318 tỷ và 1.119 tỷ đồng.

Xét về tỷ trọng nợ xấu, VPBank là đơn vị có tỷ lệ nợ nhóm 3-5 trên dư nợ cho vay cao nhất hệ thống gần 3,5%. Nguyên nhân do ngân hàng này sở hữu công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu riêng ngân hàng mẹ VPBank chỉ 1,73%.

Hai vị trí tiếp theo thuộc về VietCapital Bank và PGBank với tỷ lệ nợ xấu lần lượt là 2,81% và 2,67%. Một số ngân hàng khác có chỉ tiêu này quanh 2% là SHB, MSB, Eximbank.

Ngược lại, Techcombank hiện nay đang dẫn đầu là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống chỉ 0,36%, theo sau là ACB với 0,68% và Vietcombank 0,74%. Các con số này đều thấp hơn so với cuối quý I.

Ngân hàng đẩy mạnh bảo hiểm nợ xấu 

Không chỉ có tỷ trọng nợ xấu thấp nhất, Techcombank và Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Vietcombank dẫn đầu với tỷ lệ bao phủ nợ xấu gần 352% vào cuối quý II, theo sau là Techcombank 259%. Vị trí thứ ba thuộc về MB với 236% và ACB với 208%. Với mỗi đồng nợ xấu các ngân hàng này dùng đến 2-3 đồng để dự phòng.

Theo quy định, ngân hàng có hai loại trích lập, một là dự phòng chung bằng 0,75% tổng dư nợ cho vay và dự phòng cụ thể với phần nợ xấu phát sinh theo từng nhóm nợ. Trong đó, ngân hàng trích lập 100% với nợ có khả năng mất vốn, 50% với nợ nghi ngờ, 20% với nợ dưới tiêu chuẩn, ngoài ra còn trích 5% với nợ cần chú ý.

Theo lãnh đạo một ngân hàng tỷ lệ bảo phủ nợ xấu càng cao, trên 100% cho thấy việc xử lý nợ xấu của ngân hàng tốt và duy trì số nợ xấu thấp hơn số dự trữ. Việc để tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao giúp ngân hàng trích đủ dự phòng và có thể “write-off”, xóa nợ xấu lâu khỏi bảng cân đối kế toán, khi đó quỹ dự phòng thấp xuống nhưng nợ xấu cũng thấp hơn. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao thì chất lượng tài sản càng tốt.

Nhín chung phần lớn các ngân hàng đều có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng so với cuối năm trước.

 Ngân hàng nào ‘khỏe’ nhất  - Ảnh 2.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối mỗi kỳ của các ngân hàng. Nguồn: BCTC

Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với nguồn lực trích lập “dày”, nếu có vấn đề phát sinh, ngân hàng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng đưa sàn giao dịch nợ xấu đi vào hoạt động để việc xử lý nợ của các ngân hàng được hiệu quả và triệt để hơn.

Chứng khoán ACBS từng đề cập sau quá trình trích lập dự phòng và xóa nợ xấu giai đoạn 2015-2020, dư nợ ngoại bảng của các ngân hàng đang ở mức rất lớn. Đơn vị này ước tính tới cuối năm 2020, dư nợ ngoại bảng của Vietcombank vào khoảng 20.000 tỷ đồng, VietinBank khoảng 19.000 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ của khách hàng được ngân hàng trích lập hoàn toàn và đưa khỏi bảng cân đối kế toán. Nếu có thể thu hồi, ngân hàng có thể ghi nhận vào khoản thu nhập lãi khác.

Bên cạnh các ngân hàng trên, một số đơn vị có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao có thể điểm tới như TPBank, Bac A Bank, BIDV, VietinBank và Sacombank, đều trên 100%. Ngược lại, một số ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp là Viet Capital Bank và PG Bank chỉ 33-47%.

 Ngân hàng nào ‘khỏe’ nhất  - Ảnh 3.

Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng cuối mỗi kỳ. Nguồn: BCTC.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đề cập dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp sau khi bùng phát lần thứ 4 sẽ khiến số lượng các doanh nghiệp gặp khó khăn tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu vay cũng như chất lượng dư nợ.

Thông tư 03 của NHNN đã cho phép các ngân hàng được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu trong 3 năm. Với các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ thấp, áp lực trích lập và xử lý nợ trong tương lai sẽ cao hơn nếu nợ xấu tăng, ảnh hưởng lợi nhuận.

ACB là số ít ngân hang đã trích lập toàn bộ nợ tái cơ cấu trong nửa đầu năm thay vì phân bổ trong 3 năm. Bên cạnh đó, Vietcombank, đầu năm nay, lãnh đạo cũng từng chia sẻ ngân hàng sẽ chủ động trích lập dự phòng toàn bộ nợ tái cơ cấu trong năm nay mà không cần giãn 3 năm theo Thông tư 03. Hay gần nhất, VietinBank đã đẩy mạnh trích lập với số dư vượt trên nhiều so với mức quy định cho năm 2021, nhằm gia tăng quỹ dự phòng rủi ro, nâng cao tỷ lệ bao phủ nợ xấu kiểm soát chất lượng tín dụng.

Lê Hải

Từ khóa:  ngân hàng
Cùng chuyên mục
XEM