Đại gia Thái và cuộc "đánh chiếm" những lĩnh vực béo bở ở Việt Nam
Từ bán thịt, trứng, cho tới đầu tư hóa dầu, khu công nghiệp..., các đại gia Thái Lan đang xây dựng nền móng vững chắc tại các lĩnh vực quan trọng ở Việt Nam.
Thời gian qua, doanh nghiệp Thái Lan đã gia tăng đầu tư vào thị trường trong nước thông qua cả hai hình thức là đầu tư trực tiếp (FDI) và thông qua mua bán và sáp nhập (M&A). Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo trong thời gian tới đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng.
Bán lẻ
Năm 2015, sau hơn 4 năm thành lập, Central Group Việt Nam (CGV) đã mua 49% cổ phần tại Nguyễn Kim. Năm 2016, CGV liên tiếp sở hữu 2 thương hiệu khác là Big C Việt Nam và Lan Chi Mart. Thông qua các thương vụ M&A để thâu tóm các thương hiệu bán lẻ, Central Group Việt Nam còn đưa các thương hiệu từ Thái và các nước khác vào Việt Nam.
Tính đến nay, Central Group Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới bán lẻ rộng lớn khi có đến 230 trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng. Nhà đầu tư này tập trung vào bán lẻ đa ngành và đa kênh, gồm đại siêu thị và siêu thị Big C, hệ thống cửa hàng tiện lợi C-Express, siêu thị điện máy và trang thương mại điện tử Nguyễn Kim, hệ thống siêu thị Lan Chi Mart, trung tâm mua sắm Robins, hệ thống cửa hàng thời trang Dalala, cửa hàng thể thao Supersports, văn phòng phẩm B2S và một loạt thương hiệu quốc tế như Lee, F&F, Crocs, Fila...
Năm 2017, Central Group Việt công bố đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng diện tích mặt bằng cho thuê tại Việt Nam lên gấp đôi so với mức 470.000m2 đang có. Cùng với đó, Central Group - công ty mẹ tại Thái Lan cũng muốn đầu tư thêm 6,4 tỷ USD trong 5 năm tới để mở rộng thị trường nội địa và nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam. Bởi với doanh nghiệp này, Việt Nam là trọng tâm trong kế hoạch đầu tư mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và khách sạn.
Đây là thị trường tiềm năng và được kỳ vọng phát triển gấp 4 lần về doanh thu cho Tập đoàn trong 5 năm tới. Năm nay, Central Group hướng tới doanh thu gần 13 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2017. Theo ông Tos Chirathivat - CEO Central Group, đến năm 2022, Tập đoàn dự định nâng số cửa hàng tại Thái Lan từ 4.970 lên hơn 7.500 và mở thêm hơn 500 cửa hàng tại Việt Nam.
Còn với BJC - công ty con của TCC Holdings, với MM Mega Market, BJC đã có 19 trung tâm thương mại cùng với 3 trạm trung chuyển tại Đà Lạt (cung cấp rau củ quả tươi), Đồng Nai (thịt heo tươi sống), Cần Thơ (thủy sản) và 2 tổng kho trung chuyển cung cấp thực phẩm tươi. Đó là chưa kể hệ thống cửa hàng tiện lợi Bsmart đang phủ rộng tại các thành phố lớn.
Năm 2016, sau khi hoàn tất thương vụ chuyển nhượng Metro Cash & Cary với phía Đức, BJC đã thay đổi nhận diện thương hiệu (chuyển tên thành MM Mega Market Việt Nam) và thực hiện chiến lược kinh doanh với mô hình B2B và B2C, trong đó tập trung 70% cho B2B và 30% cho B2C.
Ông Phidsanu Pongwatana - Giám đốc Điều hành MM Mega Market Việt Nam cho biết, Công ty đang xây dựng trạm trung chuyển thịt heo đầu tiên tại miền Bắc. Năm tới, MM Mege Market Việt Nam sẽ mở từ 1 - 3 trung tâm phân phối ở phía Bắc mà trung tâm đầu tiên là tại Hà Nội. Chuẩn bị cho kế hoạch này, MM Mega Maket đang cần tuyển dụng hơn 700 nhân sự.
Thực phẩm - đồ uống
Bên cạnh lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm cũng là “miếng bánh” béo bở mà nhiều tỷ phú Thái nhòm ngó. Đầu 2013, ThaiBev đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát Fraser&Neave (F&N), tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore.
Cũng chính từ sở hữu F&N, tập đoàn đã nhanh chóng thông qua công ty con F&N Dairy Investment mua 9,5% cổ phần Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Đến tháng 8/2014, công ty tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 11% với việc mua 15 triệu cổ phiếu Vinamilk, giá bình quân 113.000 đồng. Đây cũng là cổ đông nước ngoài lớn nhất của hãng sữa này.
Đến nay, các công ty thuộc F&N đang nắm giữ 19,96% cổ phần Vinamilk, sau một thời gian dài gom mua cổ phiếu công ty này và không giấu tham vọng tiếp tục gom mua thêm hơn 14,5 triệu cổ phiếu VNM. Nếu giao dịch trên thành công, F&N sẽ nâng sở hữu tại Vinamilk lên 21%.
Trong lĩnh vực đồ uống, cuối năm 2017, Tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua thành công 53,59% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Tổng số tiền mà ThaiBev bỏ ra để nắm quyền điều hành tại Sabeco là gần 5 tỷ USD.
Nông nghiệp
CP Group, công ty của ông Dhani Chearavanont đang ghi dấu ấn đậm nét khi chọn cách tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua lĩnh vực nông nghiệp.
C.P gia nhập thị trường Việt Nam ngay từ khi đất nước bắt đầu mở cửa. Đến năm 1993, công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam được thành lập và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai.
Năm 2009, Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam trở thành Công ty C.P. Vietnam Livestock Corporation và sau đó vào năm 2011 đổi tên thành C.P. Vietnam Corporation (Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P. Việt Nam).
C.P. Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Nông - Công nghiệp, ngành thực phẩm khép kín: Chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm và thủy sản. Từ đó cho đến nay, C.P. Việt Nam (CPV) không ngừng mở rộng sản xuất và hoạt động trong 3 lĩnh vực chính:Ngành Thức ăn chăn nuôi (Feed), Ngành Trang trại (Farm, Ngành Thực phẩm (Food)
Đến nay, công ty đã nắm giữ 7% thị phần thịt heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp và khoảng 22% thịt gà công nghiệp tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, C.P Việt Nam chiếm khoảng 18% thị phần và cùng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khác chiếm tới 60% thị phần thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, từ tháng 9/2015 CPV đã hoàn thiện và mở rộng hệ thống thức ăn nhanh Five Star. Với mô hình xe đẩy và ki-ốt, Five Star đang nhượng quyền thương hiệu cho nhiều hộ kinh doanh nhỏ, vốn ít tại Việt Nam. Chuỗi này tập trung bán gà rán, gà quay tương tự như sản phẩm của Lotteria hay KFC, nhưng với quy mô nhỏ và tiện lợi.
Ngoài mô hình kinh doanh thức ăn nhanh gà rán, gà quay... CPV còn đầu tư cho các hệ thống bán lẻ.
Công nghiệp
Tại Việt Nam, SCG đã thực hiện hơn 20 thương vụ M&A ở nhiều lĩnh vực, có đến 23 công ty con đang hoạt động tại Việt Nam với khoảng 8.300 nhân viên.
Trong lĩnh vực công nghiệp, cuối năm 2012, SCG đã chi 5.000 tỷ đồng để sở hữu 85% cổ phần Công ty Prime - một doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất gạch lát, gốm (chiếm 30% thị phần cả nước). Hiện tại, thương hiệu này đã hoàn toàn thuộc về SCG khi mới đây đã chi thêm 1.400 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần còn lại.
Trước Prime, năm 2008, SCG cũng đã đầu tư vào Tổ hợp hóa dầu Long Sơn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thành lập. Từ số vốn ban đầu 3,7 tỷ USD, vốn đầu tư vào Long Sơn đã lên 5,4 tỷ USD, trong đó SCG chiếm 71%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm 29%. Và nay, Công ty Siam Cement thuộc tập đoàn SCG của Thái Lan đã ký hợp đồng với PetroVietnam để mua lại 29% cổ phần tại nhà máy hóa dầu Long Sơn với giá trị của hợp đồng là 2.052 tỷ đồng và giao dịch dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2018. Như vậy, sau thương vụ này, Tập đoàn SCG của Thái Lan chính thức sở hữu 100% dự án hóa dầu Long Sơn.
Năm 2015, SCG chi khoảng 1.000 tỷ đồng để sở hữu 80% cổ phần Công ty Bao bì nhựa Tín Thành (Batico). Đây là một trong 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực bao bì với công suất đạt 230 triệu m2/năm.
Tháng 3/2018, SCG tiếp tục chi 2.330 tỷ đồng để nâng tỷ lệ cổ phần từ 29,52% lên 50,9% tại Công ty CP Nhựa Bình Minh - công ty sản xuất 140.000 tấn đồ nhựa/năm, lãi ròng 500 tỷ đồng/năm.
Đầu năm 2017, SCG cũng đã chi 160 triệu USD mua 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Việt Nam.
SCG còn nắm giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái... Ngoài ra, SCG cũng có vốn tại một số công ty Việt Nam khác như Công ty Giấy Kraft Vina, Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP (Hà Nội), Công ty Bao bì Alcamax (Việt Nam), Công ty Sản xuất bao bì Packamex (Việt Nam)...
Hiện tại, SCG đang nắm trong tay khoảng 21 công ty tại Việt Nam và vẫn đang mở rộng từng ngày.
Tập đoàn Amata của ông Vikrom Kromadit (Thái Lan) cũng nhanh chóng tạo tiếng vang khi đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Amata tại Biên Hòa, Đồng Nai vào năm 1994 với diện tích 700ha. Tổng vốn đầu tư vào khu công nghiệp thuộc hạng "kiểu mẫu" này đến nay đã lên tới hơn 1,9 tỷ USD.
Sau thành công của khu công nghiệp trên, năm 2012, Amata quyết định đầu tư dự án Amata Express City tại Long Thành, Đồng Nai với tổng vốn đầu tư ước tính 20 tỷ USD. Đến nay, dự án này đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương và thỏa thuận địa điểm. Nơi đây cũng được kỳ vọng trở thành Trung tâm tài chính của châu Á.
Ngoài các dự án trên, Amata còn tiến ra Quảng Ninh lập dự án Future City 3.000 ha (khu công nghiệp kết hợp đô thị) để thu hút các nhà đầu tư Thái.
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, sắp tới, doanh nghiệp gốc Thái rất quan tâm đến các lĩnh vực tiêu dùng nhanh, bất động sản đô thị - nghỉ dưỡng, năng lượng sạch, dược phẩm và viễn thông... của Việt Nam. Những ngành này rất có thể là lĩnh vực mà các DN Thái sẽ bỏ vốn mạnh. Đặc biệt, nhà đầu tư Thái sẽ không chịu đứng ngoài cuộc khi các doanh nghiệp lớn như MobiFone, PV Oil, Satra, Becamex IDC… bán cổ phần lần đầu ra công chúng.