Đại gia ồ ạt nhảy vào món ăn vặt

04/12/2018 08:53 AM | Kinh doanh

Bình quân mỗi tháng giới trẻ Việt Nam bỏ ra 13.000 tỉ đồng chi cho ăn vặt.

Các đại gia Việt trong ngành thực phẩm đang lao vào cuộc đua cung cấp món ăn vặt cho người tiêu dùng.

Ồ ạt đầu tư

Xé nhẹ bịch đựng nguyên liệu bánh tráng trộn, đổ nguyên liệu vào một ly nhựa và trộn đều, chị Uyên Phương (quận 3, TP.HCM) có ngay món ăn vặt đang hấp dẫn giới trẻ hiện nay. Nhưng món bánh tráng trộn này không phải mua bên vỉa hè, mà ngay tại cửa hàng tiện lợi. “Vị chuẩn, tiện lợi và vệ sinh”, chị Uyên Phương mô tả món bánh tráng trộn của Công ty Cổ phần Sài Gòn Food.

Sài Gòn Food vốn xây dựng tên tuổi trong ngành thực phẩm tiện lợi với các món ăn như cháo tươi dinh dưỡng, lẩu ăn liền,… Đây cũng là công ty được chọn là đối tác cung cấp các món ăn sẵn cho hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven (Nhật) nên việc tham gia vào thị trường món ăn vặt không quá thách thức với công ty này. Hiện nay Sài Gòn Food có hàng loạt món ăn vặt như bắp xào, gỏi cuốn, cơm cuộn, hột vịt lộn xào me.

“Thị trường ăn vặt đầy hấp lực về lợi nhuận và doanh thu. Với năng lực sẵn có, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để đầu tư các nhóm món ăn vặt” - bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food, cho biết.

Đánh giá của bà Lâm khá là hợp lý vì kết quả khảo sát mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab cho thấy bình quân giới trẻ Việt Nam bỏ ra 13.000 tỉ đồng chi cho ăn vặt mỗi tháng. Con số này cho thấy tiềm năng cực lớn của thị trường đồ ăn vặt mà các đại gia không thể bỏ qua.

Nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới, Công ty Vissan, một đại gia trong ngành chế biến thực phẩm vào cuối tháng 10 vừa qua đã tung ra hàng chục sản phẩm ăn vặt. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu thị trường rất kỹ để quyết định tung ra nhóm sản phẩm ăn vặt, vì đây là sản phẩm có sức hút không thua kém nhóm thực phẩm chế biến, món ăn tiện lợi”.

Đáng chú ý món heo da dòn của Vissan được xem là món ăn vặt mới nổi và khá độc đáo trên thị trường hiện nay. Thậm chí Vissan đã xuất khẩu được cả món ăn chơi sang Hàn Quốc.

Không đứng ngoài cuộc, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, đánh giá món ăn vặt hấp dẫn khách hàng nhờ vào tính tiện lợi, hương vị ngon, vừa đủ no và giá cả hợp lý. Dựa trên phân tích này, công ty đã chuyển hướng không chỉ cung cấp trứng tươi ra thị trường mà còn đưa các sản phẩm chế biến như trứng cút phá lấu, trứng gà tiềm, trứng vịt kho,… hiện được tiêu thụ rất tốt.

 Đại gia ồ ạt nhảy vào món ăn vặt  - Ảnh 1.

Người Việt chi gần 13.000 tỉ đồng cho ăn quà vặt mỗi tháng. Trong ảnh: Khách đang mua món ăn vặt. Ảnh: PM

Tăng tính hấp dẫn

Theo các chuyên gia, chính các món ăn vặt đặc trưng Việt Nam đã khiến các đối thủ nước ngoài về thức ăn nhanh khó cạnh tranh lại, thậm chí nhiều công ty tỏ ra hụt hơi trên thị trường và đành nhường sân chơi cho các đại gia thực phẩm của Việt Nam.

Hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab nhận xét với khoảng 14,4 triệu người Việt thuộc thế hệ Z (sinh năm 1995 trở về sau) dễ thích nghi với lối sống hiện đại, cập nhật nhanh xu hướng dẫn đến thói quen ăn uống, khẩu vị của nhóm đối tượng này có những bước đột phá. Điều này lý giải tại sao các doanh nghiệp (DN) đua nhau đổ vốn vào khai thác thị trường món ăn vặt.

Còn bà Nguyễn Phi Vân, thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho chính phủ Malaysia cho rằng có nhiều yếu tố để các công ty phát triển món ăn vặt. Hiện nay quá dư thừa các nhà hàng cao cấp khai thác nguồn khách thu nhập cao, trong khi tại Việt Nam lượng người thu nhập trung bình rất lớn và khoảng trống thị trường cho nhóm khách này còn khá nhiều để khai thác. Món ăn vặt nếu phát triển một cách bài bản dễ dàng thu hút khách hàng và sinh lợi khá cao.

“Các đại gia Việt sẽ dễ dàng thành công trong lĩnh vực món ăn vặt vì họ có đủ nguồn lực để thay đổi nhanh khẩu vị mới. Họ sở hữu một hế thống phân phối rộng khắp, chưa kể gieo vào tâm trí người tiêu dùng về độ đảm bảo an toàn món ăn vặt vốn dễ bị gán mất vệ sinh như các quán vỉa hè thường thấy” - một chuyên gia cho biết.

Bám sát xu hướng mới

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ, Giám đốc Công ty Tân Việt Sinh Foods, thị trường ăn vặt có tiềm năng lớn nhưng các DN đều vẫn chưa khai thác hết. Để thành công trong thị trường này, DN cần phải thiết kế món ăn phù hợp địa phương, linh hoạt hơn trong việc sản xuất, bám sát xu hướng mới để liên tục đổi mới sản phẩm. Cuối cùng, giá cả cần hợp lý, sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm và các giá trị dinh dưỡng.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab, ước tính Việt Nam có hơn 14,4 triệu người đang trong độ tuổi thuộc nhóm đối tượng sinh năm 1995 trở về sau (hay còn gọi là thế hệ Z). Đây được đánh giá là nhóm khách hàng tiềm năng và tiên phong cho những thay đổi của ngành kinh doanh ẩm thực ở các thành phố lớn.

Theo Phương Minh

Cùng chuyên mục
XEM