Đại gia chăn nuôi quý 1/2023: “Sấp mặt” với chi phí lãi vay, BAF, Hoà Phát, Dabaco lỗ kỷ lục, HAGL không còn lãi từ heo

02/05/2023 10:45 AM | Kinh doanh

Ở góc độ doanh nghiệp, bức tranh kinh doanh quý 1/2023 của các công ty niêm yết cũng thể hiện rõ những khó khăn. Bên cạnh những khó khăn từ thị trường, lãi suất tăng kéo chi phí lãi vay tăng đột biến cũng là nguyên nhân chính “ăn mòn” lợi nhuận doanh nghiệp.

Đại gia chăn nuôi quý 1/2023: “Sấp mặt” với chi phí lãi vay, BAF, Hoà Phát, Dabaco lỗ kỷ lục, HAGL không còn lãi từ heo - Ảnh 1.

Quý 1/2023 có thể xem là giai đoạn bĩ cực của ngành chăn nuôi heo: Giá nguyên vật liệu, thức ăn tăng cao trong khi đầu ra chậm, giá bán giảm. Ghi nhận, giá heo hơi trong kỳ có lúc giảm mạnh chạm đáy với 45.000 đồng/kg.

Trung tuần tháng 3/2023, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phải gửi công văn “kêu cứu”, khi với giá thành sản xuất lên tới 54.000-55.000 đồng/kg, mỗi con heo xuất chuồng các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng.

Ở góc độ doanh nghiệp, bức tranh kinh doanh quý 1/2023 của các công ty niêm yết cũng thể hiện rõ những khó khăn. Bên cạnh những khó khăn từ thị trường, lãi suất tăng kéo chi phí lãi vay tăng đột biến cũng là nguyên nhân chính “ăn mòn” lợi nhuận doanh nghiệp.

Tập đoàn Dabaco (DBC) lỗ kỷ lục 321 tỷ đồng, quý trước đó Công ty đã báo lỗ gần 80 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ lớn, doanh thu giảm, trong khi DBC không còn “bia đỡ đạn” là mảng bất động sản, thì chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng mạnh.

Theo giải trình, kinh tế quý 1/2023 bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của giai đoạn hậu Covid19 và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi vẫn liên tục tái phát. Ngoài ra, chi phí chăn nuôi tăng cao trong khi sức mua giảm, giá bán các sản phẩm trên thị trường ở mức thấp trong thời gian dài, dẫn đến kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ.

DBC được biết đến là doanh nghiệp có thâm niên trong lĩnh vực chăn nuôi heo. Tổng đàn của Công ty tính đến đầu năm 2022 là 1 triệu con, sản lượng cung ứng xấp xỉ 600.000-700.000 con/năm.

Một “ông lớn” khác cũng báo lỗ kỷ lục là Hoà Phát (HPG) . Quý đầu năm, trong khi mảng thép hồi phục trở lại, mảng nông nghiệp của HPG lại bất ngờ lỗ lớn nhất từ trước đến nay với 117 tỷ đồng. Đây là số lỗ lớn nhất của mảng nông nghiệp kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2015 và là quý lỗ thứ 2 liên tiếp. Hiện, bên cạnh chăn nuôi heo, HPG còn đang cung cấp trứng gà sạch vào các siêu thị.

Nhờ nguồn thu thanh lý tài sản, Nông nghiệp BaF (BAF) thêm một quý thoát lỗ ngoạn mục. Ghi nhận, doanh thu quý 1/2023 của BAF giảm 47% xuống còn 816 tỷ đồng. Trong kỳ, đáng chú ý có lãi vay tăng đột biến (từ 4 tỷ lên hơn 22 tỷ đồng) khiến Công ty lỗ thuần 3 tỷ. Nhờ nguồn thu từ việc thanh lý tài sản, BAF vẫn có lợi nhuận sau thuế với gần 4 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm trước.

BAF là mảng chăn nuôi heo của “đại gia” Trương Sỹ Bá, được niêm yết trên thị trường vào năm 2021. Doanh nghiệp này hơn 2 năm trở lại đây đã và đang cho thấy sự đầu tư mạnh vào mảng heo, quy mô cung ứng tính đến nay bình quân đạt 280.000 con heo thịt/năm.

Năm 2022, BAF gây chú ý với thương hiệu thịt Heo ăn chay, trong đó heo được nuôi bằng công thức cám độc quyền của Công ty. Trong một chia sẻ gần đây, BAF cho biết giá vốn trên mỗi con heo đang vào mức 42.000 đồng/kg.

Đại gia chăn nuôi quý 1/2023: “Sấp mặt” với chi phí lãi vay, BAF, Hoà Phát, Dabaco lỗ kỷ lục, HAGL không còn lãi từ heo - Ảnh 2.

Ảnh: Tri Túc.

Cuối cùng, tên tuổi mới trong làng chăn nuôi được quan tâm – Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức . HAGL năm qua cũng ra mắt thương hiệu heo riêng là Heo ăn chuối Bapi, trong đó heo được nuôi theo công thức cám riêng (với 35% là chuối do HAGL trồng, 30% là bắp cùng thảo mộc, vi lượng…).

Không ghi nhận cụ thể lợi nhuận từ heo, song năm 2023 chủ trương của HAGL là mảng heo xác định không có lãi, và quý 1/2023 theo bầu Đức là không có lãi thật. Do nhận định thị trường heo rất khó, nên Công ty vẫn cứ thận trọng lên kế hoạch dù giá heo đang hồi phục.

Còn theo BCTC hợp nhất quý 1/2023, HAGL ghi nhận doanh thu thuần 1.697 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, ngành chăn nuôi đem lại 563 tỷ đồng, tăng mạnh 369 tỷ so với cùng kỳ. Tính trung bình, HAGL bán heo thu 6,25 tỷ đồng/ngày.

Dù vậy, đóng góp lớn nhất vẫn đến từ cây ăn trái đóng góp 710 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày thu 8 tỷ đồng.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hôm 28/4, bầu Đức cho biết: “Giá vốn heo HAGL là 42.000 đồng/kg, giá bán đang hồi phục vào khoảng 57.000 đồng/kg. Năm nay giá vốn sẽ có sự thay đổi, cụ thể có thể tăng lên do đậu nành tăng, giá bắp tăng… Trong đó, riêng chuối thì hạch toán HAGL tính giá vốn là 3.500 đồng/kg, nhưng thực chất ban điều hành tính thì là 0 đồng vì đây là chuối thải”.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM