Đại chiến không khí ở Trung Quốc

02/10/2019 09:44 AM | Xã hội

Một trong những cái giá đắt để các nhà máy nước ngoài mở ở Trung Quốc là ô nhiễm không khí. Ngoài chi phí lao động, cái giá về môi trường cũng là một trong những nguyên nhân khiến các công ty đổ về Châu Á.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, ô nhiễm không khí đã khiến nước này mất khoảng 267 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 38 tỷ USD mỗi năm. Con số này tính đến những chi phí y tế và sự suy giảm năng suất lao động do tác hại từ ô nhiễm.

"Đây là con số vô cùng lớn khi chúng tương đương tới 0,7% GDP", Giáo sư Steve Yim Hung Lam tham gia cuộc nghiên cứu thuộc trường đại học Hong Kong cho biết.

Bản báo cáo trên được đưa ra trong khi Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch "Giành lại bầu trời xanh" từ năm 2018 đến 2020.

Điều đáng ngạc nhiên là bất chấp những cố gắng của chính phủ, ô nhiễm không khí tại Trung Quốc đang khiến bình quân 1,1 triệu người thiệt mạng sớm hàng năm. Khoảng 20 triệu tấn gạo, lúa mỳ, đậu nành… bị mất do ô nhiễm không khí mỗi năm.

Đại chiến không khí ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm không khí là khí thải từ các nhà máy, một trong những hệ lụy của quá trình thu hút đầu tư nước ngoài và bùng nổ kinh tế của Trung Quốc. Tất nhiên, việc đốt than sưởi ấm của người dân và khí thải từ xe cộ cũng là nguyên nhân nhưng chúng ít ra vẫn còn có thể giải quyết. Đối với những nhà máy quanh các đô thị lớn như thủ đô Bắc Kinh, việc di dời hay bắt họ giảm lượng khí thải là điều rất khó.

Một cuộc chiến gian nan

Năm 2013, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ngập trong khói bụi ô nhiễm và chính phủ phải tuyên bố thực hiện một cuộc chiến nhằm giành lại sự trong lành cho môi trường. Hàng loạt những quy định được đặt ra, mức phạt cho các nhà máy, cá nhân hay đơn vị gây ô nhiễm được nâng lên. Các đoàn thanh tra được thành lập và kiểm tra thường xuyên hơn, chính quyền địa phương cũng bị đôn đốc để giám sát gắt gao việc đốt than.

Động thái của Bắc Kinh đã đem lại những hiệu quả nhất định khi lượng khí than đốt quanh vùng đã bắt đầu giảm từ năm 2013. Khí đốt tự nhiên và năng lượng sạch được Bắc Kinh tăng cường đầu tư. Mảng xe điện thân thiện với môi trường được phát triển, số lượng phương tiện tham gia giao thông bị giới hạn và quy hoạch.

Số liệu phân tích cho thấy lượng khí ô nhiễm tại các thành thị ở Trung Quốc đã giảm khoảng 1/3 từ năm 2013 đến 2017 nhờ những chính sách tích cực của chính phủ.

Năm 2019, Bộ trưởng môi trường Trung Quốc Li Ganjie tuyên bố chỉ số đo lường ô nhiễm (PM 2.5) đã giảm 9% trong khoảng 2017-2018. Các chỉ số đo lường cũng cho thấy nhiều thành phố Trung Quốc đã bớt ô nhiễm hơn trước đây.

Thậm chí tại tỉnh Hồ Bắc, nơi nổi tiếng với các lò đốt than cũng đã đạt mức chỉ tiêu PM 2.5 mà chính quyền Bắc Kinh đề ra vào tháng 5/2018

Đại chiến không khí ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Mặc dù vậy, gốc rễ của vấn đề vẫn chưa được giải quyết khi những nhà máy thải khí độc vẫn còn đó. Chính quyền Bắc Kinh mới chỉ đề cập đến những thành tựu với mảng đốt than và phương tiện, nhưng nguồn gốc gây ô nhiễm lớn nhất là các nhà máy thì lại không có tiến triển nhiều.

Trong khi tại các nước Phương Tây, các tiêu chuẩn về môi trường khiến chi phí sản xuất tăng cao thì ở Trung Quốc cùng nhiều nước Châu Á, sự nới lỏng về xả thải khí độc là một trong những nguyên nhân họ chấp nhận mở nhà máy tại đây. Ngoài chi phí lao động rẻ, những tiêu chuẩn lỏng lẻo về môi trường cùng nhiều chi phí rẻ khác đã khiến Trung Quốc và Châu Á chịu hậu quả ô nhiễm.

Điều khó khăn ở đây là dù chính quyền Bắc Kinh đã nâng mức phạt cũng như lập nhiều đoàn thanh tra, nhưng chúng chỉ mang tính nhất thời bất chấp chất lượng không khí ngày càng tệ. Mối liên hệ không rạch ròi giữa lợi ích kinh tế, tăng trưởng cũng như việc làm khiến chính quyền địa phương không dám mạnh tay với các doanh nghiệp.

Theo hãng tin Reuters, 30/39 thành phố miền Bắc nước này nằm trong khu vực kiếm soát ô nhiễm không khí của Trung Quốc đã không đạt chuẩn tính đến cuối tháng 3/2019. Đây là khu vực trọng tâm của công nghiệp nặng Trung Quốc và là nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu của cả nước.

Bộ môi trường Trung Quốc không có trả lời nào khi được Reuters hỏi về những thông tin này dù trước đó đã tuyên bố đạt được những thành quả nhất định trong cuộc chiến ô nhiễm.

AB

Cùng chuyên mục
XEM