Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai: Quốc hội chọn giám sát về quản lý nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài thời điểm này là chưa hợp lý
Trao đổi trong phiên thảo luận tổ về chương trình giám sát Quốc hội năm 2018, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đánh giá, việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là cần thiết, nhưng triển khai trong năm 2018 thì lại chưa hợp lý.
Trong những nội dung giám sát chuyên đề được Quốc hội đề xuất năm 2018 có 4 nội dung cụ thể được đưa ra, với 2 nội dung kinh tế quan trọng. Đó là giám sát (1) việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; và (2) việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài đề đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng với chuyên đề (2), đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai thuộc đoàn Hà Nội đánh giá, đây là lĩnh vực còn tồn tại nhiều bất cập, cần thiết phải giám sát.
Mặc dù vậy, đại biểu Mai cũng cho biết, nếu Quốc hội tiến hành việc giám sát trong năm 2018 thì lại chưa hợp lý.
“Nếu chúng ta tiến hành giám sát thì phải ấn định thời hạn. Trong tờ trình chưa nêu rõ thời hạn là giai đoạn nào, từ 2011 – 2015 hay 2016 – 2020?”, bà Mai đặt câu hỏi.
Nếu giai đoạn 2011 – 2015, thì không thực sự cần thiết bởi trong kỳ họp trước, Chính phủ cũng trình ra tờ trình rất kỹ lưỡng về huy động, sử dụng rất chi tiết các nguồn vốn. Báo cáo này đã được Quốc hội sử dụng để thảo luận nhiều vòng, các ủy ban cũng đã vào cuộc, Quốc hội cũng đã thẩm tra,… tất cả đều dựa trên báo cáo này. Như vậy, nếu tiến hành giám sát lại giai đoạn này không hợp lý.
Vậy nếu tiến hành giám sát trong giai đoạn hiện nay thì sao?
Đại biểu Mai cho biết, Quốc hội vừa thông qua kỳ họp trước đây kế hoạch đầu tư công trung hạn sử dụng 2 triệu tỷ vốn ngân sách, bao gồm trái phiếu chính phủ và vốn ODA để đầu tư xây dựng. Đến nay, việc phân bổ nguồn vốn này vẫn chưa được hoàn tất.
“Mãi tới gần đây, Thủ tướng mới ký phân bổ giai đoạn 1, các bộ ngành địa phương mới hoàn tất thủ tục ban đầu theo đúng pháp luật để phân bổ giai đoạn tiếp theo. Nếu việc phân bổ nguồn vốn còn chưa thực hiện xong mà đã giám sát, thì chúng ta giám sát như thế nào?”, đại biểu Mai đặt câu hỏi.
Vì vậy, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề này, trong giai đoạn hiện nay khi chưa phân bổ xong nguồn vốn là không khả thi.
Kết luận, đại biểu Mai nhận định nên chăng, Quốc hội nên lựa chọn chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật sắp xếp cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước. Đây là chuyên đề bức xúc, nổi lên tầm vĩ mô, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, đồng thời không trùng với chuyên đề giám sát nào đã được Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất.
4 nội dung chuyên đề được Quốc hội đề xuất giám sát trong năm 2018, 2 trong số 4 chuyên đề này sẽ được thông qua:
(1)-Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (dự kiến giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung).
(2)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội (dự kiến giao Uỷ ban Tài chính, Ngân sách giúp chủ trì về nội dung).
(3)- Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (dự kiến giao Uỷ ban Quốc phòng và An ninh giúp chủ trì về nội dung).
(4)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc giúp chủ trì giúp về nội dung).