Đại biểu Quốc hội so sánh: Các nước phát triển 1 đại học, 4 cao đẳng, 15 công nhân, còn Việt Nam 1 đại học, 1 cao đẳng, 1 công nhân là rất mất cân đối!

30/05/2019 15:29 PM | Xã hội

Cử nhân giấu bằng đi làm công nhân, vì đâu nên nỗi?

Tại buổi thảo luận kinh tế xã hội sáng nay trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XIV), ĐBQH Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đã bày tỏ mối lo ngại về vấn đề mất cân đối trong cơ cấu trình độ lao động.

Mở đầu bài phát biểu, bà Thanh nói: "So với nhiều nước trong khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Một số lĩnh vực đào tạo chưa gắn kết nhu cầu thị trường, chưa theo kịp sự chuyển dịch của mô hình và cơ cấu kinh tế.

Cơ cấu trình độ lao động trong các ngành của nền kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay là 1 đại học - 1 cao đẳng - 1 công nhân kỹ thuật. Cơ cấu này đang mất cân đối. Các nước châu Âu hiện nay có cơ cấu cứ 1 lao động có trình độ đại học thì có 3 người có trình độ cao đẳng và có 10 công nhân  kỹ thuật. Ở các nước phát triển, cơ cấu trình độ lao động là 1 lao động đại học thì có đến 4, đến 6 trình độ cao đẳng và khoảng 15-17 công nhân kỹ thuật".

Đại biểu Quốc hội so sánh: Các nước phát triển 1 đại học, 4 cao đẳng, 15 công nhân, còn Việt Nam 1 đại học, 1 cao đẳng, 1 công nhân là rất mất cân đối! - Ảnh 1.

Theo báo cáo về thị trường lao động quý II/2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lao động có trình độ đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp 9,58%, khoảng trên 120 nghìn người. Bất cập trên làm nảy sinh thực tế trong thời gian qua là một bộ phận cử nhân vì không tìm được việc làm phù hợp sau tốt nghiệp nên đã giấu bằng cấp, xin đi làm công nhân. Một bộ phận khác quay trở lại học nghề để tìm việc làm. Sinh viên có bằng đại học, trên đại học lại đi học văn bằng hai hệ trung cấp cao đẳng nghề.

Kết quả phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông của cả nước hiện nay không mấy khả quan và còn xa so với mục tiêu quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025.

Do đó, bà Thanh đề nghị chính phủ quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng kế hoạch tổng thể, gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo lao động và việc làm nhằm phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện Việt Nam với cơ cấu, trình độ hợp lý phù hợp với bối cảnh hội nhập để giải quyết hiệu quả hơn nữa nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt là đầu vào. Kiến thức giáo dục đại học trang bị cho sinh viên phải gắn với khả năng vận dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống xã hội. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Thu hút và gửi sinh viên giỏi đưa đi đào tạo ở các trường đại học, dạy nghề có đẳng cấp quốc tế trong khu vực và trên thế giới.

Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của thị trường lao động trong cả nước, từng vùng và từng địa phương, xây dựng cơ chế chính sách, thực hiện tốt công tác phân luồng, gắn với đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Chú trọng các chính sách hỗ trợ các trường nghề, nhận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và mức lương khởi điểm cho các em học viên tốt nghiệp để thực hiện phân luồng hiệu quả bên cạnh cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM