Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ ai bảo kê Đường “Nhuệ”?

16/04/2020 08:25 AM | Xã hội

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ khuất tất trong những vụ đấu giá đất, cùng những hoạt động phạm pháp khác mà báo chí và dư luận phản ánh; cần làm rõ, xem có hay không chuyện bảo kê, chống lưng cho vợ chồng đại gia này?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Phòng chống tội phạm của Chính phủ đã yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án Đường “Nhuệ” về hành vi “cố ý gây thương tích”.  Phó Thủ tướng cũng yêu cầu mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất “xã hội đen” của nhóm đối tượng này, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Đồng tình với sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng, cùng sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công an cũng như Công an tỉnh Thái Bình, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, người dân rất đồng tình trước lệnh bắt tạm giam hai vợ chồng “đại gia” Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương.

Ngoài hành vi “cố ý gây thương tích”, đại biểu đồng tình với việc mở rộng điều tra, làm rõ những khuất tất của doanh nghiệp do vợ chồng Đường, Dương làm chủ. Đặc biệt là những lùm xùm trong việc đấu giá đất cũng như việc chỉ định nơi hỏa táng để thu tiền, theo phản ánh của báo chí và đề nghị cần làm rõ xem có việc bảo kê cho vợ chồng Đường, Dương hay không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cũng cho rằng, tình trạng “bảo kê”, “sân sau” trong các hoạt động làm ăn, kinh doanh xưa nay không hiếm. Đại gia càng được dịp ngông nghênh, tác quái khi có sự chống lưng của quan chức.

Điển hình có thể thấy một vài vụ nổi cộm trong thời gian qua, như đường dây đánh bạc nghìn tỷ có sự "chống lưng" từ ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Liên quan đến vụ Đường “Nhuệ”, câu hỏi lớn được đặt ra là những hoạt động như cho vay nặng lãi, mua bán bất động sản không minh bạch diễn ra trong thời gian dài như vậy, vì sao lại không bị xử lý sớm? Tướng Cương cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vụ việc này.

Chiều 15/4, trả lời phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh Thái Bình là tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ dư luận về những hành vi vi phạm ở tất cả các lĩnh vực của vợ chồng này và đồng bọn.

“Khi có dư luận về việc vợ chồng Đường, Dương có nhiều hành vi vi phạm liên quan đến nhiều mảng xã hội, lãnh đạo tỉnh đã họp, thống nhất quan điểm từ Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đến thường trực UBND tỉnh là “phải tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh, tuyệt đối không có vùng cấm trong vụ việc này để ổn định dư luận, đảm bảo an toàn, trật tự xã hội”, vị này nói.


Theo THÀNH NAM- HOÀNG LONG

Cùng chuyên mục
XEM