Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng: "Bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh nhưng cử tri lại bảo nhà quản lý phải thông minh"

13/06/2017 15:46 PM | Kinh tế vĩ mô

Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường trong sáng nay về quy hoạch đàn lợn, đại biểu Trần Dương Tuấn đặt vấn đề "có thêm mặt hàng nào cần kêu gọi giải cứu trong năm 2018 nữa không?". Trong khi đó, một đại biểu khác nhận xét: "Nhà nước phải có vai trò dự báo, điều chỉnh hướng", trong khi ở quy hoạch lớn thì "vai trò quản lý Nhà nước chưa thấy rõ".

Chuyện con lợn làm nóng nghị trường

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường là người đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề bức xúc của ngành đã được các đại biểu tập trung hỏi, trong đó, nổi cộm lên là câu chuyện dư thừa thịt lợn đạt mức đỉnh điểm vào tháng 4 vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đoàn Hà Tĩnh chất vất Bộ trưởng Cường, căn cứ vào đâu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch ngành chăn nuôi với tổng đàn lợn năm 2015 là 32 triệu con. Nhưng năm 2015 mới đạt được 27 triệu con, năm 2016 mới đạt 29 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch mà đã dư thừa, giá cả xuống, thua lỗ nặng.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm”, đại biểu Sơn nói.

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Sơn về việc quy hoạch đàn lợn dẫn đến dư thừa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do tăng trưởng quá nhanh, riêng sản lượng thịt lợn tăng gấp 3,6 lần so với cách đây 10 năm.

“10 năm trước Việt Nam có sản lượng thấp nhất Asean thì hiện nay vươn tới mức 23 triệu tấn, số lợn nái là 2 triệu con. Số lượng hộ chăn nuôi từ 7 triệu hộ đã có gọn xuống còn 3 triệu hộ nhưng nhờ khoa học công nghệ, sản lượng vẫn tăng trưởng nhanh và vượt quá nhu cầu tại 1 thời điểm”, Bộ trưởng nói.

Ngoài việc tăng đột biến, theo Bộ trưởng, mâm cơm người Việt đã có sự thay đổi. Trước đây thịt lợn là thực phẩm chủ yếu nhưng nay có nhiều thứ khác, dẫn tới cung lớn hơn cầu.

Nguyên nhân thứ 2 là do là tổ chức ngành hàng chưa tốt, có tới 3 triệu hộ chăn nuôi, vẫn phải duy trì vì nông dân không chăn nuôi thì không biết làm gì. Bộ trưởng cho biết cần phải co lại để tổ chức tốt hơn.

Bên cạnh đó, khâu liên kết còn rất yếu đạt 20%, các doanh nghiệp chế biến sâu rất ít, 90% là tiêu thụ theo kiểu truyền thống.

Hiện Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được qua 3 nước, sản lượng lợn sữa mỗi năm được 20.000 tấn, còn lợn thịt chủ yếu xuất qua thị trường Trung Quốc. Bộ trưởng thừa nhận ở 3 khâu: sản xuất – chế biến – thị trường thì mới làm được khâu đầu tiên, 2 khâu sau rất yếu, từ đó dẫn tới việc thịt lợn dồn ứ như thời gian vừa qua.

Nông sản nào tiếp tục được giải cứu để người dân biết mà tránh?

"Xin bộ trưởng cho biết từ nay đến năm 2018 thì trong lĩnh vực bộ trưởng quản lý thì có thêm mặt hàng nào phải kêu gọi tổ chức, người dân giải cứu như hành tím, dưa hấu, thịt heo? Đề nghị bộ trưởng cho biết mặt hàng nào sẽ xảy ra tình trạng như vậy để người dân còn biết mà tránh?", đại biểu Trần Dương Tuấn đoàn Bến Tre đặt câu hỏi.

Với câu hỏi này, nghị trường đã rộ lên một vài tiếng cười.

Bên cạnh đó, không đồng tình với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương đã giơ biển tranh luận.

Đại biểu Hồng nói Bộ trưởng trả lời về căn cứ lập quy hoạch đàn lợn chưa thuyết phục, vắng bóng vai trò của quản lý nhà nước.

“Chúng ta cho rằng sản xuất là tự phát, tôi nghĩ là hoàn toàn chưa thấy được vai trò của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Quy hoạch lập vào thời điểm đó phù hợp nhưng thị trường có thể thay đổi, nhà nước có vai trò dự báo điều chỉnh hướng”, đại biểu nói.

“Lâu nay chúng ta có khẩu hiệu người tiêu dùng phải thông minh, Bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh nhưng người dân lại nói nhà quản lý phải thông minh. Ở đây, cử tri không hoàn toàn đồng ý với cách xử lý này”, đại biểu nói thêm.

Đại biểu cũng đưa ra dự báo sắp tới cao su cũng cần giải cứu. Không chỉ cao su và còn cây ăn trái như cam, quýt, bưởi vì người dân tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường.

“Nơi tôi ứng cử người dân đầu tư vào cây này, họ đang phá cao su, trồng cam, bưởi”, đại biểu Hồng cho biết.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM