Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Quy hoạch đàn lợn hiện nay chưa tính đến hội nhập và thực phẩm thay thế thịt lợn

13/06/2017 10:38 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là người đầu tiên đăng đàn. Một trong những câu hỏi được đưa ra với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là quy hoạch đàn lợn không sát với nhu cầu thực tế.

Theo giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sức sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện tăng trưởng quá nhanh. Ông lấy dẫn chứng về sản lượng thịt lợn tăng gấp 3,6 lần so với cách đây 10 năm, sản lượng cá tăng từ 1,8 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn, sản lượng trứng lên tới hàng chục tỷ quả. Về ngành hàng lợn, cách đây 10 năm Việt Nam có sản lượng thấp nhất Asean thì hiện nay vươn tới mức 23 triệu tấn, số lợn nái là 2 triệu con. Số lượng hộ chăn nuôi từ 7 triệu hộ đã có gọn xuống còn 3 triệu hộ nhưng nhờ khoa học công nghệ, sản lượng vẫn tăng trưởng nhanh và vượt quá nhu cầu tại 1 thời điểm.

Một nguyên nhân khác được bộ trưởng Cường chỉ ra là cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam đã thay đổi. Theo đó trước đây trong bữa cỗ của người Việt 70-75% là thịt lợn nhưng hiện nay đã có nhiều lựa chọn hơn như sữa, trứng, thịt bò. Sức cung lớn hơn sức cầu rất nhiều.

Nguyên nhân thứ 3 được người đứng đầu Bộ Nông nghiệp phát triển nông thông chỉ ra là tổ chức ngành hàng chưa tốt. Với số lượng 3 triệu hộ cá thể bên cạnh một lượng lớn trang trại, trước mắt cần tiếp tục co hẹp số lượng hộ cá thể bởi cung cách sản xuất này đẩy giá thành tăng cao, khó liên kết. Hiện nay một điểm yếu nữa được bộ trưởng Cường chỉ ra là chế biến tách lìa với sản xuất.

Hiện khâu liên kết chỉ đạt được 20%, ngành hàng lợn là kém nhất trong các ngành hàng. Hiện những doanh nghiệp chế biến sâu từ giống, chăn nuôi, giết mổ, phân phối chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Điều này khiến khâu tiêu thụ thịt lợn vẫn 90% là truyền thống. Thịt lợn tươi, bán trên phản thịt, không phù hợp với chuyển đổi cơ cấu nhu cầu, chuyển đổi cơ cấu thị trường", Bộ trưởng Cường cho biết.

Khâu thứ 3 là tổ chức thị trường. Ngành hàng thịt lợn cũng yếu nhất trong tất cả các ngành. Hiện nay Việt Nam chỉ xuất khẩu thịt lợn ra 3 nước. Sản lượng xuất khẩu lợn sữa 1 năm là 20.000 tấn, còn lại tất cả giao dịch ngoại thương chủ yếu là thị trường Trung Quốc. "Còn các thị trường khác chúng ta chưa khai thác được", ông Cường giải thích.

"Như vậy tóm lại 3 khâu: Sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường thì chúng ta mới làm tốt khâu đầu. Còn 2 khâu sau chúng ta rất yếu. Vì vậy tháng 4 vừa qua là thời hạn cuối cùng của khủng hoảng thừa khi mà chúng ta không bán được hàng ra thế giới, quay lại thị trường trong nước vào mùa nắng nóng cũng không tiêu thụ được nhiều", Bộ trưởng kết luận.

Về quy hoạch mục tiêu đàn lợn cung vượt cầu, bộ trưởng Cường thừa nhận việc tính toán tốc độ tiêu thụ, tăng trưởng trước đây chưa tính đến cơ cấu các loại thực phẩm thay thế khác thịt lợn. Yếu tố thứ 2 được ông chỉ ra là hội nhập khiến các dòng thực phẩm ngoại xâm nhập thị trường. "Chúng ta cũng không tính kỹ ở chỗ này", ông Cường trả lời.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM