Đại án DongABank: Ông Trần Phương Bình sai phạm gì trong kinh doanh ngoại hối khiến ngân hàng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng?

24/06/2018 13:13 PM | Kinh doanh

Ông Trần Phương Bình bị cho rằng đã nhiều lần chỉ đạo các hoạt động kinh doanh ngoại hối vi phạm pháp luật, gây thiệt hại hơn 24 triệu USD (384 tỷ đồng) cho DongABank.

Ngày 17/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) cùng 23 đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại DongABank gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 3.608 tỉ đồng.

Bên cạnh việc "bắt tay" với Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) dẫn tới thiệt hại hơn 200 tỷ đồng và 13,4 triệu USD cho DongABank, ông Trần Phương Bình còn bị cáo buộc đã có nhiều lần chỉ đạo các hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật, trong đó có việc kinh doanh ngoại hối với Ngân hàng UOB và Ngân hàng Banca Adamas gây thiệt hại hơn 24 triệu USD (hơn 384 tỷ đồng).

Cơ quan điều tra kết luận, với vai trò TGĐ DAB, ông Trần Phương Bình biết rõ DAB không có giấy phép kinh doanh ngoại tệ tại thị trường quốc tế giai đoạn DAB tổ chức kinh doanh ngoại hối với Ngân hàng UOB và Ngân hàng Banca Adamas, nhưng ông Bình vẫn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới tổ chức thực hiện kinh doanh ngoại hối với 2 ngân hàng này. Việc DAB kinh doanh ngoại hối trái phép đã bị thua lỗ lớn, gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền 24.074.610 USD.

Ông Bình khai tại cơ quan điều tra, từ năm 1999-2007 đã ra chủ trương, trực tiếp chỉ đạo Phòng kinh doanh DAB thực hiện việc kinh doanh ngoại hối với UOB và Banca Adamas. Ban đầu, ngân hàng làm thủ tục hạch toán lãi, lỗ vào các tài khoản đã mở tại UOB và Banca Adamas để theo dõi. Tuy nhiên, sau khi thị trường ngoại tệ biến động mạnh, việc kinh doanh ngoại hối với 2 đối tác này thường xuyên bị thua lỗ lớn (khoảng 24 triệu USD), vì không muốn làm mất uy tín của DAB, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới không đóng, tất toán các giao dịch mua bán ngoại tệ với đối tác đã đến hạn, thay vào đó làm giao dịch thỏa thuận cho kéo dài thời hạn để tất toán, được đối tác đồng ý vì DAB khi đó đang có tiền gửi tại các tổ chức này, số tiền gửi luôn lớn hơn số lỗ.

Đến tháng 3/2006, theo chỉ đạo của ông Bình, cấp dưới thực hiện giao dịch với đối tác để đóng, tất toán dần các giao dịch mua bán ngoại hối đang bị lỗ. Cách tất toán là sử dụng tiền gửi của DAB đang có tại 2 ngân hàng này để cấn trừ phần lỗ. Tuy nhiên, ông Bình chỉ đạo không hạch toán lỗ vào hệ thống, thay vào đó cứ mỗi lần lỗ, trả nợ, phòng kinh doanh lại lập khống 1 phiếu nhập ngoại tệ tiền mặt để che giấu việc giảm tiền gửi của DongAbank tại các ngân hàng quốc tế này.

Ông Bình thừa nhận đã lập 16 chứng từ nhập ngoại tệ khống từ UOB và Banca Adamas với tổng số tiền là 23,9 triệu USD trong thời gian từ 3/2006 đến 1/2007. Sau khi DAB lập 16 chứng từ nhập khống số lượng 23,9 triệu USD trên, ông Bình đã chỉ đạo nhân viên cho xuất bán 24.993 lượng vàng tại Kho quỹ Hội sở không chứng từ và hơn 70 tỷ đồng tiền tại Kho quỹ không chứng từ và tiền cá nhân của Trần Phương Bình để mua đủ số lượng USD tương đương các phiếu nhập ngoại tệ khống đã lập.

Để có số vàng trên, ông Bình chỉ đạo các nhân viên DongABank đi mua gom từ hàng chục hiệu vàng tại TP.HCM. Cơ quan điều tra đã tổ chức xác minh các hiệu vàng để làm rõ việc mua bán cụ thể như thế nào, tuy nhiên hiện các Hiệu vàng này đã giải thể, chủ doanh nghiệp kinh doanh không còn ở nơi cư trú.

Cơ quan CSĐT cho biết cũng đã có yêu cầu tương trợ tư pháp, thông qua Viện KSND tối cao gửi các nước Singapore, Thụy Sĩ đề nghị phối hợp điều tra xác minh. Việc kinh doanh ngoại hối tại thị trường quốc tế với các đối tác này, ông Bình thừa nhận rằng DAB không được NHNN cấp phép.

Kết luận điều tra cho biết, hành vi vi phạm trong kinh doanh ngoại hối của ông Trần Phương Bình phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999.

Theo Hải Vân

Cùng chuyên mục
XEM