Việt Nam sẽ thoát 'lời nguyền' chu kỳ khủng hoảng 10 năm nhờ hai nhân tố này?
“Kỳ vọng hay lạc quan quá mức” là cụm từ được TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright lặp lại nhiều lần khi trao đổi với Trí Thức Trẻ về nguy cơ khủng hoảng chu kỳ 10 năm với điểm rơi là năm 2018.
Theo TS. Huỳnh Thế Du, tính chu kỳ 10 năm của khủng hoảng tại Việt Nam đã được chứng minh qua 4 lần bất ổn kinh tế trong 40 năm trở lại đây với điểm rơi vào các năm 1979 – 1989 – 1999 và 2009.
Lần khủng hoảng thứ nhất vào năm 1979 xảy ra do những hồ hởi và lạc quan sau chiến tranh khiến mục tiêu tiến nhanh được đặt ra trong khi mô hình phát triển không phù hợp. Do vậy, sản xuất đình đốn và khó khăn tích dồn đến mức không chịu nổi vào thời điểm này.
Tại Hội nghị Trung ương 6, Khoá IV năm này, thay vì bàn về đề án phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương như ý định ban đầu, Hội nghị phải chuyển sang tháo gỡ khó khăn cho sản xuất bằng những cơ chế và nguyên tắc thị trường hay thực tế của cuộc sống.
Dù hoạt động "xé rào" đã xảy ra phổ biến nhưng tình hình cũng chỉ giảm nhẹ chứ không cải thiện. Cùng với khó khăn bên ngoài cũng như sự thất bại của cải cách giá tiền lương năm 1985, Việt Nam buộc phải Đổi mới vào năm 1986.
Mười năm sau đó, năm 1989, Việt Nam chứng kiến lần khủng hoảng thứ hai với sự sụp đổ của các hợp tác xã tín dụng và khủng hoảng tài chính. Sự vấp váp, thiếu kinh nghiệm đã tạo hiện tượng huy động vốn ở gần như hầu hết người dân mà không có bất kỳ ràng buộc nào về đảm bảo an toàn khi sử dụng vốn, tạo ra mô hình tháp Ponzi mà ở đó lãi suất cao được trả từ tiền huy động của người sau đó. Khi tiền không còn đủ nữa, hệ thống sụp đổ khiến hậu quả để lại rất lớn.
Về sau, nhiều chính sách mới phù hợp được triển khai, khắc phục dần hậu quả, nhất là trong cải cách nông nghiệp, ngoại thương và thu hút vốn FDI tạo xung lực cho tăng trưởng. Nhờ đó, năm 1995 được xem là đỉnh điểm thời hoàng kim của giai đoạn này. Bên cạnh đó, Việt Nam tái gia nhập ASEAN và bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Tăng trưởng kinh tế lên đến 9,5%. Nhưng nhiều bất ổn vẫn tiềm tàng, là khởi nguồn cho một chu kỳ trục trặc mới.
Năm 1998 – 1999 được xem là lần khủng hoảng thứ ba của Việt Nam với sự sụp đổ của ngân hàng. Thời kỳ này, chính sách cởi mở về đất đai đã khiến cho thị trường BĐS sôi động, tạo những con sốt. Nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào BĐS, đặc biệt là những doanh nghiệp có thể tạo tín dụng hoặc sở hữu ngân hàng.
Nhưng thị trường ngay sau đó gần như bị đóng băng do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 – 1998. Nhiều ngân hàng TMCP có liên quan đến doanh nghiệp đã bị vỡ nợ. Vấn đề phát sinh từ những đổ vỡ này kéo dài trong vài năm khiến cho đà tăng trưởng của giai đoạn trước bị chặn lại.
Tuy nhiên, những chính sách hợp lý sau đó được đưa ra như Luật Doanh nghiệp năm 1999, Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ,... hay môi trường kinh doanh được cải thiện đã tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới. Đỉnh điểm của chu kỳ này là năm 2007. GDP Việt Nam đã tăng 8,5%, Việt Nam cũng trở thành thành viên 150 của WTO.
Sự lạc quan trở lại và tăng cao độ, theo đó, chỉ số chứng khoán cũng đã đạt đỉnh vào tháng 3/2007 và thị trường BĐS cũng nóng trở lại. Một lần nữa, điều này là khởi đầu cho chu kỳ khủng hoảng mới, giai đoạn 2009 – 2011 khi ngân hàng vỡ nợ, tập đoàn kinh tế nhà nước điêu đứng.
Dòng vốn khổng lồ đã ồ ạt chảy vào trong nước sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Thông qua đó, thị trường tài sản (cổ phiếu, BĐS) được kích hoạt. Tiền được kiếm dễ dàng hơn đã khiến kỳ vọng và phương thức sản xuất kinh doanh của không ít người thay đổi. Thay vì đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dòng tiền đã được đổ nhiều hơn vào nhà đất, chứng khoán.
Ngân hàng được mở rộng và sử dụng vốn vô tội vạ dẫn đến thất thoát và nợ xấu. Sau một thời gian ngắn, nhiều ngân hàng mất tính thanh khoản, vỡ nợ và bị mua lại giá 0 đồng.
Bên cạnh đó, các tập đoàn Nhà nước, vốn kỳ vọng là quả đấm thép cho nền kinh tế cũng gặp trục trặc. Có thể kể đến như Vinashin và Vinalines đã sụp đổ hay Tập đoàn dầu khí PVN, Tcty Cao su... gặp khó khăn gây nên những hậu quả nặng nề. Kinh tế vĩ mô trong tình trạng báo động. Bộ Chính trị đầu năm 2011 đã phải ra Nghị quyết tập trung ổn định kinh tế vĩ mô thay vì tăng trưởng cao.
Kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục được nhìn nhận hồi phục, đạt kết quả tốt. Thậm chí, quý I/2018 GDP đạt mức 7,83%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Các tổ chức nước ngoài cũng liên tục đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế lạc quan của Việt Nam. Tuy nhiên, bóng ma "khủng hoảng" đang được e ngại quay trở lại, đặc biệt khi năm 2018 là điểm rơi của chu kỳ 10 năm.
"Chúng tôi đang lo ngại chu kỳ khủng hoảng 10 năm", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ trong một hội thảo với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học. Vì lẽ đó, ông Huệ đưa ra rất nhiều đặt hàng cho các chuyên gia kinh tế cũng như các cơ quan chức năng liên quan.
Những e ngại này, theo TS. Huỳnh Thế Du được hình thành dựa trên tính chất chu kỳ 10 năm, như đã chứng kiến trong suốt 40 năm qua cũng như bối cảnh kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại, là đang rất tốt.
Sự thái quá trong kỳ vọng, lạc quan của người dân, doanh nghiệp là yếu tố xuyên suốt được ông Du chỉ ra trong các giai đoạn trục trặc kinh tế trước đây.
Tâm lý này nảy sinh khi nền kinh tế tăng trưởng tốt khiến thị trường tài sản tự động nóng lên, khi người dân, doanh nghiệp chuyển kỳ vọng sang đầu cơ đất, chứng khoán khiến nhu cầu tín dụng, tiền tệ tăng cao.
Do đó, nếu chính sách điều tiết vĩ mô không khéo léo sẽ khiến vòng xoáy bùng nổ: người đổ xô đi mua – giá tăng cao – giá tăng cao nên người đổ đi mua. Lúc này, chỉ một tác động nhỏ cũng khiến cho bong bóng bị vỡ, và kinh tế lâm vào khủng hoảng, như những gì từng diễn ra.
"Việc cần làm là phải tránh bằng được những kỳ vọng đó", ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh. Ông cho rằng dưới góc độ kinh tế vĩ mô, Nhà nước cần phải chú ý đến việc kiểm soát cung tiền và tín dụng, không để dòng tiền đổ ồ ạt vào BĐS – vốn là hoạt động không tạo ra giá trị cho nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán kể từ đầu năm đến nay có những lúc đã vượt đỉnh 1.000 điểm, nhưng cũng liên tục cho thấy sự bất định khi lao dốc. Thậm chí, trong một phiên điều hành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bình luận thị trường này không ổn định, mật độ tăng giảm "dầy". Điều này khiến không ít nhà đầu tư phải lao đao. Tuy nhiên, ở một góc độ khác về vĩ mô, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng đó lại là tín hiệu tích cực, giúp điều chỉnh tâm lý nhà đầu tư.
Bởi vì nếu thị trường liên tục tăng nóng sẽ khiến kỳ vọng của nhà đầu tư theo đó cũng tăng theo. Vòng xoáy này có thể khiến bong bóng chứng khoán nở căng ra và có thể bị nổ, gây trục trặc cho nền kinh tế. Do đó, những bất định khi diễn ra, có thể khiến nhà đầu tư cẩn trọng hơn trong các quyết định của mình, giảm đi nhưng kỳ vọng không hợp lý của một số người, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư Việt tính chuyên nghiệp chưa cao, chủ yếu xuống tiền theo tâm lý đám đông.
Bên cạnh đó, việc 3 đặc khu Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua cũng là một tin rất tốt cho thị trường BĐS, giúp giảm hưng phấn của những nhà đầu tư. Bởi lẽ, nếu Luật Đặc khu được tán thành, không chỉ đất tại 3 vùng này nóng lên mà cơn sốt đất cũng sẽ lan toả sang các nơi khác do hiệu ứng dây chuyền.
Như vậy, có vẻ như trục trặc trong việc thông qua luật hay biến động lên xuống lớn của thị trường chứng khoán, phần nào đã như một cây kim châm, giúp hạ nhiệt cho những nhà đầu tư đang quá hồ hởi khi nhìn vào nền kinh tế.