Đặc quyền chọn chỗ ngồi tuỳ nhu cầu mỗi ngày của nhân sự tại một công ty mà mọi dân văn phòng đều ao ước
Trong khi giới công sở khác đang loay hoay tìm cách giải toả cái ngột ngạt nơi văn phòng, thì có một công ty bố trí đủ loại hình chỗ ngồi hợp tâm trạng nhân viên, tổ chức chương trình “gặp gỡ người lạ
Mỗi ngày đều 8 tiếng đồng hồ mài trên ghế để làm việc thì đúng là bí bách thật. Thảo nào dân văn phòng ngày nay nghĩ ra muôn vàn cách để giải khuây giờ nghỉ trưa. Và ai cũng có nhu cầu phải đứng dậy đi ra ngoài “đổi gió”, mà có nhân sự thi thoảng còn “ngẫu hứng” xin nghỉ chỉ để đến quán cà phê nạp “mood” mới hoàn thành nốt công việc.
Thế nhưng chị Anh Thư, cũng là một nhân viên văn phòng, lại chia sẻ ý kiến trái ngược hoàn toàn, khiến không ít người bất ngờ: “Mình đến công ty chẳng bao giờ thấy tù túng, vì văn phòng có những khu vực làm việc mang đặc điểm riêng phù hợp theo nhu cầu và mong muốn của nhân viên, và muốn thì quét mã đặt bàn để ngồi”.
Quang cảnh nơi ngồi làm việc của một công ty ở TP.HCM
Mỗi ngày đi làm là một chỗ ngồi mới
Công ty này cho nhân sự của mình một đặc quyền - được tự do lựa chọn và luân phiên đổi chỗ ngồi làm việc, tuỳ theo nhu cầu công việc và mong muốn mỗi ngày.
Chị Anh Thư hào hứng cho biết: “Chúng mình gọi những chỗ ngồi tại công ty là “bàn làm việc linh hoạt”. Trước khi đến văn phòng, mình sẽ kiểm tra xem chỗ mà ngày hôm đó mình muốn ngồi làm việc đã được ai đặt trước hay chưa. Khi đến văn phòng, cứ quét mã QR ngay tại vị trí bàn làm việc mà mình đã đặt để xác nhận việc “check-in” rồi sử dụng thôi.
Ngoại trừ một số vị trí có tính chất công việc đặc thù như cần không gian để lưu trữ tài liệu như kế toán, tài chính, nhân sự, lễ tân... phải ngồi cố định, thì hầu hết nhân viên khi đến văn phòng đều được tự do chọn bàn linh hoạt ngày hôm đó để mở laptop ra làm”.
Trong phạm vi hai tầng lầu, có đến hơn chục khu vực làm việc linh hoạt mang đặc điểm khác nhau. Khu vực cần “chill” sẽ là hàng ghế cao như đang ngồi ở quầy bar. Bạn phóng tầm mắt xuống sẽ thấy lòng đường rộng, xe cộ tới lui giữa hai hàng cây xanh bên lề. Khu vực “rôm rả” sẽ là một chiếc bàn gỗ lớn có diện tích cho hơn mười nhân sự, sau lưng là tủ bánh kẹo sẵn sàng cứu đói. Nếu cần riêng tư, rẽ vào các góc là một không gian biệt lập, im phăng phắc như tờ. Khu vực này chia bởi nhiều vách ngăn, mỗi người một buồng, cách âm, có sẵn ổ cắm và các cổng kết nối cần thiết…
Bàn làm việc chuyên "tìm cảm hứng"
Chỗ ngồi vừa làm vừa "chill"
Chỗ ngồi dành cho "hội bạn thân"
Bàn làm việc cho những ngày nhân sự thích riêng tư, yên tĩnh để tập trung
Chị Phương Uyên, bộ phận nhân sự hào hứng chia sẻ về cách bố trí chỗ làm việc: “Thay vì cứ ngồi một chỗ cố định ngày qua ngày thì mình thích trải nghiệm làm việc với nhiều loại bàn khác nhau hơn. Vì đôi lúc mình cần khoảng không gian riêng tư và muốn tập trung cao độ, đôi lúc mình lại cần một không gian mở mang nhiều cảm hứng, hoặc có khi mình sẽ muốn ngồi ghế lười để vừa làm vừa thư giãn. Tuỳ vào nhu cầu công việc ở mỗi thời điểm."
"Phải nói đây là một đặc quyền mà mình rất thích ở công ty mình, một nơi làm việc có đa dạng không gian, ứng biến theo từng nhu cầu của công việc, từ sáng tạo, tập trung, teamwork… Huống hồ còn được trang bị quầy thức ăn, nước uống các loại kèm máy pha cà phê. Điều này khiến cho mỗi ngày thức dậy của mình không phải là “ngày hôm nay phải đi làm”, mà là vừa làm vừa chill, cực vui” , Chị Phương Uyên nói thêm.
Anh Lê Quách Anh Khoa - nhân sự ở bộ phận gắn kết đối tác tài xế của công ty cũng chia sẻ: “Trước đây mình từng làm ở tập toàn lớn, phân cho mỗi nhân sự một chỗ ngồi cố định. Điều này vô tình khiến mình có hướng làm việc cũ kĩ, vì hôm nay đến công ty không có gì khác biệt so với hôm qua, nên cách thức thực hiện công việc cũng như vậy. Còn làm việc tại đây, nhiều khi mình khá tò mò, nếu ngồi đây mình sẽ có tâm trạng như thế nào và làm được gì, tự dưng khiến mình liên tục làm mới bản thân trong công việc. Vì vậy “bàn làm việc linh hoạt” mang lại hiệu quả công việc rất lớn, đầu óc mình thăng hoa và trở nên gắn kết với nơi làm việc hơn nhiều.”
Anh Khoa ở bộ phận gắn kết tài xế
Song, dù hỗ trợ tối ưu cho tâm trạng và hiệu suất làm việc của nhân sự, liệu "bàn làm việc linh hoạt" có mang lại tác dụng ngược khi tách lẻ các nhân sự chung bộ phận với nhau. Việc mọi người tuỳ ý lựa chọn chỗ ngồi thì làm việc nhóm có còn hiệu quả?
Chị Duyên - Bộ phận phát triển kinh doanh bày tỏ: “Dẫu là làm việc cùng bộ phận nhưng ai cũng cần có sự riêng tư và nhiệm vụ riêng nên không bắt buộc cứ phải ngồi cạnh nhau mỗi ngày. Nếu những ngày có nhu cầu thảo luận, chúng mình sẽ hẹn nhau đặt bàn hoặc đặt phòng họp và ngồi chung một khu vực thôi.”
Đồng tình với quan điểm trên, chị Phương Uyên khẳng định chắc nịch: “Dù mỗi người ngồi một nơi nhưng chưa bao giờ mình gặp khó khăn khi teamwork cả vì chúng mình thường rủ nhau ngồi theo phòng ban, hoặc vẫn biết bộ phận mình và bộ phận khác đang ngồi ở đâu. Có khi như vậy còn tiện hơn vì cảm thấy được cân bằng giữa không gian chung và không gian riêng ngay tại nơi làm việc.”
Chị Phương Uyên - bộ phận nhân sự
Kết bạn bốn phương bằng con đường ẩm thực
Vì là công ty về ứng dụng giao thức ăn, hoạt động gắn kết nội bộ tất nhiên cũng phải chọn con đường “đi qua dạ dày”. “Bữa trưa Town hall” được tổ chức định kỳ hàng tháng để tạo cơ hội cho nhân viên đến từ các phòng ban khác gặp gỡ giao lưu, với một hình thức cực kỳ đặc biệt.
Chị Anh Thư: “Bữa trưa Town hall được tổ chức sau các buổi cập nhật tình hình hoạt động hàng tháng (Town hall) tại tất cả các địa điểm văn phòng trên khắp cả nước. Sau khi được nghe thông tin và gắn kết với Ban lãnh đạo, mọi người sẽ được quây quần cùng nhau, chia sẻ những câu chuyện nổi bật trong tháng vừa qua và thưởng thức những món ăn thật ngon, dù cho có ở bất kỳ văn phòng nào.”
Các hoạt động tập thể tại công ty
Quang cảnh “Bữa trưa Town hall” gắn kết mọi người
Chất lượng và các trình bày các món ăn không thua gì các nhà hàng
Anh Lê Minh - nhân sự phòng Marketing: “Những ngày bình thường, hầu hết các bạn cùng team sẽ đi ăn với nhau nên chưa làm quen hay hiểu hết về các đồng nghiệp trong công ty, thì bữa trưa này như một “cái cớ” – là dịp thích hợp để mọi người cùng ngồi lại ăn uống, trò chuyện, hiểu thêm về các phòng ban hơn. Mỗi tháng nhân viên sẽ được phục vụ những dạng thức ăn khác nhau, từ pizza tới các món cơm văn phòng truyền thống. Những dịp đặc biệt như sinh nhật còn được ăn buffet rất ngon nữa".
Anh Lê Minh - bộ phận Marketing
“Mình luôn cảm thấy phấn khởi mỗi lần Bữa trưa Town hall được tổ chức. Vì hôm đó mình được gặp và trò chuyện cùng các bạn đến từ các phòng ban khác. Nhờ bữa ăn này mà hiểu rõ hơn về phòng ban của nhau, mình có đang hỗ trợ tốt cho họ hay không, liệu họ có phối hợp được với phòng ban của mình… Ví như bữa ăn hôm trước mình được ngồi cùng các bạn làm cho bộ phận nhà hàng, mình lại làm cho bộ phận tài xế, chúng mình dù xa lạ nhưng có một cuộc nói chuyện rất bùng nổ, kể về những khó khăn liên đới, cũng như nhờ buổi này mà biết xử lý các tình huống của khách hàng sao cho phù hợp”, anh Lê Minh hào hứng chia sẻ thêm.
Nghe đến đồ ăn, đi họp bớt áp lực hẳn
Một phát hiện cực hay ho là tất cả các phòng họp của công ty đều được đặt tên theo món ăn, chẳng hạn như phòng Kimbap, Sundae, Phở Bò, Dalgona, Bánh Xèo, Bánh mì, Bún đậu…
Nói về điều này, chị Duyên tiết lộ: “Khi trước công ty có hỏi chúng mình thích ăn món gì nhất, mình cứ tưởng khảo sát cho cho tiệc công ty, bẵng đi một thời gian mình thấy các phòng họp được đặt tên theo món ăn, khá là hay. Mọi người sẽ cảm thấy thân quen và thích thú hơn đi họp. Nhất là các bạn nhân sự mới, họ muốn thử hết tất cả các phòng họp vì nó mang tên đồ ăn nên sẽ cảm giác mỗi nơi sẽ khác nhau. Cuộc họp căng thẳng cũng trở nên được “chào đón” hơn nhiều”.
Phòng họp được đặt tên là "Bánh xèo"
Hay món cà phê quen thuộc
Và cả các món ăn nổi tiếng của nước ngoài, giúp mỗi buổi họp đỡ căng thẳng hơn nhiều
Đúng là chuyện gì dính đến đồ ăn cũng “dễ thở" hơn hẳn. Khi tính chất một buổi làm việc căng thẳng được gán với cái tên hấp dẫn như trên, sẽ phần nào giúp nhân sự đối mặt với vấn đề trong công việc bằng trạng thái tích cực.
Nếu những buổi đi làm hành chính 8 tiếng một ngày được biến hoá như công ty này, ắt hẳn nhân viên văn phòng không còn bị đóng khung trong cụm từ “nhàm chán”, “căng thẳng” nữa.