Đã từng tạo sóng, giá tăng đột biến, BĐS khu vực này hiện giờ ra sao?
Có một giai đoạn, bất động sản Quảng Nam rơi vào sốt giá và mặt bằng giá đang được địa phương cũng như thị trường điều chỉnh.
Theo các chuyên gia, các khu du lịch biển, đặc biệt là các đô thị biển trong những năm trước đây như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… và những năm gần đây Hội An, Thanh Hóa hay Bình Định cũng đang nổi lên như những địa phương có sức trẻ. Các địa phương các sự phát triển từ trước đó thì mặt bằng giá cả đã tăng rất mạnh như Đà Nẵng, Nha Trang hay Quảng Ninh đều đã nằm ở những ngưỡng rất cao. Những khu vực gần biển hoặc là những con đường ven biển đều có mặt bằng giá lên đến vài trăm triệu đồng/m2. Tại các dự án, mức giá bình quân khoảng 30-50 triệu đồng/m2.
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, có một giai đoạn, bất động sản Quảng Nam rơi vào sốt giá và mặt bằng giá đang được địa phương cũng như thị trường điều chỉnh. Mặt bằng giá hiện tạ đang ở ngưỡng khá hợp lý, duy trì ở mức 15-20 triệu đồng/m2 bình quân cho cả thị trường Quảng Nam. Mức giá này cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của địa phương, cơ hội mang lại lợi nhuận cao rất lớn.
"Trong phạm vi các dự án tại Hội An, tôi đánh giá mức giá theo từng khu vực dao động trong khoảng 20-30 triệu đồng/m2, hoặc hơn một chút ở những dự án đẹp. Đây vẫn là mức giá hợp lý với thực trạng đầu tư các dự án tại Hội An hiện nay cũng như lợi thế của vùng này. Khả năng tăng giá của bất động sản khu vực này, theo quan điểm của Hội Bất động sản Việt Nam là khá cao", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam chia sẻ tại Talk show.
Trước đó, nhiều bất động sản tại Hội An được rao bán với giá cắt lỗ, mặt bằng giá giảm so với thời điểm nóng sốt (trước khi Covid-19 xuất hiện). Theo Hội môi giới BĐS Việt Nan, hiện nay chính quyền đã theo sát hơn giá bán cũng như kiểm soát dự án đầu tư, nên giá bán hiện tại cũng rất hợp lý. Sau các đợt thanh tra của Chính phủ năm 2019, mặt bằng giá đã được xác lập lại và cuối năm 2019, giá đã giảm 30-40% tùy theo từng khu vực.
Sang năm 2020, một số khu vực cũng có xác lập mặt bằng giá mới, tăng 5-10%. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2021, giá bất động sản không hề giảm mà thậm chí một số khu vực còn tăng nhẹ 5-10%. Nguyên nhân là các nhà đầu tư hiện nay bắt đầu đổ tiền đầu tư vào bất động sản. Thứ hai, nhu cầu về nhà ở vẫn khá cao. Thành ra giá bất động sản không hề giảm.
Một số khu vực cắt lỗ tại Quảng Nam có thể bị khó khăn tài chính, trả lãi ngân hàng… nên một số phải chấp nhận bán ở mức giá thấp hơn giá tham chiếu của thị trường để thanh khoản nhanh sản phẩm bất động sản đấy. Còn trong 9 tháng đầu năm 2021, giá bất động sản ở Quảng Nam vẫn tăng, đặc biệt là khu vực có lợi thế như ven biển hay dọc sông Cổ Cò sau dự án khơi thông dòng sông Cổ Cò…
Trong báo cáo thị trường BĐS miền Trung mới đây, DKRA Vietnam chỉ ra, trong khi Quảng Nam dẫn đầu nguồn cung đất nền, Thừa Thiên Huế dẫn dắt nguồn cung nhà phố/biệt thự ở 3 thị trường, TP.Đà Nẵng ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ căn hộ mới tăng mạnh so với giai đoạn trước năm 2020. Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới trên thị trường tiếp tục khan hiếm.
Cụ thể, phân khúc đất nền trong năm 2021 tại thị trường Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam ghi nhận 17 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 1,670 sản phẩm. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 1,138 sản phẩm, tương đương 68% nguồn cung mới. Nguồn cung tăng so với năm 2020 nhưng còn ở mức khá thấp nếu so với giai đoạn 2018 trở về trước. Các dự án tập trung chủ yếu ở Quảng Nam trong khi TP.Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế khan hiếm nguồn cung mới. Sức hấp thụ chung toàn thị trường ở mức khá thấp. Mặt bằng giá sơ cấp tăng, tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn chỉnh và tiến độ hạ tầng rõ ràng. Thị trường thứ cấp kém sôi động.
Riêng đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung khan hiếm. Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng trong năm 2021 đạt khoảng 177 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 24% (khoảng 42 căn) trên nguồn cung mới.
Theo dự báo từ DKRA Vietnam, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2022 có thể tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam trong khi Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng tiếp tục duy trì sự khan hiếm. Sức cầu có sự hồi phục so với năm 2021. Mặt bằng giá thứ cấp giữ ổn định trong năm 2022.
Những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông hỗ trợ gia tăng thanh khoản, giá bán thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, tuy nhiên vẫn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới có thể tăng so với năm 2021.
Dưới góc nhìn liên kết vùng trong định hướng phát triển tiềm năng kinh tế, các chuyên gia cho biết, bước sang năm 2022, đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai, hoàn thiện sẽ tiếp tục "khép kín" cung đường du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, đồng thời việc dần mở lại các chuyến bay quốc tế sẽ mang đến nhiều triển vọng phục hồi cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương.
Các khu vực này đang bộc lộ sự thay đổi nâng tầm vị thế, sẵn sàng cho bước chuyển mình, đột phá trong thời gian sắp tới.
Theo chuyên gia trong ngành, làm sao để chọn bất động sản với giá hợp lý ở thời điểm này thì tìm kiếm những sản phẩm của chủ đầu tư đã có uy tín trên thị trường là một yếu tố lưu ý. Khi đó, người mua hoàn toàn có thể yên tâm về giá khởi điểm, trực tiếp với chủ đầu tư. Còn đối với thị trường thứ cấp, mua lại từ các nhà đầu tư khác, người mua có thể cân nhắc thêm như tham chiếu mức giá trong khu vực, xem xét vị trí của dự án, tính thanh khoản có đảm bảo không… Những tiêu chí đó sẽ giúp nhà đầu tư xác định mức giá đó có hợp lý hay không.
Mới đây, theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh đã trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và nông thôn của các địa phương.
Công tác quản lý Nhà nước về thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh đã cơ bản phát huy hiệu lực, hiệu quả; góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương, thúc đẩy sử dụng hợp lý tài nguyên đất; cụ thể hóa các đồ án quy hoạch xây dựng, đô thị, nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại các khu vực quy hoạch dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh như khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông... đang có dấu hiệu xuất hiện hoạt động đầu cơ mua đi bán lại BĐS gây sốt ảo, có hiện tượng "thổi giá" làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật; quảng cáo, rao bán sản phẩm của dự án khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa được cơ quan nhà nước ban hành văn bản đủ điều kiện huy động vốn.
Theo UBND tỉnh này, tình trạng này cần được kiểm soát hiệu quả để tránh gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân; đồng thời, có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội và việc thực hiện các dự án kêu gọi đầu tư.
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin về tiến độ thực hiện dự án để công khai cho nhân dân biết, theo dõi, thực hiện giám sát; bảo đảm việc đưa BĐS vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS.