Đã để suy thận mãn là không thể phục hồi: 8 dấu hiệu phải nghĩ ngay đến suy thận

16/07/2017 14:11 PM | Sống

Suy thận có suy thận cấp và mãn. Suy thận cấp có thể khỏi hay xấu hơn là chuyển thành suy thận mãn. Song suy thận mãn thì không có hồi phục lại qua điều trị hay biện pháp nào khác.

Như đã nói, thận hình hạt đậu, có một chiều hình cung và chiều kia lõm có chứa cuống thận. Cuống thận gồm Động tĩnh mạch thận, niệu quản và dây thần kinh.

Để dễ hình dung, thận có chiều cao khoảng 10-13cm, rộng 5-6 cm và dày khoảng 3-4 cm. Có một thực tế là, thận của người và của lợn rất giống nhau. Giống từ hình thức đến cấu tạo, chức năng. Thiên nhiên thật là một Đấng sáng tạo kỳ tài.

Quả tim, quả thận, lá gan… của người và lợn cùng cân nặng giống nhau lắm. Cho nên, trong những thí nghiệm về ghép tạng đầu tiên, người ta nghiên cứu trên lợn, mổ thử trên lợn… và để thuần thục, cũng làm nhiều lần trên lợn.

Nếu bạn nào đã làm sạch bồ dục lợn trước khi nấu nướng thì sẽ thấy quả bồ dục khi lạng thành hai phần theo chiều dọc qua cuống thận có hai màu. Phần màu đỏ, gọi là Nhục thận (Thịt thận ) có bề dày độ xấp xỉ 1 cm gọi là Phần vỏ thận.

Phần trắng sáng như xơ mà không phải là xơ, có chứa nước tiểu đầu, vị rất khai, đó là nơi gom nước tiểu, chứa đựng nước tiểu trước khi chảy xuống bàng quang để đi tiểu ra ngoài, phần đó gọi là Phần tủy thận.

Nếu hình dung quả thận như một cái cây, lấy cuống thận làm gốc, thì các nhánh của " Cây thận " chỗ ngã ba, ngã tư, các chẽ là bể, đài thận. Có ba nhóm đài thận: Trên, giữa, dưới. Các cành, chia nhỏ dần tới các tược con là các Bể, đài, cho tới ống góp, và lá hoa của cây thận là những nephron thận.

Nephron dịch ra tiếng Việt là Đơn vị thận. Nhưng chưa thật hết nghĩa của nephron, nephron là nephron, gồm: Cầu thận và ống thận.

(Ảnh minh họa)

Cầu thận gồm quản cầu Malpighi và nang Bowman là một túi bọc quản cầu, thành nang có nhiều vi lỗ. Quản cầu Malpighi gồm khoảng 50 mao mạch song hành xếp thành khối cầu. Ngăn cách giữa nang và mao mạch là một màng lọc mỏng để lọc các chất từ mao mạch sang nang.

Ống thận gồm ống lượn gần, quai Henle và ống lượn xa. Mỗi vị trí cấu tạo của nephron có nhiệm vụ khác nhau, có tính độc lập nhưng liên kết hoàn thiện với nhau.

Một nephron thận hoạt động mang tính toàn vẹn và độc lập tính rất cao. Nếu vì nguyên nhân nào đó gây tổn thương cầu thận, nephron đó mất tác dụng; nếu viêm hoại tử ông thận, dù cầu thận còn nguyên thì nephron cũng hỏng. Nên, có thuyết intact nephron để nêu cao tính toàn vẹn của đơn vị đặc biệt này.

Bệnh lý của Cầu thận khác, của ống thận khác nhau, nhưng nếu tổn thương một bộ phận thì đều gây hại như nhau. Người ta thường nói, mỗi quả thận có độ 1 triệu đến 1,5 triệu Nephron. Nếu tổn thương quá 50% gây suy thận không hồi phục.

Số nephron này, nếu bị hủy hoại thì không tái sinh, vì thế chúng ta cần tiết kiệm nephron đến mức tối đa.

Rất nhiều nguyên nhân gây tổn thương đến thận, nhưng việc bảo tồn nephron là nhiệm vụ rất cần thiết của người y sinh, gắn kết chặt chẽ cùng người bệnh để thực hiện việc tối cần thiết này.

Dịch lọc từ nang đổ vào ống lượn gần (uốn khúc), tiếp đến là quai Henle là một ống hình chữ U. Ở đầu lên của quai Henle tiếp với ống lượn xa cũng là một ống uốn khúc. Từ ống lượn xa dịch lọc đổ vào ống góp.

Ống góp không thuộc đơn vị thận, nó nhận dịch lọc từ một số đơn vị thận để đổ vào đài thận trước khi vào bể thận.

Từ máu được lọc qua màng ở cầu thận hình thành nước tiểu đầu, được hất thu, cô đặc, điều chỉnh bổ sung một số chất tiết tao thành nước tiểu và điều chỉnh hormone của cơ thể. Các chức năng chính của thận đã viết trong bài trước, nay không nhắc lại.

Viêm cầu thận cấp và mãn có khác nhau. Viêm cầu thận cấp có thể có hồi phục. Nếu kéo dài dẫn tới viêm cầu thận mãn, không hồi phục. Bệnh ngày càng nặng và đòi hỏi phải chạy thận, thay thế thận hay một số biện pháp chuyên biệt khác.

Viêm ống thận, viêm thận kẽ là một bệnh lý đặc biệt của ống thận. Nhưng đều gây suy thận.

Bệnh lý của đài bể thận là sỏi thận , sỏi thận có thể dạng bùn nhỏ, có nguồn gốc hữu cơ hay lớn hơn, từ cặn đến sỏi san hô vô cơ.

Hậu quả của sỏi là ứ tắc niệu, viêm thận nhiễm trùng, cơn đau quặn thận do co thắt và bội nhiễm… lâu dài gây suy thận, nặng hơn là suy thận không hồi phục.

Suy thận có suy thận cấp và mãn. Suy thận cấp có thể khỏi hay xấu hơn là chuyển thành suy thận mãn. Song suy thận mãn thì không có hồi phục lại qua điều trị hay biện pháp nào khác. Lý do, số nephron bị tổn thương quá nhiều, quá lớn, để lại một quả thận đầy xơ, nếu mổ ra thì chỉ còn màu trắng xơ, gần như không còn màu đỏ của nhục thận nữa.

Thận teo nhỏ và mất tác dụng, đã thế, tổ chức xơ còn làm tăng áp lực máu khi chảy vào quả thận. Hậu quả là huyết áp tăng vọt, tăng không đáp ứng với điều trị.

Suy thận, có các triệu chứng điển hình sau:

- Rối loạn điều hòa nước trong cơ thể, dễ phù, thũng. Nếu Phù do bệnh lý tim, thường phù từ chân, nơi xa tim nhất, thì phù trong suy thận, lại bắt đầu kín đáo hơn, phù từ trán, nơi máu dễ chẩy về tim, song rối loạn điều hòa nước, lại bị phù.

Dấu hiệu này, rất đặc hiệu, nếu gặp một người bị suy tim, thì người ta ấn vào trước xương chày, còn nghi phù thận, thì ấn vào trán, quanh hốc mắt. Có dấu lõm của ngón tay khi ấn để lại, là phù rồi đấy.

- Thiếu máu, do thiếu erythropoietin; rối loạn đông – tan máu.

(Ảnh minh họa)

- Gày, xanh nhợt, người yếu ớt, vô lực, hơi thở có mùi lạ do rối loạn thăng bằng kiềm toan, thường tanh cá. Khác suy gan nặng thở mùi xê tôn, mùi rau cỏ thối.

- Da bủng, tóc xơ, mắt trắng dã. Ngứa, hoa mắt chóng mặt…

- Cao huyết áp, có khi cao huyết áp ác tính, không đáp ứng với điều trị.

- Rối loạn tiểu tiện, suy thận cấp thì thiểu vô niệu, suy thận mãn thì có giai đoạn đa niệu, rồi đến khi vô niệu thì là giai đoạn sau, rất nặng. Nước tiểu có máu, sẫm màu, như nước chè đặc. Đi tiểu nhiều lần song không có nước tiểu.

- Rối loạn tiêu hóa , nhiều nhất là buồn nôn, nôn nhiều, ỉa chảy. Đó vừa là phản ứng của cơ thể để tống các chất độc ra ngoài theo đường tiêu hóa thay cho đường tiết niệu, vừa là hậu quả của bệnh lý.

- Các dấu hiệu khác như rối loạn tâm thần, co giật là đã nặng lắm, các tổn thương đã rất trầm trọng.

Xét nghiệm cận lâm sàng có u rê, creatinin tăng, rối loạn tỷ trọng nước tiểu, độ lọc thận giảm, khả năng cô đặc kém…

Hồng cầu giảm, rối loạn các chỉ số máu đông, máu chảy, rối loạn kiềm toan … và một số xét nghiệm đặc hiệu khác.

Một số nguyên nhân gây suy thận:

- Do viêm nhiễm, đơn giản như viêm họng do Liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, Cơ thể phản ứng với loài vi khuân này ở mắt, ở tim gây viêm màng tim – thấp tim, ở khớp gây thấp khớp cấp, ở thận gây viêm cầu thận cấp. Khi tổn thương lớn, gây hại nhiều nephron sẽ dẫn tới viêm mãn và hậu quả là suy thận.

Câu nói, viêm khớp đớp vào tim chưa chính xác, nó là phản ứng của cơ thể mấy nơi một lúc khi nhiễm loài vi khuẩn này. Vậy, vệ sinh răng miệng, ủ ấm khi gặp lạnh phòng viêm họng ngay từ đầu, có tác dụng rất lớn trong phòng một số bệnh lý rất nguy hại kể trên.

- Do nhiễm khuẩn tại thận, tỷ lệ người bị cặn thận, sỏi thận từ nhỏ đến lớn không nhỏ, có nghiên cứu chỉ ra, tới gần 10 % số dân có sỏi thận.

Hậu quả của sỏi thận là cơn đau quăn thận, đau lưng… tệ nhất là gây nhiễm khuẩn đài bể thận, nhiễm khuẩn dai dẳng và tổn thương nephron. Đến mức nào đó, gây suy thận.

- Viêm thận kẽ, gây suy thận. Đái tháo đường lâu ngày gây tổn thương và suy thận.

- Một số bệnh lý miễn dịch gây thoái hóa dạng tinh bột, gây tổn thương cầu thận... gây ra suy thận.

- Một số bệnh lý toàn thân cũng gây suy thận.

Nguyên nhân nhiều, nhưng phòng bênh tựu trung chỉ là những biện pháp còn chưa rõ ràng lắm. Chống viêm nhiễm ở cơ thể, ăn nhiều rau hoa quả, uống đủ nước… là các biện pháp bảo vệ thận tốt.

Chữa chạy cho bệnh thận gồm:

Điều chỉnh các rối loạn của bệnh: Truyền máu, dịch, chống nôn, điều chỉnh rối loạn nước điện giải, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan. Uống một số chế phẩm có tính hấp thu chất độc…

Khi tổn thương nặng, việc chạy thận nhân tạo, lọc máu ngoài cơ thể, lọc màng bụng là các chỉ định bắt buộc.

Ghép thận là một biên pháp điều trị rất có hiệu quả, song tốn kém, công phu và đòi hỏi thực hiện ở các cơ sở y tế có chất lượng, có truyền thống.

Những kiến thức cơ sở này, đủ để cho mỗi người tự đánh giá, nhận xét về tình trạng thận của mình. Tự theo dõi và có thái độ tôn trọng sự toàn vẹn của quả thận. Việc sáu tháng, một năm đi khám bệnh, làm các xét nghiệm máu thường qui luôn luôn là điều cần thiết.

Tư vấn của y sinh, đông y hay tây y đều rất tốt cho sức khỏe, không nên bỏ qua.

Theo BS Phạm Ngọc Thắng

Cùng chuyên mục
XEM