Đã có vắc-xin COVID-19 thực sự đáng tin cậy?

11/11/2020 08:29 AM | Xã hội

Các nhà khoa học vừa cho biết kết quả thử nghiệm ban đầu đối với vắc-xin ngừa coronavirus của hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech vượt xa kỳ vọng của họ, nhưng nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp.

Các nhà sản xuất thuốc cho biết vắc-xin của họ tỏ ra hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn chặn COVID-19, dựa trên dữ liệu từ 94 người đầu tiên tham gia cuộc thử nghiệm.

Tỷ lệ hiệu quả có nghĩa là phần lớn các ca nhiễm bệnh xảy ra ở những người dùng giả dược chứ không phải vắc-xin.

Nghiên cứu với sự tham gia của 44.000 tình nguyện viên ban đầu được thiết kế để đưa ra phân tích tạm thời đầu tiên về việc liệu vắc xin có hoạt động hay không sau khi 32 người tham gia bị nhiễm COVID-19.

Tiến sĩ William Gruber, Phó Chủ tịch cấp cao về nghiên cứu và phát triển vắc xin của Pfizer, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các công ty đã thay đổi kế hoạch nghiên cứu sau khi thảo luận với các cơ quan quản lý Mỹ và cuối cùng đã đưa ra dữ liệu về 94 người.

John Moore, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học y Weill Cornell ở New York, nói: “Nó mang lại cho bạn nhiều sức mạnh và sự tự tin hơn”. “Khi bạn tăng gấp ba lần các con số và nhận ra sự khác biệt lớn, thì điều đó có nhiều khả năng là thật”, ông Moore được Reuters trích dẫn.

Những người khác cảnh báo rằng vẫn còn nhiều câu hỏi, bao gồm liệu vắc xin có thể ngăn ngừa bệnh nặng hoặc biến chứng hay không, nó sẽ ngăn ngừa việc nhiễm bệnh trong bao lâu và sẽ hiệu quả ra sao ở người cao tuổi.

Họ lưu ý rằng sẽ chưa thể có các dữ liệu về an toàn bắt buộc cho đến cuối tháng này. Ngoài ra, Pfizer và BioNTech vẫn chưa gửi dữ liệu của họ để các nhà khoa học khác đánh giá ngang hàng, một bước quan trọng quyết định chất lượng của kết quả.

Tiến sĩ Gregory Poland, nhà nghiên cứu virus học và vắc-xin của Phòng khám Mayo ở Rochester, Minnesota, Mỹ nhận định: “Đây là những điều thực sự đáng khích lệ nhưng chúng là kết quả ban đầu”.

Nghiên cứu đầy đủ được thiết kế để chỉ ra rằng vắc-xin có hiệu quả sau khi có 164 người nhiễm bệnh. Pfizer cho biết điều đó có thể xảy ra vào tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai của tháng 12, khi một hội đồng cố vấn bên ngoài của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xem xét kết quả nghiên cứu và quyết định xem có nên cho phép sử dụng nó hay không.

Gruber cho biết ông vẫn chưa thống kê được có bao nhiêu trong số 94 trường hợp nhiễm virus đầu tiên là người da đen hoặc gốc Latin, hai cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Ông cũng chưa biết chính xác có bao nhiêu người già trong cuộc thử nghiệm bị nhiễm bệnh. Người lớn tuổi có hệ miễn dịch suy yếu đặc biệt dễ nhiễm COVID-19.

Cho đến nay, không ai trong số 94 người có các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng. “Nếu một loại vắc-xin giúp giảm thiểu bệnh tật và tử vong, và do đó cho phép dân số nói chung trở lại cuộc sống bình thường, vắc-xin đó cần phải có hiệu quả đối với người cao tuổi,” Eleanor Riley, giáo sư miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, nói.

Anh Minh

Cùng chuyên mục
XEM