Cựu Thủ tướng Israel tiết lộ "lò" đào tạo thiên tài: Chọn 40 học sinh xuất sắc nhất đưa vào chương trình giáo dục đặc biệt, cứ 2-3 người lại tạo startup trăm triệu USD

16/08/2022 14:31 PM | Kinh doanh

Trong suốt 45 năm, dự án này đã tạo ra 600 thiên tài, là nòng cốt của ngành công nghiệp khởi nghiệp của Israel.

Israel là một đất nước rất nhỏ. Nếu so với Việt Nam về kích thước và dân số thì đều chỉ bằng 1/10. Thiên nhiên cũng không ban tặng cho đất nước này nhiều tài nguyên hay khoáng sản. Israel có một nửa diện tích là sa mạc. Một bên là dòng sông, một bên là biển Chết – nơi không có bất kỳ con cá nào sống được. 50% lượng nước ngọt của quốc gia này là do công nghệ tách muối từ nước biển. Trong lịch sử, đất nước này cũng hứng chịu nhiều cuộc công kích từ bên ngoài.  Dẫu vậy, người ta vẫn phải ngưỡng mộ và nể phục dân tộc này bởi sự phát triển kỳ diệu về kinh tế, công nghệ, giáo dục,... Trong 70 năm, GDP của Israel đã tăng 70 lần, GDP trên đầu người thậm chí vượt cả Anh. Năm 2021, lượng startup kỳ lân của Mỹ là 45, Trung Quốc là 25, trong khi Israel có 17 kỳ lân dù diện tích nhỏ hơn rất nhiều lần.

Ngày 16/8, trong khuôn khổ sự kiện Đối thoại cùng các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, vị cựu Thủ tướng Israel – Ehud Barak, đã có bài phát biểu chia sẻ về kinh nghiệm của Israel trong việc định hướng tầm nhìn và phát triển kinh tế, giáo dục, công nghiệp startup.

Cựu Thủ tướng Ehud Barak chỉ ra 4 lĩnh vực trọng tâm mà Israel chú trọng phát, bao gồm: năng lượng tái tạo và xử lý nước; khoa học đời sống; trí tuệ nhân tạo và công nghệ liên quan; công nghệ không gian.

Bên cạnh đó, đây cũng là quốc gia nổi tiếng với sự đầu tư lớn vào giáo dục, thậm chí nhiều hơn cả vào ngành quân sự. Cựu Thủ tướng chia sẻ, nền giáo dục trung học phổ thông của Israel được xây dựng dựa trên khoa học, tập trung nhiều vào các ngành toán học, hoá học, ngoại ngữ và khuyến khích các em học sinh xuất sắc nhất quay trở lại với chính ngành giáo dục. Chính Bộ trưởng Bộ giáo dục cũng từng lên truyền hình và có những bài giảng cho các em học sinh lớp 11-12.

Đặc biệt, suốt 45 năm qua, Israel duy trì một dự án tuyển chọn các em học sinh xuất sắc trên cả nước. Mỗi năm, họ chọn ra khoảng 3-6 em học sinh lớp 11-12 xuất sắc của mỗi trường, khoảng 10.000- 20.000 em trên cả nước, rồi tiếp tục chọn lọc 500 em xuất sắc hơn cả. Những em học sinh này được đưa vào các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ quốc phòng, tình báo, kỹ thuật quân sự. Các em sẽ được huấn luyện với các kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhất. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của mình, các em trở thành đội ngũ có kinh nghiệm, tài năng có thể đóng góp vào các ngành công nghệ dân sự của Israel.

Chưa dừng lại, cũng trong chương trình, 40 em xuất sắc nhất được coi là thiên tài sẽ được chọn ra, đưa vào chương trình giáo dục đặc biệt. Cứ 4-5 em lại được một giảng viên chăm sóc, đẩy nhanh quá trình học tập. Mỗi em sẽ có 2 bằng tốt nghiệp. Các học sinh sẽ được đưa vào làm việc 6 năm tại các phòng thí nghiệm và trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực của mình, đồng thời tạo nên các công ty khởi nghiệp. Cứ mỗi 2-3 em lại có thể tạo ra những doanh nghiệp có định giá hàng trăm triệu USD.

Cựu Thủ tướng Israel tiết lộ "lò" đào tạo các thiên tài: Chọn 40 học sinh xuất sắc nhất đưa vào chương trình giáo dục đặc biệt, cứ 2-3 người lại tạo ra startup trăm - Ảnh 1.

Cựu Thủ tướng Israel – Ehud Barak

Phát triển dự án suốt 45 năm, dự án này đã tạo ra 600 thiên tài như vậy, là nòng cốt của ngành công nghiệp khởi nghiệp của Israel.

Cựu Thủ tướng chia sẻ thêm, Israel có khoảng 7 trường uy tín nhất, dù số sinh viên đã tăng nhiều lần trong 50 năm qua nhưng số trường đại học không đổi. Họ chú trọng vào chất lượng, các sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng ứng dụng rất cao. Ông lấy ví dụ, cách đây vài năm, có người đã điều chế ra loại thuốc để chữa loại bệnh nan y và tạo ra lợi nhuận hàng tỷ USD/năm.

Bằng việc phát triển một nền công nghệ có trọng tâm, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp của Israel đã giảm từ 30% xuống còn 1,7%. Và chính 1,7% dân số này vẫn canh tác đáp ứng hết nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Cựu thủ tướng Ehud Barak nhấn mạnh thêm, Israel có nền văn hoá khuyến khích sự sáng tạo từ sớm, khuyến khích cấp dưới đặt câu hỏi cho cấp trên trong quá trình lên kế hoạch. Và đặc biệt, người Israel không coi thất bại là chấm dứt sự nghiệp, mà thất bại là con đường học hỏi để dẫn đến thành công. Ưu tiên tinh thần học hỏi, tranh biện chủ động để tìm ra giải pháp cho các xung đột.

Hoàng Thuỳ

Từ khóa:  Israel
Cùng chuyên mục
XEM