Cuộc sống ở Tân Tây Lan, xứ "utopia" của phụ nữ, nơi giới siêu giàu thế giới ao ước được sống cả đời
Tân Tây Lan thực sự là thiên đường vui sống với tất cả mọi người nói chung và với phụ nữ nói riêng.
Tạo hóa đã phân chia mỗi đất nước một lãnh thổ, một khí hậu, một tính cách con người thì đương nhiên nơi đó sẽ có phong cách sống riêng không thể nào bị trộn lẫn. Nếu như người Bắc Âu tự hào với lối sống Hygge, người Thụy Điển có cho mình phong cách Lagom thì người Nhật Bản lại sống với công thức Ikigai…
Tất cả những lối sống này đã được đúc kết và lưu giữ qua nhiều đời để rồi sau này trở thành đặc sản của chính nơi mà nó được sinh ra. Tuy nhiên, dù cho tên gọi có khác nhau và cách định nghĩa cũng không giống hoàn toàn và nó là bản sắc riêng biệt nhưng vẫn có một điểm chung giữa tất cả các phong cách sống này đó là chúng đều hướng tới lối sống hạnh phúc, hòa bình.
Tân Tây Lan (tên phiên âm Hán Việt của New Zealand) là một vùng đất lâu đời nhưng lại có người đến ở sau cùng trên thế giới. Hiện nay, nơi đây chỉ có 4,5 triệu dân đang sinh sống với phong cách đậm chất của những người định cư Anh Quốc ban đầu. Và có một điều đặc biệt là Tân Tây Lan ngày càng trở nên nổi tiếng đến nỗi nếu ai đó muốn tìm kiếm một nơi an toàn, hòa bình và chất lượng sống đẳng cấp thì hãy tìm đến đây.
Biết được điều đó, giới siêu giàu trên thế giới, thậm chí là những người được xếp hạng nhất nhì ở thung lũng Silicon, Hoa Kỳ cũng chẳng ngại tìm đến Tân Tây Lan để tậu cho mình một cơ ngơi yên ổn. Giá nhà đất ở đây thì siêu đắt đỏ, lương thực thực phẩm thì chẳng phải dạng vừa thế mà chẳng hiểu tại sao người ta lại ưu ái gọi Tân Tây Lan là "Utopia", một vùng đất hoàn hảo đến mức chỉ tồn tại trong phim viễn tưởng của Hollywood.
Utopia là gì?
Thuật ngữ Utopia thực ra được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp và dùng để chỉ một xã hội hoàn hảo, tuyệt vời hơn so với xã hội mà con người đang sống. Hay nói cách khác, nếu một ai đó gọi vùng đất nào là "utopia" thì có nghĩa là nơi đó cực kỳ hoàn hảo để sinh sống.
Dù là một quần đảo bị cô lập bởi nước biển nhưng Tân Tây Lan dường như lại đang biến chính mình thành một "utopia" bởi có khí hậu ôn hòa, tình hình chính trị ổn định. Những người có tiền được xếp vào vị trí "mega rich" (siêu siêu giàu) chứ không đơn thuần là "rich" (giàu) hoặc "super rich" (siêu giàu) nữa cũng đang đều tìm đến đây để an cư.
Vậy ở Tân Tây Lan có gì để trở thành tâm điểm của cả thế giới như vậy?
Tân Tây Lan cực kỳ an toàn với phụ nữ
Phụ nữ ngày nay thật sự có nhiều chị em còn "mạnh" hơn cả đàn ông nhưng người ta vẫn cứ ưu ái cho họ cái đặc quyền "đẹp và yếu". Vì lẽ đó, việc chọn một nơi để sống thật ý nghĩa, hòa bình và an toàn cho họ cũng luôn là điều mà cánh mày râu quan tâm. Tân Tây Lan là một đất nước đáng để xem xét bởi nơi đây được xếp hạng nhì (chỉ sau nước Úc) trong bảng tổng sắp các quốc gia an toàn nhất cho phụ nữ. Rất nhiều người trên thế giới đã mong ước con gái của họ được lớn lên ở đây, trong một môi trường an tâm đến gần như tuyệt đối.
Cũng gần giống như người láng giềng Úc, Tân Tây Lan có lợi thế cộng đồng và hầu hết những người sống ở đây đều được tôn trọng giá trị cá nhân. Những kẻ có ý định bóc lột hay lạm dụng phụ nữ sẽ không bao giờ có cơ hội nhập cư nên đây được coi là đất nước vô cùng trong sạch (đối với phụ nữ). Và quả thực, người ta hiếm khi nghe thấy chuyện phụ nữ bị bạo hành, nữ công nhân lao động quá sức hay cô gái nào bị người yêu đánh ở Tân Tây Lan này lắm.
Chưa dừng lại ở đó, vì tôn trọng con người nên phụ nữ ở Tân Tây Lan này luôn được sống là chính mình với phong cách từ thời trang cho tới tính cách đều không quá bị soi mói bởi người khác. Họ được tự do thể hiện bản thân và hơn hết là được người khác nhìn vào với ánh mắt thân thiện.
Nhiêu đó lý do cũng đủ để hàng năm có tới hàng nghìn phụ nữ, nhất là những quý bà quý cô giàu có hoặc là một mình hoặc là theo gia đình sang Tân Tây Lan sinh sống.
Giới siêu siêu giàu nhìn thấy gì ở Tân Tây Lan?
Như đã nói ở trên, dù Mỹ là đất nước đa chủng tộc, đa văn hóa và dễ kiếm tiền nhất trên thế giới nhưng trong vài năm trở lại đây đã có vô số triệu phú rời đi tìm mảnh đất an yên để hưởng lạc. Cụ thể, theo thống kê của tờ The Guardian thì trong năm 2016 đã có tới gần 1.300 người ở xứ sở cờ hoa chuyển tới Tân Tây Lan, trong đó chưa kể đến giới du học sinh vẫn đang hàng ngày hàng giờ đăng ký đến đây học tập.
Với chính sách mở, những người giàu có ở Mỹ và các nước khác đã chẳng ngại ngần đầu tư vào đây bằng những ngôi nhà hay biệt thự sang trọng dù giá cả của chúng cũng thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Thêm vào đó, những thứ tiện ích sống hằng ngày ở đây cũng không rẻ khi nó có thể có giá gấp tới vài lần ở những nơi nổi tiếng đắt đỏ khác trên thế giới. Nhưng điều đó không là gì bởi chất lượng của sản phẩm thì không thể chê vào đâu được.
Vì lẽ đó, các gia đình giàu có đó hầu như đã đều nhìn thấy ở Tân Tây Lan cơ hội tài chính, học hành và những dịch vụ cực kỳ tốt cho con cái của mình và hơn hết là cho chính họ được hưởng thụ.
Hơn cả những thứ mang tính vật chất nói trên, ở Tân Tây Lan, người dân còn được sống một cuộc sống vừa hiện đại nhưng vẫn chan hòa với thiên nhiên và giữ được những nét nguyên thủy nhất. Họ hoàn toàn không bị biến hình thành những con robot không bao giờ ngẩng đầu lên vì nhìn vào smartphone, giam mình khư khư trong phòng kín hay cảm thấy mình quá yếu ớt trước thiên nhiên rộng lớn.
Tiềm năng đất nước là vậy nhưng Tân Tây Lan còn nổi tiếng bởi chính con người họ. Người dân đất nước này luôn có những phong cách rất khác nhưng lại cực dễ bắt nhịp cho người thập phương. Hãy xem họ sống như thế nào.
Ai ai cũng rất thân thiện
Phải nói rằng bất cứ ai ở Tân Tây Lan cũng đều treo chữ "thân thiện" trên ngực mình, dù là nhân viên bệnh viện, những người kinh doanh hay người dân bình thường. Gặp bất cứ ai họ cũng có thể nở nụ cười để chào đó dù trước đó chẳng biết gì về nhau hay sau này cũng chẳng bao giờ gặp lại
Họ cũng có lối sống khá đơn giản với phương châm: làm ở thành phố nhưng lại sống kiểu nhà quê. Sau mỗi ngày làm việc là người dân ở đây lại trở về với ngôi nhà của mình ở cách khá xa thành phố và tận hưởng sự thanh bình. Họ mở những bữa ăn ngoài trời để mời bạn bè, hàng xóm tới dự. Toàn những món đơn giản thôi nhưng quan trọng là tất cả mọi người được trò chuyện và vui cười cùng nhau.
Vứt đôi giày đi và vui sống
Từ cửa hàng tạp hóa đến quán café trên phố, mọi người khi đến đây đều sẽ nhìn thấy cảnh tượng người dân toàn đi chân trần trên nền đất vào mùa hè. Họ làm như vậy mà không sợ bị bỏng rát hoặc tổn thương đôi chân vì thời tiết ở đây rất ôn hòa, đường sá lại sạch sẽ. Nói tóm lại, cứ mùa hè là họ lại chẳng mấy khi dùng tới giày dép.
Sẽ chẳng có gì là lạ nếu ngày nào đó bạn diện dàng ra phố nhưng lại bắt gặp cả một nhóm thanh niên chân trần như thế này đi chơi. Người New Zealand coi đó là sự gần gũi vô cùng với thiên nhiên.
Một xã hội không tiền tip
Tân Tây Lan không hình thành thói quen đưa tiền tip (tiền thưởng) cho nhân viên phục vụ. Nếu một khách hàng để lại tiền trên bàn mà chủ cửa hàng nhìn thấy thì họ sẽ coi như khách bỏ quên một cách vô tình chứ không bao giờ nghĩ tiền tip đó là dành cho mình cả.
Do it yourself
Cụm từ này được dịch là hãy tự làm việc bằng sức của mình. Người dân bản địa Tân Tây Lan không có nhiều tiền và họ hầu như không trả nổi những dịch vụ sửa chữa mà các công ty cung ứng. Vì lý do đó, họ đã tự làm rất nhiều việc kể cả sửa nhà, ống nước và làm vườn để rồi sau đó tự hào khoe với người hàng xóm một khóm hồng vừa trồng hay một vài nhành hoa lan đang nở bung xòe trong bụi cây xanh mướt.
Dẫu biết rằng trên thế giới này thực sự chẳng có điều gì là tuyệt đối hoàn hảo và chính cái gọi là "utopia" cũng đã từng mang tới cho Tân Tây Lan một vài rắc rối nho nhỏ liên quan tới dòng tiền hay đại loại cái gì đó tương tự, nhưng có vẻ như điều đó cũng chẳng ngăn nổi ý định tiến dần tới đây định cư của nhiều người đến từ các vùng khác nhau trên thế giới. Nhưng cho dù thế nào, với bản chất thân thiện của mình thì người dân ở đây sẽ luôn cảm thấy "càng đông càng vui" cho mà xem.
Nguồn: BBC, Quora