Thụy Điển - Quốc gia đáng sống bậc nhất thế giới đang "đau đầu" vì người nhập cư quá đông

23/05/2017 11:35 AM | Xã hội

Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy có khoảng 163.000 người xin tị nạn vào Thụy Điển năm 2015.

Nhắc đến các quốc gia Bắc Âu, chúng ta không thể không nói tới Thụy Điển, nước có môi trường đáng sống thứ 6 trên thế giới trong bảng xếp hạng năm 2017. Sự thịnh vượng, bình đẳng và chất lượng cuộc sống ở Thụy Điển là không thể bàn cãi với chế độ an sinh xã hội tuyệt vời. Người dân nơi đây, đặc biệt là trẻ em được hưởng những chính sách hỗ trợ vô cùng tốt.

Trong khi đó, định hướng tập trung phát triển công nghệ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng khiến quốc gia này trở thành nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới năm 2016.

Tuy nhiên, quốc gia này lại đang phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn từ dòng người nhập cư vào đây.

Xã hội Thụy Điển gặp thách thức

Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy có khoảng 163.000 người xin tị nạn vào Thụy Điển năm 2015. So với mức dân số 10 triệu người thì đây là dòng chảy nhập cư lớn nhất trong số các thành viên của OECD. Tất nhiên không phải mọi người tị nạn đều được chấp nhận. Năm 2016, khoảng 2/3 số đơn xin tị nạn đã bị từ chối nhưng những người nhập cư thành công thì vẫn cần nhà, trường học và công việc.

Trớ trêu thay, hệ thống an sinh xã hội của Thụy Điển là có hạn và rất nhiều người tị nạn đang phải sống trong cảnh thiếu thốn nhà ở cũng như việc làm.

Trong những thập niên gần đây, làn sóng di cư ồ ạt đã làm thay đổi xã hội Thụy Điển. Người dân bản xứ rời bỏ những vùng quê để đến sống tại các khu vực phát triển hơn, để lại các vùng nghèo nàn lạc hậu lại cho người nhập cư.

Ví dụ như vùng Tensta, một trong 53 khu vực mà cảnh sát Thụy Điển gọi là “vùng đỏ” khi tỷ lệ tội phạm rất cao. Tỷ lệ thất nghiệp nơi đây dù không được thống kê chính thức nhưng vượt xa mức bình quân 6,6% trên cả nước.

Dù chính phủ đã xây dựng một kế hoạch phát triển những khu nghèo như vậy nhưng chúng vẫn chưa giải quyết được thực tại trước mắt là lượng lớn người di cư đang làm giảm chất lượng sống chung của Thụy Điển.

Chuyên gia kinh tế Tino Sanandaji cho biết chỉ khoảng 6% người gốc Thụy Điển sống tại các khu vực như Tensta và có đến 26% công dân nhập cư từ các vùng ngoài Phương Tây như Châu Phi, Trung Đông lại sinh hoạt quanh các khu vực này.

Chính phủ Thụy Điển nhận ra những bất cập trên khi người nhập cư ảnh hưởng đến một xã hội trật tự. Tuy nhiên bộ luật của nước này buộc các thành phố của Thụy Điển phải chấp nhận người nhập cư nếu đơn xin tị nạn được thông qua và chúng khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm việc làm cũng trở nên khó khăn với những người nhập cư khi đến 95% số việc làm tại Thụy Điển yêu cầu trình độ tốt nghiệp cấp 3 trong khi 1/3 số người nhập cư ở đây chỉ mới học hết cấp 2.

Hơn nữa, những khoản phí giữa công đoàn với doanh nghiệp cũng như các thỏa thuận đôi bên khiến người nhập cư rất khó nhờ cậy chính phủ tìm việc cho mình. Tỷ lệ chênh lệch 20 điểm phần trăm giữa tầng lớp lao động trình độ thấp và cao tại Thụy Điển đã tồn tại từ năm 2012 và con số này đang có dấu hiệu tăng nhanh khi làn sóng nhập cư mới tràn vào.

Tồi tệ hơn, những người nhập cư đang khiến chất lượng giáo dục và bình đẳng xã hội tại Thụy Điển đi xuống, làm ảnh hưởng đến môi trường sống nơi đây. Quốc gia này nổi tiếng với tính cách thân mật, dễ gần và đây là lý do họ chào đón nhiều người tị nạn hơn các nước láng giềng Châu Âu khác. Thêm vào đó, việc thiếu nguồn lao động cũng khiến quốc gia Bắc Âu này dễ chấp nhận người nhập cư hơn.

Tuy vậy, hệ thống an sinh xã hội, giáo dục và nền kinh tế có vẻ chưa đủ sức chu cấp hết cho tất cả những công dân mới. Rất nhiều thế hệ trẻ em nhập cư được sinh ra ở Thụy Điển nhưng không có cảm giác là người Thụy Điển mà vẫn chịu ảnh hưởng nặng của văn hóa quê hương họ.

Hiện nay, chính trường Thụy Điển cũng đang dậy sóng với các quan điểm trái chiều trong việc giải quyết người nhập cư. Rất nhiều người lên tiếng chỉ trích chính sự thịnh vượng của người bản địa đã khiến nhóm người tị nạn bị cô lập ngoài vòng xã hội.

Nhiều chính trị gia, doanh nhân thậm chí đã vận động để chính phủ bãi bỏ mức tiền lương tối thiểu và các quy định khác để công ty có thể thuê người nhập cư với mức giá theo thị trường, qua đó tạo điều kiện cho những người nhập cư trình độ thấp.

Dẫu vậy, những người phản đối lại cho rằng chính sách này sẽ càng làm phân hóa tầng lớp trong xã hội Thụy Điển. Thay vào đó, họ đề nghị chính phủ tập trung vào đào tạo cho người nhập cư, nhanh chóng đưa những người tị nạn hòa nhập xã hội với những công việc lương tốt.

Tương lai nào cho Thụy Điển?

Hiện câu hỏi cho hướng đi của Thụy Điển còn khá mơ hồ khi cuộc bầu cử sẽ bắt đầu vào năm tới và chưa một nhà lãnh đạo nào có được đường lối hữu hiệu với vấn đề nhập cư.

Kể từ năm 2015, Thụy Điển đã thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm hạn chế dòng người tị nạn nhưng biện pháp này chỉ mang tính nhất thời.

Hiện các chính trị gia theo đường lối bảo thủ đang ngày càng thu hút cử tri. Năm 2014, Đảng Dân chủ Thụy Điển chỉ có 13% số phiếu bầu thì khảo sát hiện nay cho thấy họ có thể đạt 20% số phiếu.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cần lao động trình độ thấp cho các nhà máy đang lên tiếng phản đối chính sách thắt chặt biên giới của chính phủ bởi họ cần nguồn nhân lực giá rẻ này. Dẫu vậy, những hiện tượng tội phạm tăng cao như ở Tensta đang khiến các nhà hoạch định chính sách Thụy Điển khó lòng mở rộng cửa thêm nữa với dòng người nhập cư.

BT

Cùng chuyên mục
XEM