Cuộc sống như chiếc ghế, cuộc đời như cái bàn: Hóa ra hạnh phúc cũng chỉ đơn giản, vừa vặn như vậy!
Khi bạn rơi vào vòng khốn khó, người chỉ biết giữ thân, dù không hại bạn cũng chẳng giúp bạn, chỉ được coi là "bạn một nửa."
Thoreau từng nói một câu thế này:
"Trong phòng của tôi có 3 cái ghế, khi một mình thì dùng một cái, khi có bạn thì dùng hai cái, khi xã giao thì dùng ba cái."
Tại sao lại như vậy?
Bởi vì trong cuộc đời mỗi người, bạn chân chính thì ít, "bạn một nửa" thì nhiều.
Từng có một câu chuyện kể như vầy:
Trước đây, có một võ phu vừa giỏi vừa trượng nghĩa, lại quen biết rất nhiều bạn bè. Trước khi lâm chung, ông nói với con trai mình:
"Đừng thấy cha từ nhỏ đã lang bạc giang hồ kiếm sống mà nghĩ rằng cha có nhiều bạn bè tốt, thực ra phần lớn số người cha quen chỉ được coi là bạn một nửa.
Con hãy làm theo lời cha đến gặp những người bạn kia của cha và làm những gì cha dặn, tự khắc sẽ hiểu rõ thôi."
Người con trai cảm thấy khó hiểu, nhưng vẫn ghi nhớ lời người cha dặn dò.
Sau đó, anh ta đến gặp người mà cha mình nhận định là bạn tốt, nói với ông ấy:
"Cháu là con trai của Lý Cảnh, hiện tại đang bị triều đình truy nã, sự việc cấp bách, thân khó bảo toàn, mong thúc hãy giúp cháu!"
Người này nghe xong liền không suy nghĩ nhiều mà vội kêu con trai mình đổi trang phục với anh ta.
Người con trai đã hiểu ra: Vào thời khắc sinh tử, người có thể không ngại nguy hiểm, hết lòng giúp đỡ ta, mới thực sự là bạn.
Tiếp theo, anh ta lại đi đến nhà người "bạn một nửa" mà cha nói, cũng cầu xin giúp đỡ như vậy. Người này vừa nghe xong 4 chữ "tội phạm triều đình" liền sợ hãi nhét ít tiền vào tay người con trai, bảo rằng cho cậu ta ít lộ phí, mau nhanh chân chạy thoát, đừng làm liên lụy đến ông ta.
Người con lại ngộ ra: Khi bạn rơi vào vòng khốn khó, người chỉ biết giữ thân, dù không hại bạn cũng chẳng giúp bạn, chỉ được coi là "bạn một nửa."
Lời dặn dò trước khi mất của người cha không chỉ khiến con trai ông thấu triệt cuộc sống mà còn để chúng ta nhìn nhận ra được một đạo lý:
Bạn có thể kết bạn nhiều, cũng có thể dùng tâm thật lòng đối đãi, nhưng tuyệt đối đừng đặt quá nhiều hi vọng và niềm tin vào việc mình sẽ nhận được hồi báo giống như vậy.
Đối xử tốt với bạn bè là một việc làm vui vẻ, cũng rất bình thường. Nếu bạn đòi hồi báo, nó đã biến chất thành tính toán, hơn nữa dễ tự mình thất vọng. Bởi vì việc bạn đối tốt với người khác và ngược lại là hai việc khác nhau, giống như "cho" và "được cho" cũng là hai khái niệm trái ngược.
Lương thiện của bạn có thể "cảm hóa" người khác, nhưng chỉ là khoảnh khắc. Nên nếu gặp được người đối xử tốt với mình, nên biết trân trọng!
Cuộc đời mỗi người sẽ quen biết rất nhiều "bạn một nửa" giống như vậy! Do đó, phân ghế chỉ cần hai chiếc, một cho bạn thực sự, một cho chính mình.
Còn khi nói chuyện xã giao phải cần 3 cái ghế, một giữ cho mình ngồi, một cho người khiến bạn trưởng thành, một cho người khiến bạn vui vẻ.
Nếu có thêm cái ghế khác thì lại trở nên dư thừa. Bởi vì cuộc đời này ngắn như vậy, bạn không nên vì "mềm lòng" mà "thêm ghế" cho những người khiến bạn đau khổ, hoặc những người thích lợi dụng bạn... để họ có cơ hội gia nhập vào cuộc đời bạn.
Trong truyện tranh kể về bà Marie Curie, có một đoạn nói về phòng khách của nhà bà. Trong đó chỉ đặt một cái bàn ăn đơn giản và hai chiếc ghế đơn. Cha của bà Curie từng muốn gửi những đồ nội thất sang trọng sang cho vợ chồng bà, nhưng họ đã từ chối.
Lý do rất đơn giản:
Có sofa và ghế mềm tất nhiên sẽ cần có người quét dọn, tiêu tốn thời gian như vậy cho nơi này thì thật đáng tiếc. Vì không để những vị "khách nhàn rỗi" ghé thăm, ngồi lâu và cản trở công việc của họ nên họ đã không đặt mua cái ghế thứ ba.
"Tôi luôn theo đuổi công việc yên tĩnh và cuộc sống gia đình đơn giản trong cuộc sống của mình." – Bà Curie nói.
Hai cái ghế, để họ trở thành đối tác song hành trong sự nghiệp, không cần ghế phụ xâm nhập và phá rối cuộc sống yên tĩnh của hai người.
Cách sống rõ ràng, đơn giản và tuyệt vời đó chính là của nhà khoa học nữ tài giỏi Marie Curie.
Muốn sống an ổn, hãy học cách đơn giản hóa, loại bỏ những "chiếc ghế thừa", cũng đừng để ngoại vật, ngoại cảnh, người ngoài có cơ hội tác động, kế thừa một trong hai chiếc ghế đó.
Đừng mong muốn quá nhiều vào một chiếc ghế dựa xa xỉ và thoải mái, dù sao nó cũng chỉ là vật dụng, mong đợi quá nhiều, nó lại trở thành gánh nặng cuộc sống.
Cuộc sống giống như một cái ghế, hãy loại bỏ những gì phức tạp, không cần thiết, sống tự do, đơn giản.
Cuộc đời lại như chiếc bàn, người ta cầu đẹp, cầu sang; còn chúng ta chỉ cần cầu một cái bàn tròn viên mãn, dù đơn sơ nhưng trọn vẹn!
Dù giàu hay nghèo, chúng ta chỉ cần một cái bàn tròn duy nhất, để gia đình cùng tụ hợp, sum quầy bên mâm cơm. Ngồi liền kề nhau, cùng trò chuyện và nhìn về cuộc sống.