Cuộc soán ngôi của Hòa Phát với "cựu vương" thép xây dựng Pomina: Sự khác biệt từ lựa chọn "đúng người, đúng thời điểm"

13/10/2022 14:10 PM | Kinh doanh

Mới đây, Pomina thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty do kinh doanh quá khó khăn.

Năm 2009, trong niềm hân hoan của gia đình ông Đỗ Duy Thái và các công nhân, dự án luyện thép lớn nhất Việt Nam khi đó với công suất 1 triệu tấn/năm được CTCP Thép Pomina (POM) khởi công xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Đỗ Duy Thái là người sáng lập nên Công ty TNHH TM Thép Việt, mẹ của CTCP Thép Pomina - doanh nghiệp mà tất cả lãnh đạo cấp cao đều mang họ Đỗ.

Quyết định đầu tư không đúng thời điểm của Pomina

Điều đáng nói là Pomina đã đầu tư dự án lớn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu dữ dội hơn. Lãnh đạo doanh nghiệp này tự tin rằng với lợi thế giá nguyên liệu thấp và vị thế đang có, Pomina có thể đón đầu cơ hội tăng trưởng khi thị trường phục hồi.

Tại Việt Nam lúc ấy và cả nửa thập kỷ sau, Pomina vẫn được xem là doanh nghiệp đầu tư bài bản với công nghệ hiện đại nhất trong ngành thép. Ông Thái quan điểm cạnh tranh với thép Trung Quốc bằng chất lượng nên đã quyết liệt đầu tư các nhà máy bằng công nghệ châu Âu, mặc dù nếu đầu tư theo công nghệ luyện thép của Trung Quốc thì chi phí tài chính chỉ bằng ⅓ - theo ông chia sẻ.

Tuy nhiên, với công nghệ châu Âu, Pomina tận dụng được khí thải ở nhiệt độ 300-400 độ C trong lò để sấy phế liệu trước khi đưa vào luyện. Nhờ đó, giảm tiêu hao điện cho quá trình luyện thép tới 30%, chi phí sản xuất cũng giảm hơn 10 USD/tấn. Quá trình sản xuất thép từ phôi nóng được nạp trực tiếp từ nhà máy luyện đã giúp giảm 30% chi phí gia nhiệt trong quá trình cán thép thành phẩm.

Thế nhưng, nhà máy số 3 đi vào hoạt động quý 4/2012, doanh thu của Pomina sụt mạnh từ 12.000 tỷ đồng (năm 2011) xuống 9.900 tỷ và lỗ 219 tỷ vào năm 2013. Năm 2012, Pomina cũng chỉ lãi 5 tỷ - con số rất nhỏ so với mức 500-600 tỷ lợi nhuận ở các năm trước.

Cuộc soán ngôi của Hòa Phát với "cựu vương" thép xây dựng Pomina: Sự khác biệt từ lựa chọn "đúng người, đúng thời điểm" - Ảnh 1.

Do ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, nhà máy thép Pomina 3 đã không thể đạt công suất tối đa, thậm chí công suất năm 2013 của toàn hệ thống chỉ đạt 47,8% và Pomina thì phải chịu chi phí khấu hao và chi phí lãi vay rất cao khi vay hơn 1.000 tỷ để đầu tư cho dự án. Báo cáo tài chính hợp nhất của Pomina cho biết, chi phí lãi vay năm 2012 và 2013 lần lượt là 273 tỷ đồng và 234 tỷ đồng, “ăn mòn” mạnh lợi nhuận gộp chưa kể các chi phí khác.

Theo chu kỳ ngành thép và sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Việt Nam, lợi nhuận của Pomina phục hồi mạnh trong 3 năm 2016 - 2018, đạt lần lượt 302 tỷ, 700 tỷ và 434 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà máy Pomina số 3 một lần nữa đầu tư không đúng thời điểm.

Năm 2019, Pomina triển khai dự án lò cao, hoàn thành đưa vào sản xuất tháng 2/2021. Trong báo cáo thường niên 2021, công ty này cho biết Nhà máy Pomina 3 đã chuyển đổi từ lò EAF (lò hồ quang điện) qua lò cao, giúp doanh thu thuần tăng 42,6% và lợi nhuận sau thuế tăng 1,5 lần so với năm trước.

Pomina tuyên bố là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam vận hành hệ thống luyện thép kết hợp giữa lò cao (BF) với lò điện Consteel từ châu Âu nhằm tạo ra sản phẩm thép luyện từ quặng, sạch tạp chất, chất lượng cao, ổn định chuyên xây dựng các siêu công trình.

Tuy nhiên, với sự đi xuống của thị trường thép từ đầu năm 2022, Pomina thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty do kinh doanh quá khó khăn.

Top 5 thị trường sản xuất thép từ trước đến nay vẫn chia thành 2 nhóm dựa vào công nghệ sản xuất: Nhóm luyện thép bằng công nghệ lò cao (Hoà Phát và Thép Thái Nguyên Tisco), Nhóm sử dụng công nghệ lò hồ quang điện (EAF - các doanh nghiệp còn lại). Pomina vốn sử dụng lò EAF nhưng đã cải thiến thành dạng “kết hợp” như trên.

Cuộc soán ngôi của Hoà Phát: Đúng công nghệ, đúng thời điểm

Cho đến hết năm 2013, Pomina vẫn giữ thị phần lớn nhất trên thị trường thép xây dựng, dù tỷ trọng đã sụt giảm từ mức 16,6% năm 2010 xuống còn 15,9%. Trong khi đó, thị phần của Hòa Phát từ vị trí thứ ba với mức 12% năm 2010 đã tăng lên 15,2% năm 2013, vươn lên vị trí thứ hai, chỉ thấp hơn một chút so với Pomina.

Tháng 6/2014 - dù thị trường bất động sản còn khó khăn và nhu cầu sắt thép chưa khởi sắc, lần đầu tiên sản lượng thép xây dựng tiêu thụ của Hòa Phát đã vượt Pomina và vươn lên giữ vị trí dẫn đầu với 18% thị phần. Trong khi đó, thị phần của bốn doanh nghiệp thép còn lại đều bị sụt giảm.

Lý do cho sự vươn lên của Hoà Phát là “đúng công nghệ, đúng thời điểm”. Việc đầu tư lò cao tại nhà máy gang thép Hải Dương đã giúp công ty của ông Trần Đình Long tạo ra lợi thế cạnh tranh cực lớn là giá rẻ, nhanh chóng chiếm được thị phần từ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ EAF tiêu tốn năng lượng, giá thành cao. Vào năm 2013, lò cao dung tích 350m3 của Hoà Phát là lò cao lớn nhất Việt Nam dù đây vẫn là chiếc lò “mini” mà doanh nghiệp thép Trung Quốc đã ít sử dụng. Hòa Phát tiếp tục xây dựng lò cao dung tích 450m3, đầu tư Khu liên hợp gang thép Dung Quất và duy trì vị trí số 1 cho đến nay.

Báo cáo năm 2014 của Fulbright nhận xét: Thị phần của Pomina trong mảng thép xây dựng giảm liên tục vì (1) sử dụng lò EAF làm cho chi phí giá vốn cao hơn; (2) tỷ trọng chi phí bán hàng trên doanh thu thấp nhất ngành. Trong khi đó, bên cạnh công nghệ tối ưu hơn, Hòa Phát khi đó còn được hưởng lợi từ chính sách cấm xuất khẩu quặng. Chính sách này khiến giá quặng trong nước giảm mạnh, và đây là nguyên liệu cho lò cao của Hòa Phát, trong khi các doanh nghiệp lò EAF vẫn phải dùng nguyên liệu đầu vào là thép phế.

Một chuyên gia tài chính cũng đánh giá, nguyên nhân khác dẫn đến cuộc soán ngôi nói trên là năng lực quản trị của Hòa Phát cao hơn của Pomina - một doanh nghiệp thép mang tính chất công ty gia đình.

Hiện giờ Pomina vẫn nằm trong top5 thị trường thép Việt Nam, bao gồm Hoà Phát, VnSteel, Formosa Hà Tĩnh, Vinakyoei và Pomina. Nhưng số liệu 9 tháng đầu năm của Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, Pomina đứng vị trí cuối cùng trong top5 với vỏn vẹn 4,3% thị phần.

Cuộc soán ngôi của Hòa Phát với "cựu vương" thép xây dựng Pomina: Sự khác biệt từ lựa chọn "đúng người, đúng thời điểm" - Ảnh 2.

Khi soán ngôi Pomina, Hoà Phát vẫn tập trung thị trường miền Bắc với 90% sản lượng tại đây trong khi Pomina bán chủ yếu ở miền Nam. Tuy nhiên đến nay, với việc đầu tư Khu liên hợp gang thép Dung Quất, Hoà Phát đã “tấn công” cả 2 khu vực.

Theo Ngô My

Cùng chuyên mục
XEM