Cuộc khủng hoảng ly hôn ở Trung Quốc thời Covid-19 réo hồi chuông cảnh báo với phần còn lại của thế giới trong đại dịch

01/04/2020 20:08 PM | Xã hội

Tháng 3, số đơn xin ly hôn ở Trung Quốc tăng vọt khi các cặp vợ chồng trải qua những tháng ngày "mắc kẹt" ở nhà cùng nhau khi dịch bệnh bùng lên ở Trung Quốc. Nó cũng là hồi chuông cảnh báo tới phần còn lại của thế giới.

Khi đại dịch Covid-19 bùng lên khắp Trung Quốc, cô Wu, một người nội trợ 30 tuổi ở miền nam tỉnh Quảng Đông, mắc kẹt ở nhà 2 tháng với người chồng thất nghiệp. Họ liên tiếp cãi vã. Wu, người từ chối nêu tên đầy đủ vì muốn giữ sự riêng tư, kể ra một loạt những điều khiến mối quan hệ của vợ chồng cô rạn nứt như tiền (quá ít), thời gian cách ly (quá dài) và công việc cũng như chăm sóc con nhỏ (không đều).

Điều khiến Wu đặc biệt khó chịu là chồng cô hay đưa 2 con nhỏ đi chơi vào buổi tối khi đáng lẽ chúng phải đi ngủ. "Anh ta là kẻ gây rắc rối trong nhà. Tôi không muốn chịu đựng nữa. Chúng tôi đã đồng ý ly hôn và đang tìm luật sư cho việc này", Wu cho biết.

Mặc dù Trung Quốc chỉ công bố số liệu thống kê ly hôn theo năm nhưng thông tin từ các thành phố khác nhau cho thấy bất ổn hôn nhân ở nước này gia tăng mạnh vào tháng 3 khi các cặp gia đình ở nhà cùng nhau trong nhiều tháng chống dịch. Vấn đề bạo lực gia đình cũng tăng lên.

Trở lại câu chuyện ở Trung Quốc, thành phố Xian, miền trung nước này cũng như Dazhou của tỉnh Tứ Xuyên đều đang có số hồ sơ ly hôn cao kỷ lục vào đầu tháng 3, dẫn tới thời gian xử lý của chính phủ sẽ kéo dài vì ùn ứ. Thậm chí, ở thành phố Miluo của Hồ Nam, các cán bộ tiếp nhận hồ sơ còn "không có thời gian mà uống nước" khi số cặp đôi nộp đơn xếp hàng dài.

 Cuộc khủng hoảng ly hôn ở Trung Quốc thời Covid-19 réo hồi chuông cảnh báo với phần còn lại của thế giới trong đại dịch  - Ảnh 1.

Một quan chức thành phố Milou cũng nhận định rằng: "Chúng tôi đang phải nỗ lực xử lý đống hồ sơ kỷ lục trong những ngày này. Các vấn đề tầm thường trong cuộc sống lại dẫn đến những cãi vã kịch liệt giữa các cặp vợ chồng khi họ phải ở cùng nhau trong một thời gian quá dài. Việc này khiến nhiều người cảm thấy đó là một cuộc hôn nhân đáng thất vọng và đưa ra quyết định ly hôn".

Steve Li, một luật sư chuyên về ly hôn tại Thượng Hải, cho biết số hồ sơ mà công ty luật của ông nhận đã tăng 25% kể từ khi thành phố phong tỏa. Trước đây, ngoại tình là lý do số 1 khiến các khách hàng tìm tới Li để ly hôn. Tuy nhiên, việc phải ở nhà trong thời gian quá dài đang thay đổi điều này. Nghỉ dịch rõ dàng không giống như nghỉ Tết hay nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới ở phương Tây.

Gần như diễn ra đồng thời với dịp nghỉ Tết, nhiều cặp vợ chồng ở Trung Quốc mắc kẹt nhiều tháng ở cùng nhau dưới 1 mái nhà theo đúng nghĩa đen, đôi khi có nhiều thế hệ. Nghịch lý xảy ra. Càng dành nhiều thời gian bên nhau hơn, người ta lại càng ghét nhau, nhất là khi đó là quãng thời gian đầy áp lực cơm, áo, gạo, tiền và các mối quan hệ xã hội khác.

Tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc tăng đều đặn kể từ năm 2003 khi họ trở nên tự do hơn. Thống kê của Bộ Nội vụ, hơn 1,3 triệu cặp vợ chồng đã ly hôn trong năm đó và tăng dần trong suốt thời gian qua. Năm 2018, số người ly hôn ở Trung Quốc là 4,5 triệu người. Năm 2019, số cặp đôi ly hôn là 4,15 triệu, thấp hơn một chút so với kỷ lục của năm trước.

Trước khi tỷ lệ ly hôn tăng mạnh, giới chức Trung Quốc từng hy vọng rằng việc dịch bệnh bùng phát, buộc nhiều người phải ở trong nhà, sẽ khiến gia tăng tỷ lệ sinh ở Trung Quốc. Kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, tỷ lệ sinh của nước này đang ở mức thấp kỷ lục bất chấp việc nới lỏng chính sách sinh đẻ đã được Trung Quốc ban hành.

Thậm chí, nhiều đô thị ở Trung Quốc đã treo các khẩu ngữ, băng rôn khuyến khích các cặp vợ chồng tăng tỷ lệ sinh để hỗ trợ đất nước. "Khi các bạn ở nhà vì dịch, khi mà chính sách một con đã được nơi lỏng, sinh thêm con là góp phần giúp đỡ đất nước", một khẩu ngữ của Phòng kế hoạch hóa gia đình ở Luoyang, trung tâm tỉnh Hà Nam được treo ở nhiều nơi. Hiện tại, chưa thể xác định được hiệu quả của những nỗ lực này.

Ngược lại, tình trạng vợ chồng xung đột được báo chí đăng tải nhiều. Cùng với đó, tình trạng bạo lực gia đình cũng tăng mạnh, gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà hoạt động cũng cảnh báo tình trạng bạo lực gia đình đang có dấu hiệu tăng nhanh ở Trung Quốc khi các cặp vợ chồng dành quá nhiều thời gian mắc kẹt với nhau.

 Cuộc khủng hoảng ly hôn ở Trung Quốc thời Covid-19 réo hồi chuông cảnh báo với phần còn lại của thế giới trong đại dịch  - Ảnh 2.

Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng hậu quả của những tháng xung đột có thể cần thêm nhiều tháng nữa để giải quyết. Nếu không thể hàn gắn, tỷ lệ ly hôn có thể sẽ tiếp tục tăng. Đại dịch SARS năm 2002-2003 ở Hồng Kông, Trung Quốc đã cho thấy điều đó. Một năm sau khi dịch bệnh bùng phát, tâm lý lo lắng, bao gồm cả trầm cảm và tình trạng ly hôn ở đặc khu hành chính này vẫn cao hơn 21% so với năm trước đó.

Nếu so với Covid-19, SARS gây ra tổn thất về nhân mạng là không đáng kể. Với 1.800 người nhiễm và 299 người thiệt mạng ở Hồng Kông cùng 5.300 người mắc và 336 người chết tại Trung Quốc, SARS chỉ gây thiệt hại không đáng kể so với hơn 80.000 trường hợp nhiễm và 3.300 ca tử vong. Người ta lo sợ hậu quả tâm lý mà Covid-19 để lại sẽ tồi tệ hơn so với SARS.

Xu hướng đã diễn ra ở Trung Quốc có thể là một cảnh báo nghiêm túc với các cặp vợ chồng ở Mỹ hay các nước châu Âu, những người đang bắt đầu chuỗi ngày cách ly ở nhà cùng nhau. Việc ở cùng nhau quá nhiều có thể làm phát sinh thêm nhiều vấn đề mà thường ngày, họ sẽ không gặp phải cả hai đều phải đi làm và có ít thời gian bên nhau hơn.

 Cuộc khủng hoảng ly hôn ở Trung Quốc thời Covid-19 réo hồi chuông cảnh báo với phần còn lại của thế giới trong đại dịch  - Ảnh 3.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM