Cuộc đua tăng vốn của “giới buôn tiền”: Vietcombank trở lại ngôi vương, BIDV và VietinBank ‘ngậm ngùi’ xếp sau hai nhà băng tư nhân
Với phương án tăng vốn 27.666 tỷ đồng, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng, cao nhất hệ thống.
Chiều 30/11, Vietcombank được Quốc hội chấp chủ trương tăng vốn với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 74.8% vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phiếu. Với phương án này, Vietcombank sẽ phát hành thêm tổng 27.666 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 83.557 tỷ đồng, mức cao nhất trong hệ thống tổ chức tín dụng hiện nay.
Lần gần đây nhất Vietcombank duy trì vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng vốn điều lệ đã cách đây hơn hơn 16 năm, từ 2008. Khi đó, Vietcombank dẫn đầu về vốn điều lệ với hơn 12.101 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là Agribank (11.279 tỷ đồng), VietinBank (11.215 tỷ đồng), BIDV (10.480 tỷ đồng), tại thời điểm kết năm 2008.
Nửa thập kỷ gần đây, bảng xếp hạng quy mô vốn của các nhà băng có sự xáo trộn mạnh. Khối ngân hàng quốc doanh, vốn chiếm vị thế dẫn đầu về tổng tài sản, quy mô cho vay và vốn trong hai thập kỷ trước đó, bị nhóm tư nhân dần vượt qua.
Song, sau khi được Quốc hội chấp nhận phương án tăng vốn, hiện, Vietcombank trở lại ngôi vương về vốn điều lệ trong toàn hệ thống với số tiền 83.557 tỷ đồng. Với nguồn lực được bổ sung, Vietcombank sẽ đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, tăng tiềm lực và hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém.
Xếp sau, VPBank và Techcombank đang đạt quy mô vốn điều lệ lần lượt hơn 79.300 tỷ và hơn 70.400 tỷ đồng. Mức này cao hơn 20.000 tỷ so với BIDV - ngân hàng quốc doanh đang đứng ở top 4 và 22.000 tỷ đồng so với VietinBank.
So với nhóm quốc doanh, các nhà băng tư nhân có phần dễ dàng hơn trong câu chuyện tăng vốn. Năm 2018, lần đầu tiên một nhà băng tư nhân chen chân trong top 3 quy mô vốn điều lệ ngành ngân hàng. Quý II năm nay, hai trong bốn vị trí top đầu ở bảng xếp hạng về quy mô vốn điều lệ, luôn xuất hiện VPBank và Techcombank.
Việc tăng vốn của nhóm này chỉ cần sự đồng thuận của cổ đông và đáp ứng các quy định về giới hạn sở hữu.
Như trường hợp VPBank, ngân hàng này chỉ mất hơn hai năm để vươn thành nhà băng đứng đầu quy mô vốn điều lệ. Cuối năm 2022, VPBank phát hành cổ phiếu cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận chưa chia và các quỹ với tỷ lệ 50%, tăng vốn thêm hơn 22.000 tỷ đồng. Một năm sau đó, nhà băng này phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Sumitomo, tăng tiếp vốn thêm gần 12.000 tỷ đồng.
Tương tự, Techcombank, với "truyền thống" không trả cổ tức để dồn cho các đợt tăng vốn lớn, vừa hoàn tất việc nâng vốn lên gấp đôi từ 35.200 tỷ lên hơn 70.000 tỷ đồng trong một đợt.
Với ngân hàng, quy mô vốn điều lệ được xem là "tấm đệm dự phòng rủi ro". Đây là cấu phần đánh giá một số chỉ tiêu về an toàn hoạt động. Không tăng vốn, trong khi tín dụng mở rộng liên tục, khiến một số chỉ tiêu an toàn của nhóm quốc doanh ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ an toàn vốn (CAR).
Trong tương lai, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, vốn điều lệ của BIDV có thể tăng lên hơn 70.000 tỷ đồng nếu chia cổ tức và phát hành thêm cổ phiếu. Quy mô vốn của VietinBank cũng tăng hơn 11.000 tỷ nếu dùng lợi nhuận để lại năm 2022, chưa tính các năm tiếp theo.