Cuộc đối thoại kinh điển giữa mẹ và con: Không học không chết, thái độ như nào mới quan trọng
Khi trẻ học cấp một phải coi trọng thái độ, cấp hai coi trọng phẩm hạnh, cấp ba phải coi trọng phẩm chất, ở đại học phải coi trọng thành tích, tương lai phải coi trọng sự lựa chọn, không thể đảo ngược.
Cuộc đối thoại giữa mẹ và cậu con trai sinh viên năm nhất
Con trai: Mẹ ơi con muốn hỏi mẹ một chút có được không ạ?
Mẹ: Có thể chứ! Con nói xem mẹ có giúp được gì cho con không?
Con trai: Mẹ có hài lòng về kết quả học tập của con không ạ?
Mẹ: Vậy con có hài lòng về những gì mình đạt được trong học tập không?
Con trai: Cũng tạm được ạ, con thấy khá tự tin về những gì mình đã cố gắng.
Mẹ: Con ạ, đôi khi sự tự tin còn quan trọng hơn cả thành tích.
Con trai: Nhưng mẹ thực sự không quan tâm đến thành tích học tập của con sao?
Mẹ: Ừ mẹ thực sự không quan tâm đến nó, con không thấy thế sao?
Con trai: Hồi học lớp 3, con làm bài không nghiêm túc, mẹ có nhớ lúc ấy mẹ đã xé vở của con không ạ. Con lại nghĩ là mẹ rất quan tâm đấy.
Mẹ: Chính xác là mẹ để ý đến thái độ học tập của con. Không cần phải viết chữ quá đẹp quá nắn nót nhưng con cần phải làm bài nghiêm túc. Thái độ là một vấn đề quan trọng, không chỉ trong học tập, công việc mà ngay cả trong cuộc sống. Nếu con giữ thái độ đúng đắn thì mẹ tin chuyện gì cũng làm được.
Con trai: Con hiểu rồi, nhưng con vẫn băn khoăn là những năm học cấp hai, ngày nào về nhà mẹ cũng hỏi xem con có chú ý nghe giảng không mà...
Mẹ: Đó là mẹ để ý đến đạo đức trong học tập của con. Học sinh không nghiêm túc trong giờ học tức là không kính trọng thầy cô giáo. Thầy cô đã vất vả soạn giáo án, tìm kiếm những phương pháp dạy tốt nhất để truyền tải tới học sinh mà học sinh lại ngồi nói chuyện, làm việc riêng, ngủ gật. Con thử nghĩ xem, người không tôn trọng thầy cô giáo là người không coi trọng tri thức, không coi trọng tri thức thì con có nghĩ đạo đức của người ấy có tốt hay không?
Con trai: Vâng đúng vậy, nhưng con phải khẳng định là khi con học cấp ba mẹ rất quan tâm đến việc học của con vì liên quan đến thi đại học mà.
Mẹ: Không con yêu à, điều mà mẹ quan tâm nhất chính là chất lượng học tập của con. Một học sinh có đủ phẩm chất học tập tốt thì có thể tiếp thu tốt cả một quá trình học tập. Những người như thế luôn cố gắng hết mình dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa...
Con trai: Vậy con nghĩ khi con học đại học thì mẹ cũng không quan tâm lắm, các anh chị khóa trên đều nói với con rằng lên đại học tự do hơn, có nhiều thời gian để chơi hơn, không cần để tâm vào học hành mấy.
Mẹ: Con à, khi con lên đại học thì mẹ lại quan tâm đến thành tích của con đấy. Con biết tại sao không, bởi vì sinh viên nào cũng cố gắng tận hưởng thời gian vui vẻ ấy mà con vẫn kiên trì, tiếp thu, học hỏi những kiến thức, kĩ năng cần thiết phục vụ cho bản thân thì cuối cùng con sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất, đúng không? Rồi tất cả những thứ ấy sẽ giúp con khỏi bỡ ngỡ khi bước vào xã hội, lựa chọn sự nghiệp, lựa chọn tình yêu, chính là hai điều sẽ theo con suốt cuộc đời.
Giáo dục, trách nhiệm không chỉ của riêng nhà trường
Giáo dục luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu và vô cùng quan trọng của mỗi quốc gia phát triển. Đó là lí do vì sao người ta luôn ngưỡng mộ những nền giáo dục lớn như của các nước châu Âu hay Nhật Bản. Giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ thuộc riêng về nhà trường mà còn phụ thuộc phần lớn vào cha mẹ học sinh.
Giáo dục là một trách nhiệm nặng nề đặt lên đôi vai của nhà trường và phụ huynh nhưng lại là một nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng. Ngoài những giờ học ở trên lớp, các bậc phụ huynh nên dành thời gian để học tập và vui chơi cùng con, xây dựng thái độ đúng đắn cho con đối với việc học và định hướng con đường tương lai.
Không ít các bậc phụ huynh luôn quá coi trọng thành tích học tập trên lớp của con nên ngoài việc hỏi điểm số khi đón con về, họ cũng không hỏi thêm câu gì nữa. Vì vậy, vô tình câu hỏi đó trở thành một đòi hỏi nặng nề và áp lực vô hình với các bé, nhất là đối với những bé mới bước vào lớp 1. Đối với các bé, chắc hẳn việc học vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, nhưng chưa kịp tìm hiểu và muốn say mê với nó thì bản thân các bé đã nhận được những áp lực từ các bậc phụ huynh, từ đó có những thái độ lệch lạc với việc học.
Với trẻ em, xây dựng thái độ nghiêm túc và tạo hứng thú với việc học là điều cần hơn cả khi chúng bắt đầu bước chân vào con đường học tập lâu dài. Giáo dục của Nhật Bản là một trong những nền giáo dục đáng ngưỡng mộ của thế giới. Bộ môn mà trẻ em Nhật phải dành phần lớn thời gian ra học là môn đạo đức. Giáo dục Nhật hướng tới việc đứa trẻ nào khi lớn lên cũng phải trở thành một công dân tốt, có ích và cống hiến cho xã hội.
Quay lại với câu chuyện trên, trình tự yêu cầu đối với việc học của con mà người mẹ nêu ra là không thể đảo ngược, bởi nó gắn chặt với sự phát triển thể chất và hình thành nhân cách của mỗi con người. Một cô bé 6 tuổi cần có thời gian để vui chơi với bạn bè chứ không phải dành toàn bộ thời gian để ngồi học, một cậu bạn 15 tuổi bắt đầu muốn có những buổi đi chơi tán gẫu với bạn bè chứ không phải dành toàn bộ thời gian để suy ngẫm về cuộc đời và đưa ra những lựa chọn đúng đắn.
Quy trình mà người mẹ yêu cầu đối với con mình chính là để nuôi dưỡng nên một cá nhân vừa có đức vừa có tài. Vì vậy, bậc làm cha làm mẹ cũng phải học hỏi và hoàn thiện bản thân không ngừng. Nó đòi hỏi sự nhẫn nại, sự thấu hiểu, nhận thức sâu sắc về giá trị thật sự của một con người từ đó từng bước định hướng nhưng không gây áp lực lên bước đường quan trọng của con.