Cuộc đời Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ: Xuất gia từ năm 6 tuổi, gần trăm năm vẫn gắn bó dưới mái cổ tự Viên Minh

21/10/2021 15:37 PM | Sống

Do tuổi cao sức yếu, Đức Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viên tịch lúc 03h22 phút ngày 21/10 (tức ngày 16 tháng 9 năm Tân Sửu) tại Tổ đình Viên Minh xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Một đời vì Phật pháp của Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ

Xuất gia từ năm 6 tuổi tại ngôi chùa nhỏ ở quê nhà

Theo thông tin từ VietnamNet, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh là Bùi Văn Quý, sinh năm 1917, tại thôn Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ngài xuất gia năm 1923, tại chùa Quán, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh.

Sau 2 năm tu tập, đến 8 tuổi, ông thụ Sa di giới (giới đầu tiên một vị tu sĩ được thọ nhận để tu học, gồm 10 giới).

Năm 1934, Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ bắt đầu tu học tại chùa Viên Minh (tỉnh Hà Tây, nay là TP.Hà Nội).

Năm 1937, tức năm ông vừa tròn 20 tuổi đã thọ giới Tỳ kheo (hay còn gọi là Đại giới, gồm 250 giới với tăng) do Hoà thượng Thích Quảng Tốn làm Hòa thượng đàn đầu và Bồ tát giới tại chùa Bút tháp (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).

Từ năm 1953 đến 1958, ông tu học và hoằng pháp tại chùa Kim Đới (TP.Hải Phòng). Sau đó, ông dừng chân tại Đa Bảo sơn môn.

Từ tháng 10/1958 cho đến nay, Trưởng lão Hoà thượng trụ trì chùa Viên Minh (chùa Giáng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội).

Năm 1961, ông kế vị thầy tổ, làm trưởng sơn môn thứ ba của sơn môn Viên Minh - Đa Bảo; tu hành ẩn cư.

Những cống hiến vĩ đại cho Phật pháp

Theo VTC, từ năm 1987 đến nay, Đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ giữ nhiều chức vụ trong Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Tổ đình Viên Minh Hà Tây; Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây; Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây; Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường Trực Hội đồng trị sự, Phó Trưởng ban Giáo dục tăng ni Trung ương; Phó ban Ban Tăng sự Trung ương; Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; ngài từng kinh qua Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VI (2007), Đại Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ được Đại hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trở thành Pháp chủ thứ ba của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (sau Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch).

Ngày 2012, Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VII thống nhất tái suy tôn Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ giữ ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cuộc đời Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ: Xuất gia từ năm 6 tuổi, gần trăm năm vẫn gắn bó dưới mái cổ tự Viên Minh - Ảnh 1.

Đức pháp chủ Thích Phổ Tuệ. Ảnh: Giáo hội Phật giáo VN


Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, trên đường tu học, dấu chân của Hoà thượng trải khắp các tổ đình vùng châu thổ sông Hồng. Trải qua những ngày quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng, làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ, Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ vẫn một lòng son sắt với cửa Phật.

Đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ chưa từng học qua một trường lớp chính quy nào. Tất thảy vốn kiến thức có được đều nhờ kiên trì tự học và là vị giáo phẩm nổi tiếng uyên thâm về Phật học và Hán học.

Sự nghiệp phiên dịch kinh sách, trước tác của Đức Trưởng lão Hoà thượng nổi bật với các tác phẩm: Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát nhã dư âm, Đại từ điển Phật học, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, biên tập, Đại tạng kinh Việt Nam, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần…

Tu hành gần trăm năm vẫn gắn bó với mái chùa làng thanh tịnh

Mặc dù ở ngôi vị Pháp chủ nhưng Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không trú tại Trụ sở Giáo hội ở Hà Nội mà vẫn trụ trì tại chùa Viên Minh - một ngôi chùa làng có diện tích khá khiêm tốn nhưng thanh tịnh. Đây cũng chính là nơi vị pháp sư nổi tiếng Nguyên Uẩn đã sáng lập năm 1900, là một trong ba trung tâm truyền dạy Phật giáo lớn nhất thời đó.

VTC cho hay, suốt cuộc đời của mình, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, ông luôn cùng môn đệ xắn tay cày cấy nuôi thân, đến 80 tuổi mới thôi. Ở tuổi bách niên, không còn ra đồng trồng lúa được nữa, nhưng hàng ngày, Trưởng lão Hoà thượng vẫn làm vườn, dọn dẹp trong chùa.

"Sống được bao nhiêu năm không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghị.

Tôi trụ thế đến nay đã hơn trăm năm, ở chùa cũng đã gần trăm năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, đồng tiền của tín thí thập phương, bao giờ chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi" - hòa thượng Thích Phổ Tuệ vẫn minh mẫn chia sẻ với Tuổi Trẻ khi tuổi đã cao.

Cuộc đời Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ: Xuất gia từ năm 6 tuổi, gần trăm năm vẫn gắn bó dưới mái cổ tự Viên Minh - Ảnh 2.

Gần trăm năm Hòa thượng Thích Phổ Tuệ vẫn gắn bó với ngôi chùa làng (Ảnh: VTV)


Đức Pháp chủ cũng nói thêm về lý do ở lại chùa: "Tôi ở đây là để giữ gìn nghiệp tổ để lại. Gần trăm năm xuất gia tu hành, tôi cũng chưa từng đến nơi phồn hoa đô hội, chưa xuất ngoại lần nào, quen ở nơi vắng vẻ".

"Tôi là người cao tuổi, xuất gia lâu năm nên được các chư tăng ủy thác vào ngôi Pháp chủ. Chứ ngôi vị Pháp chủ theo nghĩa cứu cánh tuyệt đối thì chỉ có một vị có đầy đủ phúc đức, trí tuệ để gìn giữ, đó là Đức Thích Ca Mâu Ni" - hòa thượng Thích Phổ Tuệ nói.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Pháp chủ đối với đạo pháp và dân tộc, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN quyết định tổ chức Lễ tang theo nghi thức cao nhất của GHPGVN.

Hội đồng Trị sự cho biết trước khi viên tịch, Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ có khẩu dụ: Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình. Nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh.

Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của tăng ni và phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hoà bình, nhân sinh an lạc, Zing thông tin.

Theo cáo phó của Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lễ nhập kim quan hòa thượng Thích Phổ Tuệ chính thức cử hành vào lúc 13h ngày 21/10 (tức ngày 16 tháng 9 năm Tân Sửu).

Kim quan hòa thượng được tôn trí tại Tổ đình Viên Minh (chùa Giáng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Lễ viếng chính thức từ 7h ngày 22-10 đến hết ngày 23-10 (từ ngày 17 đến ngày 18 tháng 9 năm Tân Sửu).

Lễ truy điệu được cử hành lúc 9h ngày 24-10 (ngày 19 tháng 9 năm Tân Sửu), sau đó cung thỉnh kim quan Đại lão hòa thượng nhập Bảo tháp trong khuân viên Tổ đình Viên Minh (chùa Giáng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.


Pháp chủ Giáo hội Phật giáo có ý nghĩa thế nào?

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Pháp chủ danh xưng đầy đủ là Pháp Chủ Hội đồng Chứng minh hay Thiền gia Pháp chủ, là danh xưng với người người lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Chức danh này được Đại hội đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Hội đồng Chứng Minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm.

Pháp chủ là người đứng đầu Hội đồng Chứng minh, thay mặt Hội đồng Chứng minh ban hành các Giáo chỉ, các văn bản quan trọng nhất, đại diện cho Giáo hội trong các hoạt động đối ngoại.

Ngôi vị Pháp chủ chỉ do Đại hội Phật giáo toàn quốc suy cử một vị Hòa thượng, và tại vị đến suốt đời. Trên thực tế, ngôi vị này chỉ có vai trò đại diện chứ không trực tiếp tham gia điều hành, và không có thực quyền quyết định.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi thành lập năm 1981 cho đến nay có ba vị Pháp chủ là: Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897 - 1993), Đại lão hòa thượng Thích Tâm Tịch (1915 - 2005), Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (1917 - 2021).

Trong thời gian 2005 - 2007, do Đệ nhị Pháp chủ Thích Tâm Tịch đã viên tịch mà chưa tổ chức Đại hội Phật giáo, nên chức danh Pháp chủ khuyết chỗ.

Dưới Pháp chủ là Phó Pháp chủ, đây là một chức vụ giáo phẩm cao cấp thường dành cho các Đại Lão Hòa thượng có tuổi Hạ rất cao trong Hội đồng Chứng Minh, cũng có trường hợp không trong hội đồng chứng minh nhưng được bổ sung. Các Vị này thường được thỉnh đi chứng minh, tham dự các buổi lễ quan trọng, các sự kiện lớn, thường được ngồi tại vị trí cao nhất của Lễ Đài.

Trong các Phó Pháp chủ có một vị gọi là Phó Pháp chủ Kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng Minh, thường thì sau khi Pháp chủ viên tịch thì vị Phó Pháp chủ đứng đầu này sẽ đăng quang lên ngôi Pháp chủ ở nhiệm kỳ sau. Đây là chức vụ mang tính Kế cận cho chức Pháp chủ.

PV (T/h)

Cùng chuyên mục
XEM