Cuộc đời "bà tổ nghề" pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê

11/06/2018 08:43 AM | Xã hội

Vượt lên mọi định kiến về phụ nữ trong xã hội, bà Frances đã trở thành nữ đội trưởng cảnh sát đầu tiên của Mỹ và để lại một "gia tài" quý báu chính là bộ sưu tập nhà búp bê mô phỏng hiện trường vụ án mà đến ngày nay vẫn được dùng làm tài liệu giảng dạy trong trường cảnh sát.

Một ngày đầu tháng 4 năm 1944, một người phụ nữ tên Robin Barnes đã bị sát hại ngày trong nhà bếp. Thi thể của cô nằm sóng soài trên sàn nhà, phía trước chiếc tủ lạnh đang mở tung cửa. Chồng của cô ta, Fred, vừa đi công việc về nhà thì phát hiện cả cửa nhà và cửa sổ đều đã bị khóa từ bên trong. Nhìn xuyên qua cửa sổ, Fred kinh hoàng nhận thấy điều chẳng lành đã xảy đến cho vợ và nhanh chóng gọi cho cảnh sát. Chuyện gì đã xảy ra với Robin?

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 1.

Đừng vội hoang mang, Robin thật ra chỉ là một nhân vật tưởng tượng mà thôi - chính xác hơn đó là một con búp bê được tạo nên dưới bàn tay tài hoa của bà Frances Glessner Lee. Theo thông tin từ viện khoa học Smithsonian, bà Francess là người phụ nữ đầu tiên trở thành đội trưởng cảnh sát ở Mỹ, là một trong những nhà tội phạm học hàng đầu thời bấy giờ. Tất cả những gì xảy ra cho Robin được bà Frances dựng lại qua một ngôi nhà búp bê đúng nghĩa và dùng để hướng dẫn cho các cảnh sát điều tra về những quy trình thu thập chứng cứ, kiểm tra hiện trường vụ án.

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 2.

Bà Frances được mệnh danh là “mẹ đẻ ngành khoa học pháp y”. Những đóng góp của bà trong lĩnh vực này vô cùng đa dạng nhưng điều khiến mọi người nhớ về bà nhiều nhất chính là bộ sưu tập 20 ngôi nhà búp bê được mô phỏng theo hiện trường vụ án vô cùng tỉ mỉ chẳng khác gì những tác phẩm nghệ thuật độc đáo với tên gọi The Nutshell Studies of Unexplained Death. Những ngôi nhà này được thực hiện dựa vào các vụ án có thật, từ hình ảnh chụp hiện trường đến lời khai của các nhân chứng. Cho đến ngày nay, hơn nửa thế kỷ sau khi bà Frances qua đời, những tác phẩm của bà vẫn được sử dụng để huấn luyện các sĩ quan cảnh sát.

Sinh ra đã “ngậm thìa vàng” nhưng cô tiểu thư đài các mê trinh thám chỉ muốn dấn thân vào “lĩnh vực chỉ dành cho đàn ông”

Bà Frances sinh năm 1878 tại Chicago trong một gia đình giàu có. Bố bà sở hữu một công ty sản xuất máy móc nông nghiệp rất thành công, chính vì thế ngay từ khi còn bé, bà Frances đã sống trong nhung lụa, được chiều chuộng yêu chiều hết mực.

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 3.

Chỉ có một điều khiến bà Frances chán nản đó chính là tư tưởng phân biệt nam nữ cổ hủ rất phổ biến ở thời đại bấy giờ. Cả hai anh em bà Frances đều được học ở nhà, thế nhưng khi anh trai bà được theo đuổi con đường học tập tại Harvard thì bà, ở độ tuổi 19, đã bị bắt đi lấy chồng. Trong quan niệm của bố bà, phụ nữ chẳng cần phải học gì nhiều, chỉ cần lấy chồng sinh con, chăm sóc tốt cho gia đình là được.

Chẳng ai trong nhà biết được, bên cạnh sở thích chơi búp bê, ngay từ khi còn bé bà Frances luôn có niềm đam mê mãnh liệt với những vụ án kỳ bí, đặc biệt là những cuộc phiêu lưu của thám tử Sherlock Holmes. Bà luôn mơ ước có thể trở thành một bác sĩ hay y tá, nhưng dường như tất cả những điều đó đối với bà quá xa vời giữa một xã hội mà vài trò của phụ nữ chỉ quanh quẩn nơi góc nhà xó bếp.

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 4.

Năm 20 tuổi, bà Frances lấy chồng và lần lượt sinh được 3 người con. Tuy vậy, giấc mơ về một ngày được dấn thân vào lĩnh vực chỉ dành cho đàn ông hay được làm nhưng điều mình yêu thích chưa bao giờ nguôi trong tim bà. Bà đã từng nhiều lần chia sẻ với bạn bè niềm khao khát theo đuổi ngành pháp y nhưng bất cứ ai nghe xong cũng đều bật cười xua tay. Họ xem đó là điều vượt quá khả năng của một người phụ nữ và là một tham vọng chẳng bao giờ bà Frances có thể thực hiện được.

Chỉ cần có sự đam mê, không bao giờ quá trễ để thực hiện ước mơ

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 5.

Năm 1914, bà Frances và chồng ly hôn. Đến năm 1931, cả bố và anh trai đều qua đời, bà Frances chính thức thừa hưởng cơ ngơi đồ sộ của gia đình. Trở thành một người tự do không còn bất cứ ràng buộc tinh thần nào, bà Frances nhận ra rằng đây chính là lúc bà phải sống cho bản thân mình, sống theo những điều mình mơ ước dù khi ấy bà đã ngót nghét 53 tuổi.

Đầu tiên, bà đã đứng ra thành lập Khoa Y học Pháp lý tại Harvard - đây là chương trình đào tạo lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ. Ba năm sau đó, bà quyên tặng một bộ sưu tập lớn các loại sách và bản thảo chuyên ngành cho khoa, sau này tủ sách này trở thành Thư viện Y học Pháp lý Magrath. Đến năm 1936, bà tiếp tục quyên thêm 250.000 USD (xấp xỉ 4.4 triệu USD hiện nay) để hỗ trợ chương trình đào tạo.

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 6.

Sự hào phóng đã giúp bà Frances tiếp cận với ngành pháp y nhưng nhờ vào những nỗ lực với kiến thức sâu rộng và các kỹ năng đặc biệt, dù không trải qua đào tạo chính thống hay có bất cứ bằng cấp nào, bà đã trở thành nữ đội trưởng cảnh sát đầu tiên của bang New Hampshire. Bà cũng là giám đốc giáo dục của bộ phận cảnh sát, dẫn đầu việc tổ chức các hội thảo và chương trình đào tạo các sĩ quan. Khoảng thời gian này cũng là lúc bà bắt tay vào thực hiện các tác phẩm nhà búp bê để đời của mình.

Cả thập kỷ dựng nhà búp bê để làm tài liệu dạy học

Bắt đầu từ những năm 1940, bà Frances bắt đầu sử dụng nhà búp bê để hướng dẫn cho cảnh sát, thám tử cách phân tích một hiện trường vụ án và điều quan trọng nhất là họ phải tìm kiếm điều gì khi tiếp cận hiện trường.

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 7.

Thông thường khi các nhân viên giám định y tế đến hiện trường thì cảnh sát đã có mặt từ trước đó. Họ có thể di chuyển xung quanh, đụng vào thi thể, vô tình xê dịch các vật dụng và chứng cứ tại hiện trường và vì vậy gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra sau đó. Ý tưởng của bà Frances là muốn đào tạo các cảnh sát cách tốt nhất để bước vào một hiện trường tội phạm mới, cách họ phải xem xét từng vết bẩn, từng tờ giấy vụn có thể bị bỏ sót hay từng sợi tóc nhỏ xíu… tất cả đều có thể trở thành vật chứng quan trọng của vụ án.

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 8.

Trong khoảng thời gian hơn 10 năm trời, bà Frances đã làm ra 20 ngôi nhà búp bê dựa trên những vụ án có thật với những chi tiết vô cùng tinh xảo và tỉ mỉ. Bà gọi bộ sưu tập của mình là Nutshell Studies of Unexplained Death (tạm dịch: Nghiên cứu về những cái chết không giải thích được). Mục đích cuối cùng của bà chính là có thể nhìn thấy công lý được thực thi, giải oan cho người vô tội và tìm thấy sự thật phía sau mỗi án mạng xảy ra.

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 9.

Những vụ án tái hiện lại cũng được bà Frances lựa chọn kỹ càng. Hầu hết các nạn nhân đều là phụ nữ, những người nghèo khổ, họ thường là đối tượng thường rất dễ bị xem nhẹ trong công tác điều tra. Bà Frances hy vọng nỗ lực này sẽ giúp các học viên có thể nhận ra và vượt qua những thành kiến vốn có của mình.

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 10.

Năm 1962, bà Frances qua đời ở tuổi 83, để lại nhiều nỗi tiếc nuối và xót thương đối với cộng đồng. Những di sản mà bà để lại, những đóng góp đối với ngành pháp y nói riêng và đối với việc hành trình tìm lại công lý cho xã hội nói chung, mãi là điều mà tất cả mọi người đều sẽ ghi nhớ. Cho đến ngày hôm nay, hơn nửa thế kỷ kể từ khi bà Frances mất, những ngôi nhà búp bê của bà vẫn được dùng làm tài liệu nghiên cứu trong cuộc hội thảo hàng năm được tổ chức tại Văn phòng Giám định Y khoa Baltimore, được sử dụng để giảng dạy trong chương trình đào tạo liên kết của Harvard trong ngành Khoa học Cảnh sát.

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 11.
Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 12.

Cuộc đời của bà Frances đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều cuốn tiểu thuyết hay các bộ phim trinh thám. Cuối năm 2017,  cuộc triển lãm các ngôi nhà búp bê của bà Frances được tổ chức bởi Viện khoa học Smithsonian đã thu hút được một lượng khán giả đông đảo đến tham quan và thử tài suy đoán của mình. Tất nhiên những câu trả lời cho mỗi vụ án đều được giữ bí mật và người xem sẽ phải tự sử dụng óc quan sát và khả năng phân tích để tìm ra đáp án của riêng mình.

Cuộc đời bà tổ nghề pháp y Frances Glessner Lee: Người dựng lại hiện trường án mạng từ những con búp bê - Ảnh 13.

Theo Đinh Hương

Cùng chuyên mục
XEM