Cuộc chiến tỷ đô ngoài khơi của anh trai bầu Thụy với 2 đại gia nước ngoài

27/08/2021 08:33 AM | Kinh doanh

Trong khi vẫn đang trong thời gian chờ phê duyệt vào quy hoạch cho các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng thuộc Dự thảo quy hoạch điện VIII, Bình Thuận lại vướng phải một nút thắt khó gỡ là phải ứng xử như thế nào khi 3 dự án bị chồng lấn một phần diện tích rất lớn lên tới hơn 40.000ha.

Theo đó, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đề xuất dự án điện gió ngoài khơi Tuy Phong với tổng công suất dự kiến 4.600MW, tổng mức đầu tư khoảng 368.800 tỷ đồng.

Dự án đòi hỏi khảo sát trên vùng biển khoảng 50.000ha (trong đó, diện tích sử dụng đất và mặt nước khoảng 1.200ha), chồng lấn khoảng 40.471ha với điện gió ngoài khơi Bình Thuận và điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch.

Không chỉ vậy, khu vực đề xuất dự án của Tập đoàn này còn bị chồng lấn, tác động đối với các tuyến vận tải hàng hải, khai thác, nuôi trồng, hệ sinh thái, môi trường biển và ngư trường truyền thống của người dân…

Đến trước nhà đầu tư Đan Mạch là hai dự án đã qua một số bước quy trình như triển khai lấy ý kiến, điều chỉnh vị trí, bổ sung hoàn thiện hồ sơ… UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về hai dự án này.

 Cuộc chiến tỷ đô ngoài khơi của anh trai bầu Thụy với 2 đại gia nước ngoài - Ảnh 1.

Hàng loạt dự án điện gió ngoài khơi trị giá hàng tỷ đô đang xếp hàng chờ được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VIII. Ảnh minh họa

Cụ thể, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình với dự án Điện gió ngoài khơi Bình Thuận có công suất 5.000MW, tổng vốn khoảng 287.100 tỷ đồng. Điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch 2.000MW do Công ty CP Đầu tư HLP đăng ký đầu tư, tổng vốn khoảng 102.432 tỷ đồng.

Đối với Bình Thuận, trong trường hợp cả 3 dự án đều được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII sẽ đánh dấu một bước tiến mới của tỉnh này trong việc thu hút đầu tư nói chung và lĩnh vực năng lượng nói riêng.

Tuy nhiên, với dự án có quy mô đầu tư lớn hơn cả, và đặc biệt, khi biết dự án bị chồng lấn phần lớn diện tích, Orsted cương quyết không chấp nhận nhường lại vị trí đầu tư dự án.

Được biết, Tập đoàn Orsted tiền thân là DONG Energy (Công ty dầu khí Đan Mạch), năm 2017 được đổi tên thành “Ørsted” (Orsted) với lĩnh vực hoạt động chủ yếu về phát triển, xây dựng và vận hành các trang trại gió ngoài khơi, trang trại năng lượng mặt trời và các cơ sở lưu trữ năng lượng, nhà máy năng lượng sinh học và cung cấp các sản phẩm năng lượng.

Trụ sở chính được đặt tại Đan Mạch và Chính phủ Đan Mạch sở hữu 50,1% cổ phần. Orsted đã lắp đặt khoảng 5,6GW công suất gió ngoài khơi và đang xây dựng thêm dung lượng 4,3GW. Tổng công suất gió ngoài khơi mà tập đoàn này tham vọng lắp đặt được trên toàn thế giới vào năm 2025 là 15GW.

Thành viên trong liên danh với Scatec Solar ASA đến từ Na Uy, Công ty CP Đầu tư HLP – HLP Invest thành lập từ năm 2017, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện.

Trước khi đồng hành với đối tác Na Uy, ở bước đề xuất nghiên cứu lập dự án, HLP Invest từng nằm trong liên danh 3 công ty (cùng Công ty CP Xây dựng và thương mại Đông Sơn và Công ty CP Năng lượng Mirat Việt Nam). Tuy nhiên, sau đó HLP Invest là cái tên duy nhất còn lại ở liên danh này, do 2 thành viên còn lại không đủ năng lực.

 Cuộc chiến tỷ đô ngoài khơi của anh trai bầu Thụy với 2 đại gia nước ngoài - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thiện

Đáng chú ý, trong “cuộc chiến” tỷ đô này, Xuân Thiện là nhà đầu tư “thuần Việt” duy nhất. Được biết Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình thuộc hệ sinh thái của Xuân Thiện Group với Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Văn Thiện, một đại gia kín tiếng ngành điện và cũng chính là anh trai của bầu Thụy.

Tính đến tháng 9/2020, vị chủ tịch này nắm 55% cổ phần Xuân Thiện Group, 45% còn lại thuộc sở hữu bởi người nhà ông Thiện, trong đó có bầu Thụy.

Đi vào hoạt động kể từ năm 2000, Xuân Thiện Group thông qua nhiều công ty thành viên tập trung sản xuất điện và xi măng - lĩnh vực truyền thống của Tập đoàn mẹ (Thai Group). Tuy nhiên, Thai Group cũng giao trọng trách thực hiện đầu tư ra nước ngoài các dự án về thủy điện, xi măng và khách sạn nghỉ dưỡng cho Xuân Thiện Group.

Năm 2014, khi Xuân Thiện Ninh Bình trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất quân đầu tư thủy điện vào Cameroon (Châu Phi) đã đánh dấu bước ngoặt tên tuổi của Xuân Thiện Group. Cũng ở lĩnh vực sản xuất điện, riêng Xuân Thiện đang đầu tư khai thác khoảng hơn 20 dự án trong và ngoài nước.

Ngoài dự án điện gió lớn tại Bình Thuận, Xuân Thiện Group cũng là chủ đầu tư cụm dự án điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp tại Đắk Lắk có tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và lớn thứ hai thế giới. Có thể thấy tập đoàn này đang nuôi tham vọng phát triển hơn nữa với mảng điện từ năng lượng tái tạo.

Nguyễn Ánh

Từ khóa:  bầu Thụy
Cùng chuyên mục
XEM