Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Chuyển nhà máy sang Việt Nam có khả thi?
Trong khi thuế một số mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ chỉ tăng thêm 10-15%, thì chi phí di dời nhà xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam lại tăng tới 25-30%...
Đây là một trong những lưu ý được Trung tâm Thông tin Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF) nhấn mạnh trong Báo cáo "Kinh tế thế giới 2018 và triển vọng 2019: Những tác động tới Việt Nam" công bố mới đây.
Cụ thể, theo tính toán của NCIF, một số mặt hàng như gạch ốp lát, đồ gỗ… của Trung Quốc thuế sẽ tăng 10-15% trong khi nếu chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, chi phí sản xuất sẽ cao hơn từ 25-30%.
"Nguyên nhân là bởi năng suất lao động vẫn ở mức thấp, hiệu quả kinh doanh không cao khi ưu thế về môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa thực sự vượt trội so với Thái Lan hay Indonesia… để thu hút nhà đầu tư Mỹ quyết định chuyển nhà xưởng sang Việt Nam", ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Ban Kinh tế thế giới (NCIF), nhận định.
Vì vậy, dù có tới 1/3 số doanh nghiệp Mỹ thông báo việc cân nhắc dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, nhưng theo NCIF, quá trình dịch chuyển sẽ không dễ dàng vì việc đầu tư và kinh doanh tại Trung Quốc vẫn đem lại những lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp của nền kinh tế số một thế giới và bản thân Trung Quốc vẫn là đầu mối của chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng theo tính toán của NCIF, mặc dù Mỹ tuyên bố áp dụng trên 6.000 dòng thuế tập trung vào các mặt hàng như trang thiết bị, máy móc đầu vào và linh kiện, đặc biệt là những hàng hoá liên quan tới "Made in China 2025" như sản phẩm công nghệ thông tin, robot và hàng tiêu dùng cuối cùng có trị giá lên tới 200 tỷ USD song trên thực tế, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn tăng từ con số 50,1 tỷ USD vào tháng 7/2018 lên 55,5 tỷ USD vào tháng 10/2018.
Thậm chí, thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm còn bị đẩy lên mức 305,4 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với mức 276,6 tỷ USD so với cùng kỳ.
Theo ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực tế này đang đặt ra câu hỏi tại sao Trung Quốc vẫn liên tục thặng dư thương mại cho dù Mỹ áp đặt mức thuế suất cao đối với hàng hoá của nước này?
"Phải thấy rằng ngoài tính cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc, có thể thấy được sự năng động và linh hoạt của khu vực doanh nghiệp nước này. Nhiều dịch vụ hỗ trợ thương mại đáng kể như khai báo hải quan… nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá đã được thực hiện rất mạnh", ông Sang lý giải.
Do đó, dù cơ hội xuất khẩu của hàng hoá của Việt Nam sang Mỹ được dự báo sẽ được rộng mở song theo ông Thắng "đường vào" Mỹ của hàng hoá Việt Nam vẫn không dễ dàng.
Đặc biệt ngay trong những ngày cuối tháng 11/2018 và đầu tháng 12/2019, theo NCIF, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có những diễn biến khó lường bởi ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thoả thuận trong việc Mỹ trì hoãn áp thuế bổ sung từ mức 10% hiện nay lên 25% đối với gói hàng hoá nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc và Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn nông sản, năng lượng từ Mỹ. Sự kiện gần đây nhất là việc Giám đốc tài chính của Huawei bị bắt ở Canada và có thể bị dẫn độ sang Mỹ.
Trong bối cảnh này, NCIF dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và 2020 của Việt Nam sẽ giảm tốc. Cụ thể, tăng trưởng GDP sẽ lần lượt giảm 0,33% và 0,4%, xuất khẩu giảm 0,61% và 0,89%, nhập khẩu giảm 0,52% và 0,87% vào các năm 2019 và 2020.
"Chỉ riêng dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam là nhân tố ít chịu tác động từ những xáo trộn trong chính sách điều chỉnh của Mỹ và Trung Quốc", NCIF nhận định.