Pháp đánh thuế vào các gã khổng lồ công nghệ từ ngày 1/1, dự kiến thu về 570 triệu USD
Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp phát biểu: "Dù bất cứ điều gì xảy ra thì luật thuế mới sẽ vẫn được áp dụng bắt đầu từ 1/1/2019".
Ngày 17/12 vừa qua, ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Pháp cho biết nước này sẽ áp dụng chế độ thuế mới đối với các công ty công nghệ và internet lớn bắt đầu từ ngày 1/1/2019.
Nước Pháp có kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ "thuế GAFA", được đặt theo tên của bốn gã khổng lồ công nghệ Google, Apple, Facebook và Amazon. Động thái này của Pháp nhằm mục đích đảm bảo rằng những công ty trên trả khoản thuế hợp lý cho các hoạt động kinh doanh của họ ở châu Âu.
Trong một cuộc họp báo ở Paris, ông Le Maire phát biểu: "Thuế sẽ được áp dụng từ ngày 1/1 bất kể điều gì xảy ra và sẽ kéo dài trong suốt năm 2019. Số tiền chúng tôi ước tính thu được sẽ rơi vào khoảng 500 triệu Euro (tương đương 570 triệu USD).
Trước đó, mức thuế thấp mà các đại gia công nghệ Mỹ ở châu Âu phải trả đã liên tục gây phẫn nộ trong cử tri ở nhiều nước châu Âu.
Ireland là nơi đặt trụ sở châu Âu của một số công ty công nghệ Mỹ hàng đầu và dẫn đầu một nhóm nhỏ chủ yếu gồm các nước Bắc Âu cho rằng loại thuế mới có thể dẫn đến sự trả thù đối với các công ty châu Âu và gây ra sự tức giận ở Mỹ.
Được biết, mọi thay đổi về thuế đều phải được sự chấp thuận của các quốc gia thành viên. Đầu tháng 12, Pháp và Đức đã đồng ý về một biện pháp chung vào năm 2021. Điều này sẽ cho OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có trụ sở tại Paris) thêm thời gian để đưa ra giải pháp toàn cầu mới. Hiện OECD đang thực hiện một đề xuất điều chỉnh thuế với các công ty công nghệ lớn trên thế giới.
Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đánh thuế những đại gia công nghệ Mỹ thống trị lĩnh vực kinh doanh trên toàn cầu. Việc Pháp áp dụng chính sách thuế ngày 1/1 có thể được thúc đẩy bởi những lo ngại về ngân sách trong nước khiến Bộ Tài chính buộc phải tìm các nguồn thu và tiết kiệm mới.
Dưới áp lực của những người biểu tình áo vàng, Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố một loạt các biện pháp vào tuần trước đối với các gia đình có thu nhập thấp đã gây ra lỗ hổng hàng tỷ Euro trong ngân sách năm 2019 của nước này.
Một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu khác như Anh, Tây Ban Nha và Ý đang nghiên cứu kế hoạch đánh thuế nhằm vào các tập đoàn lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, Mel Stride cũng đề nghị nước này tự đưa ra quyết định về thuế đối với các đại gia công nghệ Mỹ nếu nỗ lực thay đổi trên quy mô toàn châu Âu thất bại. Tháng 7 vừa qua, ông từng nói rằng nước Anh có thể xem xét đưa ra những biện pháp thuế một cách đơn phương hoặc chỉ trong một hội đồng thuế nhỏ. Ngoài ra, Singapore và Ấn Độ cũng có kế hoạch của riêng mình trong thời gian sắp tới.
Tuy nước Mỹ không hài lòng về việc đánh thuế những công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon nhưng nhà Kinh tế học Jeffrey Sachs cho biết ông hoàn toàn tán thành bởi việc này sẽ giúp ngăn chặn phần nào tương lai đen tối mà ở đó sự giàu có toàn cầu chỉ tập trung vào một số ít người.