Cuộc chiến pháp lý: Liệu ông Trump còn cơ hội nào để thắng?
Trong những ngày trước cuộc bầu cử giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden, khoảng 300 đơn khởi kiện đã được đệ trình lên toà án nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới hoặc để tranh chấp kết quả bỏ phiếu.
Phần I: Bầu cử Mỹ: Kiện tụng, cáo buộc gian lận và bê bối – Một câu chuyện dài và buồn
Hiện tại, các nhóm pháp lý của ông Trump đang đệ đơn kiện tại các tiểu bang ông đang bị dẫn trước nhưng vẫn có cơ hội tăng tổng số phiếu bầu để chiến thắng; hoặc tại những tiểu bang ông đang trên cơ đối thủ ở khoảng cách sát nút và muốn duy trì vị trí dẫn trước.
Các vụ kiện của ông Trump
Chỉ những phiếu bầu hợp pháp mới được tính. Phiếu bầu hợp pháp là những lá phiếu đáp ứng tất cả các tiêu chí mà luật yêu cầu. Tất cả các phiếu bầu khác đều phải bị loại bỏ. Ví dụ: những người bỏ phiếu sau ngày bầu cử thì các lá phiếu đó không hợp pháp (mặc dù hành động này không phải là tội hình sự).
Có một vấn đề đặt ra ở đây: Trong một bài phát biểu, ông Biden nói rằng ông muốn tất cả các lá phiếu đều được kiểm đếm. Những người biểu tình ủng hộ đảng Dân chủ thì giương cao các tấm biển với dòng chữ "Hãy đếm tất cả phiếu bầu". Có phải họ đang nói rằng: Gian lận cũng không sao?
Có thể các vụ khiếu kiện là cách để xử lý những tác nhân xấu tham gia vào các hành vi sai phạm nhằm mang lại lợi ích hoặc làm hại một ứng cử viên. Các hành vi sai phạm bao gồm làm giả phiếu bầu, tiêu huỷ phiếu bầu, hoặc cố tình đếm sai phiếu bầu. Đã xảy ra trường hợp nhân viên bưu điện vứt bỏ hoặc cố tình không vận chuyển các phiếu bầu gửi qua thư - có điều lạ là những việc này chỉ xảy ra với phiếu bầu của ông Trump.
Các vụ kiện nhắm vào các hành động của những người không có thẩm quyền pháp lý nhằm làm lợi cho một ứng viên. Các hành động này bao gồm thay đổi quy trình bỏ phiếu, vi phạm luật tiểu bang. Ví dụ: thay đổi ngày chính thức chấp nhận phiếu bầu, hoặc không cho phép người dân được quan sát quá trình xử lý phiếu bầu.
Người đứng đầu Ban bầu cử tiểu bang Pennsylvania của đảng Dân chủ đã đơn phương quyết định gia hạn thời hạn nhận phiếu bầu qua thư thêm 3 ngày sau ngày bầu cử. Tại sao? Đảng Cộng hòa tin rằng các lá phiếu gửi qua thư có lợi cho ông Biden. Vụ kiện này đã được đệ trình lên Tòa án Tối cao.
Cũng tại tiểu bang Pennsylvania, các nhân viên bầu cử đã ngăn cản quan sát viên của đảng Cộng hòa giám sát việc kiểm phiếu. Toà án tuyên bố các nhân viên bầu cử tiểu bang đã vi phạm luật, yêu cầu họ mở cửa cho các quan sát viên thực hiện giám sát. Phán quyết cho phép quan sát viên được đứng cách bàn bỏ phiếu 6 feet (tương đương 1.80m). Tuy nhiên khoảng cách gần 2 mét là quá xa để chứng kiến việc kiểm đếm. Các nhân viên bầu cử từ chối tuân theo lệnh của tòa án, vậy là lại cần có một phiên toà nữa.
Kiểm phiếu tại Philadelphia, Pennsylvania. Ảnh: Getty
Câu hỏi đặt ra ở đây: các nhân viên bầu cử đang che giấu điều gì? Đảng Cộng hòa cho rằng họ đang thao túng phiếu bầu để có lợi cho ông Biden.
Các vụ khiếu kiện có thể liên quan đến sai sót của các nhân viên bầu cử trong việc thực hiện nhiệm vụ của họ. Ví dụ: không đảm bảo rằng các hệ thống máy tính hoạt động tốt, không có hệ thống dự phòng, không đào tạo bài bản cho các tình nguyện viên thực hiện thăm dò, hoặc không đảm bảo đủ an ninh phiếu bầu.
Tại Pennsylvania, các nhân viên bầu cử bị cáo buộc trong các vụ kiện "chữa phiếu". Có nghĩa là họ tự điền thông tin còn thiếu vào phiếu bầu, có thể bao gồm cả việc kiểm tra tên của ứng cử viên.
Tại Nevada, các nhân viên bầu cử tuyên bố rằng ngày hôm sau họ sẽ công bố kết quả kiểm vài nghìn lá phiếu. Sau đó, họ nói rằng một sự cố máy tính đã khiến việc kiểm đếm bị ảnh hưởng. Ở Michigan, phần mềm máy tính đã đếm phiếu của ông Trump thành phiếu của ông Biden.
Đại dịch Covid-19 cũng là một yếu tố. Máy đếm phiếu không nhận phiếu vì cử tri ở một số quận dùng tay ướt do sử dụng dung dịch rửa tay để bỏ phiếu vào phong bì khiến phiếu bị ướt. Hay việc một nhân viên bầu cử bị ốm, nghỉ về nhà mà không báo cáo số phiếu đã kiểm cho người quản lý.
Nhưng dù thế nào thì các vụ khiếu kiện cũng phải cung cấp đầy đủ bằng chứng về các sai phạm. Nếu chỉ là suy đoán không bằng chứng thì sẽ không thể khởi kiện.
Nhóm pháp lý của ông Trump tuyên bố rằng khoảng 10.000 cử tri đã bỏ phiếu bất hợp pháp ở Nevada. Họ muốn những lá phiếu này phải được loại bỏ. Nhưng họ mới chỉ đưa ra được bằng chứng xác thực cho 3.000 phiếu bầu.
Ảnh hưởng của sai phạm bầu cử
Các vụ khiếu kiện chỉ được toà thụ lý - dù là toà địa phương, tiểu bang, liên bang hoặc Tòa án tối cao - nếu khiếu nại của nguyên đơn sau khi được khắc phục sẽ làm thay đổi kết quả bầu cử. Những sai phạm ở Chicago sẽ không được toà xem xét bởi việc đó sẽ không thay đổi kết quả bầu cử tại tiểu bang này. Tại Georgia, Nevada, Pennsylvania và Michigan, đang có sự chênh lệch phiếu bầu rất nhỏ giữa hai ứng cử viên nên các vụ khiếu kiện có thể dẫn đến thay đổi kết quả. Ví dụ, các lá phiếu mới được thêm vào tổng số phiếu hoặc các lá phiếu bị loại bỏ có thể thay đổi kết quả chung cuộc. Trong cuộc bầu chọn này, việc phong bì thư có hay không có dấu bưu điện là đủ căn cứ để đưa ra toà.
Bởi vì các tiểu bang phải hoàn thành việc xác nhận kết quả kiểm phiếu chỉ vài ngày sau ngày bầu cử nên nhìn chung cả hai đảng đều phải tập trung vào một số tiểu bang có vai trò quyết định chiến thắng. Thông lệ này được xem như quy trình sắp xếp bang ưu tiên trong bầu cử (tương đương khái niệm xếp loại người bệnh theo mức độ ưu tiên cấp cứu). Trong trường hợp của ông Trump năm nay, có 4 tiểu bang đang cho kết quả sát nút.
Toà án và Các cơ quan lập pháp
Điểm một: Mỗi cá nhân, mỗi ứng cử viên, mỗi đảng phái chính trị đều có quyền khiếu nại lên tòa án. Trong trường hợp này, chiến dịch của ông Biden đang cố gắng ngăn chặn việc khởi kiện của phía ông Trump - hành vi đó là vi phạm quyền hiến định về "thủ tục tố tụng" và "bảo vệ bình đẳng".
Các cơ quan lập pháp, bao gồm các quan chức được bầu chọn, có thẩm quyền tuyệt đối được quy định trong Hiến pháp Hoa Kỳ về ban hành luật bầu cử. Cả các công chức và thẩm phán đều không có thẩm quyền bãi bỏ luật hiện hành. Ngoại lệ duy nhất là trường hợp luật vi hiến.
Tại South Carolina, cơ quan lập pháp tiểu bang đã ban hành luật yêu cầu mỗi phiếu bầu hợp lệ phải có chữ ký của nhân chứng bên cạnh chữ ký của cử tri. Tòa án cấp tiểu bang đã bác bỏ luật này và không yêu cầu chữ ký của nhân chứng. Tòa phúc thẩm đã ra quyết định hủy bỏ bản án sơ thẩm và khôi phục yêu cầu chữ ký của nhân chứng. Nhưng ngay sau đó, cũng chính Toà phúc thẩm lại có một quyết định đầy mâu thuẫn với quyết định ban đầu: những phiếu bầu đã gửi đi rồi sẽ không cần phải tuân thủ quy định về chữ ký nhân chứng và những phiếu bầu cần phải có chữ ký nhân chứng thì được gia hạn thời gian 2 ngày để làm việc đó. Việc các thẩm phán bổ sung yêu cầu vào luật hiện hành là điều không thể chấp nhận được, tuy nhiên họ đã làm vậy và không phải chịu trách nhiệm gì.
Tòa án tối cao là điểm dừng cuối cùng của quy trình giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao không muốn tham gia vào các tranh chấp bầu cử ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Toà tối cao có thể từ chối thụ lý bất cứ trường hợp nào. Và nên là như vậy!
Vụ kiện Bush-Gore năm 2000 là một minh chứng giải thích tại sao Toà tối cao không nên tham gia vào các tranh chấp bầu cử. Tuy nhiên, trường hợp Pennsylvania trong cuộc bầu cử 2020 đã được kháng cáo lên Tòa án Tối cao trước đó. Toà tối cao bế tắc với tỉ số phiếu hoà 4-4, khiến phán quyết cuối cùng lại quay về với cấp toà tiểu bang. Toà tiểu bang đã giữ nguyên quyết định và đưa ra luật mới. Không tốt một chút nào!
Chế tài pháp luật
Các câu hỏi lớn nhất hiện giờ liên quan đến việc làm thế nào để đưa ra chế tài giải quyết những khiếu nại của đảng Cộng hoà. Hệ thống hiện giờ có thể cho phép đẩy nhanh việc kiểm đếm và báo cáo số phiếu bầu. Đến thời điểm khởi kiện thì mọi việc đã an bài.
Liên quan đến vấn đề quan sát viên, chẳng hạn một vụ kiện được toà thụ lý nhưng toà sẽ chưa xử cho đến khi toàn bộ phiếu được đếm xong – mà lúc đó thì việc yêu cầu các quan chức bầu cử cho phép các quan sát viên giám sát việc kiểm phiếu sẽ không có ý nghĩa gì nữa. Tại Nevada, các nhân viên bầu cử đã ngăn cản không cho bất kỳ quan sát viên nào tham gia, còn tại Pennsylvania thì họ đưa ra những điều kiện khiến không ai có thể chứng kiến được quá trình kiểm đếm.
Các vụ khởi kiện của ông Trump liên quan đến: yêu cầu nhân viên bầu cử bổ sung hoặc loại trừ phiếu bầu; ngừng đếm tất cả phiếu bầu; và thực hiện kiểm phiếu lại. Các chế tài này đều đang được thực hiện.
Tại Georgia, vì hai ứng cử viên có kết quả sít sao nên tiểu bang này đã phải tiến hành kiểm lại phiếu: họ phải làm vậy là do luật tiểu bang chứ không phải do bị khởi kiện. Georgia phải chi hàng triệu USD tiền ngân sách cho việc kiểm lại phiếu. Các tiểu bang khác cũng có thể phải làm tương tự. Có những trường hợp, các ứng cử viên có thể yêu cầu kiểm phiếu lại nếu kết quả cách biệt quá sít sao. Yêu cầu đó cũng có thể đến từ Toà án.
Những điều không thoả đáng
Phần nhiều trong số những vấn đề nêu trên hoàn toàn có thể tránh được nhưng lại bị bỏ lửng một cách cố tình. Tất cả các cuộc bầu cử Tổng thống đều được tổ chức vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11. Vì vậy, các cơ quan lập pháp tiểu bang có và có rất nhiều thời gian để khắc phục các vấn đề đã được dự báo. Nhưng họ cố tình không làm.
Nhân viên bầu cử tiểu bang Nevada đã gửi phiếu bầu đến mọi cử tri đăng ký bỏ phiếu tại đây: ai cũng thấy việc này kiểu gì cũng sẽ dẫn đến kiện cáo. Quả đúng như vậy: bởi họ đã gửi những lá phiếu gốc qua đường bưu điện. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những lá phiếu này đến tay những người không thuộc đối tượng có quyền bỏ phiếu: đó là những người đã qua đời, những người đã rời tiểu bang đi sinh sống nơi khác, những người còn đang bị giam giữ … Trong đơn khởi kiện của mình, đảng Cộng hoà đã đưa ra bằng chứng là họ đã tìm thấy 3.000 cử tri không hợp lệ.
Thật khó chấp nhận việc các quan chức phụ trách bầu cử xuất hiện trên truyền hình với khuôn mặt thản nhiên và đưa ra những lời dối trá về những gì họ đã làm trong cuộc bầu cử. Trong một cuộc họp báo, người đứng đầu Ban bầu cử tiểu bang Pennsylvania tuyên bố bà tự hào về những gì văn phòng của bà đã làm, đặc biệt đã tuân thủ đúng quy định. Việc đó không đúng như vậy!
Các luật sư của ông Trump đã phá vỡ tiền lệ khi tổ chức các cuộc họp báo ngay tại các bang họ khởi kiện. Các cuộc họp báo đã biến thành những cuộc biểu tình và phản đối. Các cuộc họp báo không gây ảnh hưởng đến toà án nhưng khiến dư luận thấy cuộc bầu cử này không hợp pháp. Đây không phải là điều tốt!
Chiến dịch tranh cử của ông Biden tuyên bố chính phủ liên bang sẵn sàng hộ tống ông Trump ra khỏi Nhà Trắng nếu ông ấy không rời đi. Quả là một cách đặc biệt để hàn gắn các bên như tuyên bố trước đó của ông Biden!
Lời cuối: Liệu đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có thể xích lại gần nhau và cứu vãn hệ thống bầu cử đầy khiếm khuyết và nhiễu loạn hay không? Nước Mỹ có thể phóng tàu thăm dò quay quanh sao Hoả và ghi lại video làm nghiên cứu nhưng lại không thể đếm nổi những lá phiếu bầu bằng máy quét.