“Cuộc chiến khô máu” Ví điện tử, Momo làm thế nào để đi tiếp?
Báo lỗ hơn 400 tỷ trong năm 2018, phải cạnh tranh với hàng loạt Ví điện tử trong nước và nước ngoài, Momo hiện đang phải “gồng mình” để đi tiếp, trong khi đó việc thực hiện các chương trình khuyến mãi tốn quá nhiều chi phí nên không thể kéo dài.
Cơ hội đi kèm thách thức
Ghi nhận trong nửa đầu năm 2019, thị trường Ví điện tử Việt Nam đã và đang chứng kiến nhiều chuyển biến nổi bật đến từ cả doanh nghiệp nội địa lẫn ngoại địa. Theo dự án "Khảo sát và bình chọn Ví điện tử tiêu biểu Việt Nam năm 2019" do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức mới đây, sức cạnh tranh của nhiều Ví điện tử Việt Nam không hề thua kém hàng ngoại khi góp mặt tại các vị trí top đầu thuộc các hạng mục chính.
Cũng tại buổi công bố kết quả khảo sát này, Momo được bình chọn là "Ví điện tử số 1 Việt Nam", kết quả được tổng hợp từ 1.189 phiếu tham gia trong tổng số 40.000 phiếu phát ra đến độc giả của báo Nhịp cầu đầu tư. Theo sau đó, ZaloPay được bình chọn là Hệ sinh thái xây dựng phong phú, Viettel Pay là Dịch vụ phát triển đột phá.
Tuy nhiên, việc được bình chọn là "Ví điện tử số 1 Việt Nam" lại tiếp tục đặt ra cho Momo một thách thức lớn giữa lúc thị trường đang cạnh tranh khốc liệt. Hàng loạt nhân tố mới như ZaloPay, Viettel Pay, Moca, Samsung Pay, BankPlus… với nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn đã hút một lượng lớn người dùng từ Momo, khiến doanh nghiệp này "đau đầu" với bài toán chiến lược đường dài.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo cho biết thời gian qua Momo không thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi như trước mặc dù biết rõ điều này sẽ mất đi 1 lượng lớn người dùng. Momo hiểu rõ đặc tính của khách hàng, họ thông minh và luôn lựa chọn dịch vụ có lợi nhất cho mình, tùy vào từng thời điểm. Do đó, việc người dùng chuyển từ Ví này qua Ví kia là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông Diệp cho rằng xu hướng trên chỉ là phong trào, về lâu dài khách hàng sẽ có sự điều chỉnh phù hợp và lựa chọn sản phẩm tốt nhất, cuối cùng là chỉ dùng 1 Ví duy nhất.
"Ví dụ trước nay một khách hàng đang dùng Momo và vẫn hài lòng với các dịch vụ của chúng tôi. Tuy nhiên, bỗng dưng có 1 anh khác nhảy vào, cho họ khuyến mãi, giảm giá, tặng nhiều dịch vụ thì nếu là tôi cũng sẽ dùng thử cho biết. Momo không thể cứ mãi đuổi theo các chương trình khuyến mãi để giữ chân khách như vậy, vì về lâu dài thì chi phí không đủ và không thể đi tiếp được", ông Diệp chia sẻ.
Theo ông Diệp, thường các nhân tố mới sẽ có nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn để hút khách thời gian đầu nhưng cái quan trọng là chiến lược đường dài của một doanh nghiệp. Để tồn tại lâu trên thị trường, một Ví điện tử phải đảm bảo được dịch vụ tốt nhất để khách hàng yên tâm.
Tổng quan thị trường Ví điện tử hiện nay có khoảng 30 đơn vị, nhưng chỉ có 2-4 đơn vị có khách hàng, có thị trường. Với đặc điểm là cạnh tranh khốc liệt, ông Diệp dự đoán trong vài năm tới thì thị trường này sẽ tinh giảm dần và chỉ còn khoảng 1-2 Ví tồn tại được.
"Về lâu dài, thị trường sẽ tự điều chỉnh vì khách hàng không thể lựa chọn lung tung mọi thứ. Họ sẽ chọn những sản phẩm tốt và phù hợp với trải nghiệm của họ. Trong đó, họ sẽ có xu hướng chọn những đơn vị đáp ứng đầy đủ các app về mua sắm, ăn uống, đi lại…", ông Diệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo
Chiến lược "Người Việt dùng hàng Việt"
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, hiện tại Momo đã vạch ra những chính sách mới để phát triển đường dài và có hướng đi rõ ràng để cạnh tranh với thị trường, tiếp tục đồng hành cùng người dùng dù biết sẽ vô cùng khó khăn. Mặc dù không thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi như trước nhưng Momo sẽ tập trung phát triển ở yếu tố thuần Việt nhất có thể. Momo là Ví điện tử do người Việt sáng lập nên sẽ hoạt thông theo phương thức Việt hóa toàn bộ, các chức năng và cách thức sử dụng sẽ thuận tiện nhất và gần gũi nhất với người Việt.
Ông Diệp cho rằng đây là điểm mạnh lớn nhất của Momo so với các ví điện tử ngoại địa đang phát triển ở thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các ví điện tử nước ngoài hoặc một số ví Việt mới ra gần đây không thật sự chú trọng đến vấn đề này.
"Momo là ví điện tử cho người Việt dùng nên khi xây dựng nên chúng tôi hiểu rất rõ về người Việt Nam làm gì. Ví điện tử nước ngoài thì đa số họ xây dựng tập trung ở nước ngoài hoặc theo vùng, không thể xây dựng tập trung ở một nước nhất định. Do đó, chúng tôi sẽ làm được sản phẩm phù hợp với người Việt về lâu dài. Về lâu dài, khuyến mãi không quan trọng mặc dù nó cũng tốt cho khách hàng", ông Diệp nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị Phó chủ tịch Momo cũng nhận định rằng thời gian tới thị trường Ví điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Do đó, dù Momo đang đứng trước không ít thách thức nhưng vẫn sẽ đồng hành cùng người dùng đến cùng.
"Thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã có sự thúc đẩy mạnh trong lĩnh vực thanh toán không tiền mặt. Với dịch vụ thanh toán hành chính công, Momo cũng đã triển khai tại TP. Đà Nẵng và đang mở rộng thêm các dịch vụ thu phí bệnh viện và trường học tại TP.HCM và một số tỉnh. Năm 2019 sẽ là năm bản lề, vì tất cả mọi người đang cùng đẩy về chính sách lẫn sự chấp nhận của thị trường, đó là điều kiện thuận lợi để Ví điện tử phát triển", vị Phó chủ tịch Momo lạc quan.
Theo số liệu của chúng tôi, năm 2018, Momo ghi nhận doanh thu gần 2.400 tỷ đồng nhưng báo lỗ hơn 440 tỷ. Trong khi doanh thu tăng gần gấp đôi năm trước thì khoản lỗ cũng tăng với tốc độ tương tự. Đến cuối năm 2018, Momo lỗ lũy kế hơn 1.006 tỷ đồng, ghi danh vào câu lạc bộ "lỗ nghìn tỷ".
Toàn bộ dòng tiền hoạt động của trung gian thanh toán này đến từ những đợt huy động vốn. Năm 2018, Momo huy động hơn 1.300 tỷ đồng, vượt qua Tiki và chỉ đứng sau Shopee về quy mô số tuyệt đối. Với tốc độ "đốt tiền" không thua gì các nền tảng thương mại điện tử, Momo nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục những vòng huy động vốn trong tương lai, nếu muốn trụ lại trên thị trường này.