Cùng mẹ lượm ve chai khắp Sài Gòn, cậu học trò lớp 12 vẫn mang về nhiều thành tích đáng nể
11 năm liền Duy đều là học sinh giỏi và đạt nhiều thành tích nổi bật. Thế nhưng ít ai biết rằng, ngoài giờ học thì Duy còn tranh thủ đi nhặt ve chai phụ mẹ để kiếm tiền trang trải cuộc sống của hai mẹ con nơi Sài Gòn phồn hoa.
Cách đây vài tháng, câu chuyện về cô bạn Diệu Liên - con gái cô lao công đã dành được học bổng của trường đại học danh giá Harvard đã để lại sự khâm phục trong lòng rất nhiều người đọc. Vào bất cứ thời điểm nào cũng vậy, những câu chuyện về các gương mặt vượt qua sự khó khăn của cuộc sống, vượt qua hoàn cảnh thiếu thốn hay những vất vả đến sớm trong cuộc đời - đều nhận được sự đồng cảm và yêu thương. Câu chuyện về cậu bạn Hùng Duy này cũng là một câu chuyện có thể khiến bạn xúc động, và mỉm cười. Duy năm nay học lớp 12, sở hữu danh sách dài những giải thưởng, những bằng khen trong suốt 11 năm học. Duy hiện đang sống với mẹ, người mẹ đã nuôi Duy lớn khôn thành người bằng công việc nhặt ve chai trong suốt 18 năm qua.
Tên: Nguyễn Hùng Duy
Hiện đang là học sinh lớp 12 trường THPT Gia Định, TpHCM.
Thành tích:
- 11 năm liền đạt học sinh Giỏi.
- Huy chương đồng Toán học Olympic 30.4 (2015)
- Giải thưởng Credit Hoá học Hoàng gia Úc (2015)
- Học sinh giỏi Toán, Anh cấp trường.
"Ba của Duy bỏ theo người phụ nữ khác từ khi em chưa sinh ra đời. Một mình cô gồng gánh nuôi em đến hôm nay. Dẫu phải làm ngày làm đêm nhưng ngày nào Duy còn muốn đi học thì cô vẫn sẽ làm bằng hết khả năng của mình" - nói rồi cô Hà lại cắm cúi với những bịch rác trên vỉa hè, lục tìm từng chai nhựa, hộp giấy, những vật phế phẩm này đã nuôi sống mẹ con cô suốt 18 năm qua.
Cô Hà đã quen với mùi của rác vì những thứ này đã nuôi sống mẹ con cô gần 20 năm qua.
Đời mẹ nghèo, không có gì cho con!
Căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp của mẹ con cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (53 tuổi) và Nguyễn Hùng Duy (18 tuổi) nằm trong một con hẻm trên đường Thanh Đa (Bình Thạnh). Phòng nhỏ được chất đầy những bịch nilon, chai nhựa, giấy vụng...cô cười giải thích: "Mỗi ngày cô nhặt về rồi thu gom về đây phân loại để sáng mai đem ra đại lý bán, nên giờ nhìn bừa bộn vậy đó".
Căn phòng trọ ọp ẹp chất đầy phế liệu của mẹ con cô Hà. Dù vậy căn phòng vẫn được cô Hà dành riêng một góc để Duy để sách vỡ và những bằng khen của em.
Cô Hà (53 tuổi) vốn là trẻ mồ côi được một gia đình nghèo ở Sài Gòn nhận về nuôi dưỡng. Trải qua cuộc sống khó khăn ngay từ thời thơ ấu, những tưởng khi tìm được một tấm chồng cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn, thế mà...
"Khi mang thai được 2 tháng thì chồng cô bỏ đi theo người phụ nữ khác. Cô buồn tủi và tuyệt vọng vô cùng. May mà có cha nuôi động viên nếu không cô đã nghĩ quẫn" - cô Hà nhớ lại.
Cô Hà rơi vào tuyệt vọng khi người chồng bỏ đi trong lúc cô bụng mang dạ chửa.
Sợ mình sẽ ảnh hưởng đến gia đình cha nuôi, cô Hà đã quyết định dọn ra ở riêng. Bụng mang dạ chửa, làm gì cũng khó ấy thế mà người phụ nữ ấy đã làm không biết bao nhiêu công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Sau khi sinh Duy, cô gởi em ở nhà trẻ rồi đi bán vé số.
Vì nhẹ dạ cả tin, cô Hà nhiều lần bị bọn gian lừa lấy vé số, thế rồi vốn vơi dần, cô phải chuyển sang đi nhặt ve chai để kiếm sống. Ngày nắng cũng như ngày mưa, người phụ nữ ấy chẳng nghỉ tay lúc nào, vì hơn ai hết cô hiểu nếu mình không cố gắng kiếm tiền thì con trai sẽ khổ.
Cô Hà luôn đưa đón Duy đi học mỗi ngày. Cô luôn đi phía sau em để có thể trông chừng em. Cô bảo Duy lớn rồi mà cũng như đứa con nít vậy, còn ngô nghê lắm!
"Nhà dù nghèo nhưng cô chưa bao giờ có ý định cho Duy nghĩ học sớm để đi làm kiếm tiền. Cô không có nhà cửa hay tài sản, khi nằm xuống chẳng có gì để lại cho Duy, thế nên cô ráng cho em nó cái chữ để sau này có thể thay đổi cuộc đời" - mắt cô long lanh như chính những hy vọng thật đẹp mà cô hằn ấp ủ.
Cô luôn cố làm thật nhiều để có tiền cho Duy đi học. Mấy năm gần đây nhà trường miễn học phí cho mẹ Duy vì biết hoàn cảnh của gia đình khó khăn.
Phụ mẹ nhặt ve chai kiếm tiền từ lúc còn nhỏ
Dù không nói ra nhưng Duy luôn cảm nhận được những hi sinh lớn lao của mẹ, vì thế cậu luôn nỗ lực đạt những thành tích cao trong học tập. Hiện tại Duy đang là học sinh lớp 12 trường THPT Gia Định, suốt 11 năm qua, Duy luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Duy trầm tính ít nói, tuy không giỏi thể hiện cảm xúc nhưng em luôn cảm nhận được hết những vất vả của mẹ.
Ngoài ra, Duy còn đạt rất nhiều thành tích nổi bật trong các cuộc thi học thuật lớn như: huy chương đồng toán học Olympic 30.4 (2015), giải thưởng Credit hóa học Hoàng gia Úc năm 2015, học sinh giỏi Toán, Anh cấp trường cùng nhiều giải thưởng khác. Mới đây nhất, Duy vừa được nhà trường tuyên dương là Gương sáng học đường.
Những tấm bằng khen, huy chương được trân trọng treo ở những vị trí đẹp nhất của phòng trọ.
"Hạnh phúc lắm con! Bữa đó nhà trường in tấm hình của em thiệt lớn dựng ở giữa trường, cô nhìn thấy mà cảm xúc không thể tả được. Những cố gắng của cô trong những năm qua phần nào đã được đền đáp" - Mẹ Duy không dấu được những tự hào về cậu con trai ngoan ngoãn của mình.
Cô bảo cuộc đời cô coi như bỏ rồi, giờ tất cả mọi thứ cô đều dành cho Duy.
Không những là một trò giỏi, Duy còn là một cậu con trai hiếu thảo. Ngay từ những năm còn học tiểu học, Duy đã tranh thủ thời gian ngoài giờ học để ra công viên nhặt ve chai phụ mẹ. Lớn hơn tí nữa, Duy chẳng ngại ngần đi cùng mẹ tìm đồ phế phẩm trong các thùng rác.
Duy cùng mẹ tìm chai nhựa trong thùng rác tại trường mình. Hiểu hoàn cảnh của bạn nên lâu lâu bạn bè lại đem lên cho Duy mấy bao ve chai để giúp đỡ cậu.
Tháng trước 2 chiếc xe đạp của mẹ con Duy bị ăn trộm. Người dân xung quanh thấy thương nên cho một chiếc xe cũ, còn bạn bè Duy dư 1 chiếc xe đạp nên đem tặng cậu để có phương tiện đi lại.
Hai mẹ con tranh thủ nhặt ve chai trên đường đi học về.
Cô Hà tâm sự: "Khi Duy học cấp 3 cô có nói với em là để một mình cô đi nhặt thôi, em lớn rồi còn đi học, sợ bạn bè cười chê. Thế là Duy nói với cô là: Con thấy chẳng có gì phải xấu hổ, mình đi nhặt những thứ mà người khác đã bỏ đi, chứ đâu phải đi ăn trộm ăn cướp mà sợ cười chê".
Duy chẳng bao giờ cảm thấy tủi thân vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Em bảo: "Mỗi người có một hoàn cảnh riêng mà".
Vì là năm cuối cấp nên lịch học của Duy cũng nhiều hơn, thời gian Duy phụ mẹ cũng không nhiều như trước. Một mình cô Hà phải làm nhiều hơn, kể cả những lúc đau ốm hay mưa gió cô cũng ráng đi làm để lo cho cậu con trai đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.
Mẹ luôn ở phía sau để ủng hộ Duy trên con đường mà em đã chọn.
Giữa phố phường tấp nập hai mẹ con chầm chậm đạp xe cạnh bên nhau. Một người phụ nữ kiên cường và một cậu con trai nghị lực, cả hai không ngừng tiến về phía trước, phía có những điều tốt đẹp đang đợi họ.
Cô luôn bảo mình nghèo nên chẳng có gì cho con. Thế nhưng điều đó đâu quan trọng, vì cô đã dành cả cuộc đời cho Duy rồi!