Ước mơ ‘Bill Gates Việt Nam’
“Tổ quốc không chỉ cần những tấm huy chương của các em hôm nay mà hơn thế nữa, chính các em là những người thuộc thế hệ sẽ đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Điều nhắn gửi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho những học sinh đoạt giải Olympic quốc tế tối 3-12 không chỉ là một thông điệp riêng của người đứng đầu Chính phủ mà còn là ước mơ của Việt Nam trong thời hội nhập.
Nỗ lực của từng học sinh, từng người Việt Nam trong phát triển là không thể phủ nhận. Nhưng như Thủ tướng nói: “Ngoài cố gắng của từng cá nhân, thế hệ trẻ Việt Nam, ngành giáo dục phải đổi mới toàn diện về lượng lẫn về chất, không những đào tạo kiến thức, chuyên môn mà phải thực sự mang tinh thần kiến tạo phát triển”.
Hệ thống giáo dục các trường đại học phải là những mô hình tiên tiến về quản trị và tổ chức, về con người, chất lượng, mục tiêu, phương pháp giảng dạy, môi trường văn hóa và năng lực hội nhập quốc tế. Có như vậy chúng ta mới có thể hy vọng tương lai Việt Nam sẽ có những nhà kỹ nghệ, nhà khoa học, nhà văn hóa, doanh nhân tài ba như Bill Gates, Thomas Edison, Jack Ma… như Thủ tướng nói.
Chắc chắn giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc khơi thông tinh thần cống hiến, sức sáng tạo và tinh thần phản biện, vốn là điều làm nên những công dân có trách nhiệm. Nhưng sẽ không thể có những người Việt Nam khát khao học tập vì một Việt Nam hùng cường nếu những thiết chế của xã hội không đáp ứng được yêu cầu này. Nếu tình trạng con ông cháu cha, “cả họ làm quan”… vẫn tiếp tục tồn tại, không được giải quyết rốt ráo thì đây chính là trở lực cho những người thành tâm cống hiến thực tài của mình cho đất nước.
Câu chuyện những học sinh đoạt giải cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia chọn ở lại nước ngoài tiếp tục học tập, nghiên cứu và không muốn trở về phục vụ đất nước cho thấy nếu không có một môi trường cống hiến thực sự lành mạnh thì đất nước sẽ tiếp tục chảy máu chất xám. Và giấc mơ Bill Gates của Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ là… ước mơ.