Cục An toàn thực phẩm nói về vụ lô hàng 22.000 lon sữa cứu trợ gần 1 tháng chưa thể lấy ra
Liên quan vụ 22.000 lon sữa đồng bào ở Úc gửi cứu trợ gần 1 tháng chưa thể lấy ra, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết đã có công văn hướng dẫn đúng thẩm quyền.
Cục trưởng An toàn thực phẩm: Đại biểu có thể đã hiểu chưa rõ
Trong phiên họp Quốc hội sáng 9/11, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch MTTQ TP.HCM ) cho biết lô hàng với 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM về nước đã một tháng nhưng không lấy ra được.
Theo bà Châu, MTTQ TP.HCM xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm, Cục Thú y nhưng chỉ có Cục Thú y trong 2 ngày đã trả lời đồng ý, còn Cục An toàn thực phẩm đề nghị Mặt trận Tổ quốc TP hỏi Chính phủ.
Trao đổi với PV sáng 10/11, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, trong trường hợp này, đại biểu có thể đã hiểu chưa rõ.
Bà Tô Thị Bích Châu.
Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngày 1/11, đơn vị có nhận được công văn của Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đề nghị xem xét tạo điều kiện miễn thủ tục đăng ký công bố sản phẩm và kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu với lô hàng này.
Ngay khi nhận được công văn trên, trong ngày 1/11, Cục đã có công văn trả lời, theo khoản 9, điều 13 Nghị định 15/2018, các lô hàng nhập khẩu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ và sẽ được miễn kiểm tra Nhà nước với thực phẩm nhập khẩu, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM gửi công văn đề nghị Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.
Đại diện Cục cũng thông tin, trước khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM gửi văn bản cho Cục An toàn thực phẩm, đơn vị này đã có văn bản gửi Ban An toàn thực phẩm TP.HCM và cũng đã được hướng dẫn. Sau đó MTTQ TP.HCM gửi tiếp văn bản cho Cục và đơn vị đã trả lời ngay theo đúng thẩm quyền.
PGS.TS. Trần Đáng nói hướng dẫn của Cục là chính xác
Còn PGS.TS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, trường hợp này, ông thấy việc hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm là chính xác.
Bởi theo quy định của Nghị định số 15/2018 hướng dẫn Luật ATTP, đối với trường hợp hàng từ thiện không phải là đối tượng được miễn kiểm tra ATTP, trừ trường hợp hàng đó do chỉ đạo của Chính phủ nhập về để phục vụ các trường hợp khẩn cấp.
Ông Đáng cũng nhận định, khi MTTQ VN TP.HCM hỏi Cục Thú y trả lời dưới góc độ quản lý lĩnh vực về kiểm dịch động vật, tức lô hàng này, theo Luật Thú y là được miễn kiểm dịch động vật, không phải kiểm tra xem có mầm bệnh từ động vật nhiễm vào hay không.
Còn Cục ATTP căn cứ theo Luật ATTP, tức đối với những lô hàng như thế này việc kiểm tra ATTP là kiểm tra xem hàng còn hạn hay không? Có chứa các chất độc hại như kim loại nặng, độc tố vi nấm… vượt ngưỡng giới hạn hay không?
Mà thẩm quyền để cho miễn kiểm tra hay không là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
"Trong trường hợp lô hàng sữa kể trên, nếu MTTQ TP.HCM xin ý kiến Chính phủ về việc miễn kiểm tra ATTP nếu cần tham mưu Chính phủ sẽ xin tư vấn từ Bộ Công Thương chứ không phải Cục ATTP, Bộ Y tế", ông Đáng nêu.
Trước đó, ngày 9/11, Tổng cục Hải quan có công văn khẩn trả lời thắc mắc của Cục Hải quan TP.HCM về vướng mắc thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng trên.
Theo Tổng cục Hải quan, quy định của Luật An toàn thực phẩm thì hàng hóa viện trợ không thuộc trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Do vậy, Tổng cục đề nghị Cục Hải quan TP trao đổi với UBND TP.HCM và UB MTTQ TP thực hiện theo hướng dẫn trước đó của Cục An toàn thực phẩm là xin thẩm quyền giải quyết của Chính phủ.
Khi đó, lô hàng sẽ được miễn kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do đang là hàng hóa nhập với mục đích phục vụ yêu cầu khẩn cấp.
Để được xem xét giải quyết, trước khi tiếp nhận viện trợ, đơn vị tiếp nhận gửi công văn đề nghị Chính phủ cho ý kiến để làm các thủ tục nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn Cục Hải quan cho phép đưa hàng hóa về bảo quản theo đề nghị của người khai hải quan.
Về lô hàng với 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM về nước đã một tháng nhưng không lấy ra được, trong phiên họp Quốc hội ngày 9/11, bà Châu đặt câu hỏi: "Khi chúng tôi gửi công văn, Chính phủ lại phải giao cho Cục An toàn thực phẩm trả lời. Vậy tại sao Cục không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của cục và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?".
Theo bà, cách làm của Cục An toàn thực phẩm đúng quy định nhưng không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc", cuối năm đơn vị này vẫn sẽ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì đã làm tròn chức trách.
"Còn ở TP.HCM, hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được. Lỗi do ai?", bà Châu đặt vấn đề.