Cửa hàng cầm đồ 'nhan nhản' khắp cả nước và con số giật mình về tín dụng đen trong nền kinh tế

27/04/2017 08:52 AM | Kinh tế vĩ mô

"70% tín dụng trong nền kinh tế là tín dụng đen chỉ là con số dự đoán. Chúng tôi chỉ dám công bố con số này để đỡ gây sốc cho dư luận" - luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ

Hôm nay, tại buổi tạo đàm tổ chức bởi Viện Quản trị Kinh Doanh, Đại học Kinh tế và có nội dung về thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, các chuyên gia đã công bố một số liệu giật mình về tín dụng đen tại Việt Nam: 70% lượng tín dụng trong nền kinh tế là tín dụng đen.

“Đây chỉ là số liệu dự đoán, tuy nhiên nhiều người khẳng định con số còn có thể cao hơn như vậy nhiều. Chúng tôi chỉ dám ước tính số 70% để đỡ gây sốc cho dư luận” – Luật sư Trương Thanh Đức trả lời phỏng vấn.

Tín dụng đen được định nghĩa là các khoản vay phi chính thức trong nền kinh tế. Các vị chuyên gia trong buổi tọa đàm chia thành nhiều nhóm, ví dụ như nhóm tín dụng theo kiểu xã hội đen như trong vụ án Huyền Như chiếm đoạt tới gần 5.000 tỷ trong hệ thống ngân hàng, hay nhóm tín dụng theo kiểu cầm đồ tại các cửa hàng cầm đồ.

Dù là nhóm nào thì các khoản tín dụng đen đều có chung đặc điểm là những khoản vay rất rủi ro: Người đi vay phải chịu lãi suất rất cao, người cho vay phải chấp nhận không đòi được tiền, còn nền kinh tế sẽ tổn thất nặng nề nếu những khoản vay đó có giá trị rất lớn. Luật sư Trương Thành Đức nói với chúng tôi:

“Số cửa hàng cầm đồ của cả nước này thì không biết là có đến bao nhiêu vạn. Theo thống kê, một con phố tại Hà Nội cũng có thể có tới 30 tiệm cầm đồ. Cả thành phố Hà Nội này, dư nợ cầm đồ sẽ chắc chắn lớn hơn toàn bộ dư nợ tài chính. Đó là còn chưa nhắc đến ở vùng sâu vùng xa, cả hợp pháp và bất hợp pháp”.

Còn đối với vay theo kiểu ‘xã hội đen’ như vụ án Huyền Như, vị này lấy ví dụ rằng riêng vụ án này thì tòa đã kết luận người phạm tội phải nộp lại tới 9.000 tỷ đồng. Những trường hợp tín dụng kiểu như vậy có thể vẫn tồn tại trong nền kinh tế và sẽ làm nhân số tín dụng đen lên rất nhiều.

Tổng thể cả nền kinh tế thì chỉ có 7 phần là ‘trên mặt nước’ còn 3 phần vẫn còn ‘dưới tảng băng’. Vì thế, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng con số thực sự của tín dụng đen có thể vượt xa hơn mức 70% rất nhiều.

“Quy mô đó (cùa tín dụng đen – PV) chúng ta không thể kiểm soát. Với nền kinh tế thì chúng ta vẫn đang dự đoán là có tới 30% là kinh tế ngầm. Riêng cho vay tín dụng đen thì chúng tôi nói là 70% vẫn là ít, còn con số thực thậm chí có thể lớn hơn nữa”.

Để đối phó với tín dụng đen trong nền kinh tế gây rủi ro cho cả người vay và người cho vay, ngay từ năm ngoái, một cuộc họp kín của ngân hàng nhà nước với các bên liên quan đã được tổ chức nhằm mục đích xây dựng nên hành lang pháp lý liên quan đến vay tiêu dùng giảm bớt tín dụng đen, làm minh bạch thị trường tín dụng.

Theo đó, đã có một vài quy định mới được áp dụng từ ngày 11/1/2017 vừa qua. Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, chúng chưa thể có những tác động đáng kể do đây mới là những quy định liên quan đến siết lại, cấp phép, quản trị, tuân thủ các điều kiện an toàn về quản trị…của tổ chức cho vay tiêu dùng hay tổ chức tài chính.

Còn về hợp đồng tín dụng và mảng nghiệp vụ thẩm định khoản vay thì gần như chưa có sự thay đổi lớn. Thậm chí giờ đây, cũng do quy định thay đổi mà vay tiêu dùng còn dễ dàng, lỏng lẻo hơn trước, dễ tạo nên các loại hình tín dụng đen hoặc các khoảng vay rủi ro cao.

"Trước đây, người vay cần chứng minh mục đích sử dụng vốn, khả năng trả nợ. Bây giờ, anh chỉ cần mang hóa đơn thanh toán điện thoại ra, người ta thấy anh này chi trả 1 triệu/tháng thì cho vay tới 5 triệu là điều quá bình thường”.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM