Cú sốc lịch sử: Đây là thị trường không bán nổi mẫu xe nào vì giãn cách xã hội
Ước tính thiệt hại của thị trường này lên tới 306 triệu USD mỗi ngày.
COVID-19 là ác mộng với các hãng xe toàn cầu cả về sản lượng lẫn doanh số. Nhà máy buộc phải đóng cửa để tránh lây lan dịch bệnh, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng khiến xe khó bán ra, lượng xe dồn ứ khiến chi phí kho bãi và duy trì tăng cao, tất cả đều là bài toán khó giải mà nếu không sở hữu khả năng tài chính vững mạnh, họ sẽ gặp vô vàn khó khăn để đứng vững tới khi thị trường toàn cầu phục hồi trở lại.
Ngay cả khi sản lượng phục hồi, các hãng xe cũng cần tính toán cân đối cung – cầu, chẳng hạn như Hyundai – Kia phải tính đóng cửa nhà máy Hàn Quốc tạm thời vì không xuất khẩu xe được sang khác nước khác do xe tồn nhiều. Tuy nhiên, chưa một hãng xe nào có thể lường được tình trạng khó tin như Ấn Độ trong tháng 4 vừa qua.
Cụ thể, theo Business Today, một trong những thị trường xe đang phát triển có quy mô hàng đầu toàn cầu chứng kiến doanh số xe du lịch trong tháng 4 là một con số 0 tròn trĩnh. Nền công nghiệp ô tô trị giá 120 tỉ USD của Ấn Độ đã hứng chịu cú sốc chưa từng có sau khi chính phủ nước này thắt chặt lệnh giãn cách xã hội hơn bao giờ hết khiến hệ thống nhà máy và phân phối bị vô hiệu hóa triệt để, bán xe online cũng không được thực hiện thành công.
Trước đó, trong tháng 3 với 21 trên 31 ngày thực hiện giãn cách, Maruti Suzuki – đơn vị sản xuất xe có quy mô lớn nhất tại đây chỉ bán được 76.240 đơn vị, thấp hơn gần 50% so với con số 145.031 trong cùng kỳ 2019.
Trong khi đó, vào tháng 4 năm ngoái, Ấn Độ bán ra tới 247.541 xe du lịch, 68.680 xe thương mại và hơn 1,6 triệu xe 2 bánh hoặc 3 bánh.
Số xe duy nhất được bán ra tại Ấn Độ trong tháng 4 năm nay là… xe đầu kéo với doanh số 1.365 chiếc từ Maruti Suzuki và Mahindra & Mahindra khi chúng được chính phủ miễn trừ bởi phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tham khảo: Motor1