Cụ ông 74 tuổi với tuổi thơ mồ côi và tình cảm dành cho quê nhà, quyên góp 1,8 tỷ đồng để cải tạo ao tù hôi thối thành công viên
Tổng số tiền cụ ông 74 tuổi này đã quyên góp cho quê nhà để cải tạo môi trường và nâng cấp cơ sở hạ tầng lên đến 2,4 tỷ đồng.
Ao làng từng hôi thối không ai muốn lại gần giờ đã được cụ ông 74 tuổi bỏ tiền tỷ ra cải tạo.
Cụ ông cứ chiều chiều ra quét lá rụng quanh ao làng
Đây là ao hồ với cảnh quan xung quanh chẳng khác nào công viên xanh, rộng gần 3000m2 thuộc thôn Hạnh Đàn - xã Tân Lập - huyện Đan Phượng - TP. Hà Nội.
Nếu không phải người dân nơi này có lẽ ít ai biết được chiếc ao xanh sạch đẹp sau đình làng này đã từng là 1 chiếc ao tù hôi thối, chẳng ai muốn lại gần.
Cứ chiều chiều, người ta lại thấy cụ ông tay cầm chổi, tay cầm xẻng cặm cụi quét từng chiếc lá, từng mẩu rác xung quanh. Đều đặn như vâỵ, cụ ông tuy đã lớn tuổi nhưng hoạt động vẫn vô cùng nhanh nhẹn, chẳng bỏ buổi quét dọn nào.
Đó là ông Nguyễn Tứ Hùng, 1 người dân của thôn Hạnh Đàn - xã Tân Lập - huyện Đan Phượng. Ông Hùng năm nay đã qua tuổi 70, vậy nhưng từ giọng nói đến hoạt động của ông đều rất khoẻ mạnh, mau lẹ.
Cụ ông cứ đều đặn mỗi chiều đều quét tước con đường quanh ao làng.
"Hằng ngày tôi quét ao cho sạch để tối cho bà con đi dạo chơi, tối đến bọn trẻ con nó đạp xe đạp quanh đây, đông lắm!"
Ông Hùng lấy việc dọn dẹp, chăm sóc cho chiếc ao làng này làm niềm vui tuổi già, người lớn tuổi họ chẳng bao giờ muốn ngồi yên một chỗ đâu, có thể động tay động chân việc gì để giúp đỡ mọi người họ đều làm cả vậy đó.
Chỉ cách đây 3 năm thôi, khu vực này chỉ là cái ao tù đầy rác thải, xác động vật bốc mùi hôi thối, cỏ rại mọc lút người. Bởi lẽ này mà từ người già đến trẻ nhỏ đều cố tránh xa như dịch hạch.
Nhà của ông Hùng ở ngay sát ao, chính vì vậy hơn ai hết ông hiểu được nỗi khổ của người dân khi phải sống trong điều kiện môi trường ô nhiễm như vậy.
Đó chính là lý do khiến ông Tứ Hùng ngay từ những năm 2000 đã ấp ủ dự định cải tạo lại ao sau đình để nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân nơi đây.
Chắt chiu, dành dụm để quyên góp tiền tỷ cải tạo ao tù hôi thối thành công viên sạch đẹp
Với mong muốn góp đỡ bà con thôn xóm được sống trong môi trường trong lành, ông Hùng với sự giúp đỡ của con cháu và tiền dành dụm cả đời của 2 vợ chồng, năm 2016 ông Hùng đã chắt chiu số tiền lên đến 1,8 tỷ đồng gửi cho xã để cải tạo, nạo vét ao hồ sau đình.
"Tôi ấp ủ từ lâu rồi, nhưng mình thì có tâm lúc ấy lại chưa có tiền. Sau này có tiền rồi thì nhà đồng thuận 100%. Con cái không có ai phản ứng gì cả. Có tâm và có tiền rồi thì mình làm thôi".
Ông Hùng vui vẻ chia sẻ về ước mơ ông ấp ủ gần 2 thập niên với chúng tôi. Con số 1,8 tỷ đồng là 1 khối tài sản không hề nhỏ, ấy vậy mà ông Hùng chẳng ngần ngại chi ra để cải tạo chất lượng sống cho bà con thôn xóm.
Ông Nguyễn Tứ Hùng - người đã quyên góp tiền tỷ để cải tạo môi trường.
Ông Nguyễn Đức An, người dân tại thôn Hạnh Đàn cho biết trước đây ao làng này rất bẩn, "Muốn xây dựng thì phải đổ đường, đường này là ông Hùng bỏ tiền ra đổ hết, dân làng ở đây thì nghèo lắm, cũng chả góp được gì với ông Hùng".
Thế là trong vòng 5 tháng trời, hàng ngàn chiếc xe chở bùn đất, rác rưởi, chất thải bẩn được nạo vét từ chiếc ao làng này mang đi. Rồi thay vào đó là bờ kè, vật liệu xây dựng tường bao vững chắc.
Những ngày sau đó, liên tiếp những cây xanh được mọc lên tươi xanh mướt mắt, ở lan can bao quanh hồ là những cây đá xinh xắn, tô điểm thêm cho không gian thoáng đãng, tươi mát. Không ai nhận ra đây từng là chiếc ao ngày trước không ai muốn đến gần.
Từ nơi bốc mùi hôi thối không ai dám lại gần, bờ ao đình làng thôn Hạnh Đàn đã trở nên trong lành như thế này.
Từ khi ao sau đình được cải tạo, bà con nơi đây rất phấn khởi, già trẻ trai gái đều tụ tập về đây nghỉ ngơi, chơi đùa mỗi buổi tối. Trẻ nhỏ thì vui vẻ đạp xe vòng quanh chiếc ao đình làng.
Đạp xe, câu cá, đi dạo, tập thể dục, thậm chí bà Công Thị Chiện còn yên tâm với nguồn nước ao làng đến mức có thể lấy nước từ ao để trồng cây tưới rau.
Ông Nguyễn Huy Giảng, 1 người dân của thôn Hạnh Đàn cho biết: "Từ ngày ao làng sạch sẽ, tôi hay ra đây đi tập thể dục, bà con nhân dân thích lắm, nhiều người khen ngợi. Trước ở đây bẩn lắm, sau thì được ông Hùng quyên góp ủng hộ cải tạo, nghe bảo thấy chi phí tốn kém lắm!".
Cụ ông 74 tuổi với tuổi thơ mồ côi và tình cảm mang nặng với quê nhà
Người ta cứ thắc mắc vì sao ông Tứ Hùng lại sẵn sàng bỏ ra khối taì sản lớn đến như vậy, số tiền là chắt chiu dành dụm cả đời của 2 vợ chồng, ấy vậy mà ông chẳng băn khoăn quyên góp hết cho làng cho xã để cải tạo ao làng mái đình.
Đâu chỉ có cải tạo bờ ao này, ông Hùng còn quyên góp tiền để làm đường xá, lắp cột đèn, trùng tu xây dựng đền chùa tại thôn Hạnh Đàn. Tổng số tiền gia đình ông đã ủng hộ cho thôn xóm lên đến 2,4 tỷ đồng.
Có lẽ cái tâm để ông Hùng sẵn sàng quyên góp số tiền lớn đến như vậy bắt nguồn từ tuổi thơ không êm đẹp.
Sau những nụ cười chân chất của cụ ông đã 74 tuổi là một tuổi thơ nhiều sóng gió.
Từ người gìa đến trẻ nhỏ đều rất thích bờ ao sau khi được cải tạo.
"Hai anh em tôi mồ côi từ bé. Đảng, nhà nước và chính quyền nuôi chúng tôi khôn lớn, thậm chí cho đi học để thành tài nữa. Thế nên cái tình đối với quê hương với địa phương còn là cái ơn. Nhân dân người ta không thiếu đâu, người ta đâu có xin mình, mình cũng chẳng có quyền gì mà cho người ta. Đây là từ tấm lòng mình mà thôi, nó đơn giản như thế thôi. Ơn sâu nghĩa nặng đối với quê hương nên mình phải làm".
Người dân ai ai cũng biết ông Tứ Hùng không chỉ bỏ tiền bỏ bạc ra cải tạo môi trường sống cho thôn xóm nhỏ mà còn cần mẫn chiều nào cũng tự tay chổi, tay xẻng quét tước sạch sẽ con đường mà chính ông đã tự tay ủng hộ để lát lên.
Nước từ ao được người dân yên tâm sử dụng để tưới rau.
"Khi những người xung quanh mình hạnh phúc thì mình cũng là 1 thành phần của cộng đồng đó, bản thân mình cũng được vui vẻ hạnh phúc. Với tôi làm những điều này chẳng có gì là to tát lớn lao, nghĩa vụ của 1 người công dân thôi mà, khi anh có thì anh làm vì quê hương đất nước".
Cũng từ nghĩa cử cao đẹp của ông Hùng mà bà con thôn xóm sống xung quanh cũng hưởng ứng theo đó mà tham gia đóng góp trồng cây, dọn vệ sinh. Ai có điều kiện hơn nữa họ lại sẵn sàng mua thêm ghế đá đặt xung quanh bờ ao để mọi người nghỉ ngơi, thư giãn.
Ở 1 xóm nhỏ cách xa trung tâm Thủ đô, có 1 cụ ông như thế, vì cái tình cái nghĩa với quê nhà mà chẳng ngại ngần bỏ cả tiền của lẫn công sức chỉ để mang lại cho thôn xóm nhỏ trở nên sach đẹp hơn. Câu chuyện về ông Tứ Hùng và sự lột xác của bờ ao làng khiến người ta bỗng nhận ra xung quanh mình còn biết bao điều nhỏ bé mà đẹp đẽ.