Cú hích từ cựu phó thủ tướng Đức về Việt Nam làm việc
Việt Nam là một nền kinh tế thu hút ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài đến để tìm kiếm thử thách và phát triển sự nghiệp.
Sự kiện nguyên phó thủ tướng Đức về Việt Nam (VN) làm việc cho thấy nền kinh tế VN đã có sức hấp dẫn, thu hút được người tài. Mặt khác, điều này còn có thể tạo cú hích lớn cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp (DN) Việt và vươn tầm quốc tế nhờ vào kết nối đến các mối quan hệ của chuyên gia nước ngoài.
Trải thảm đỏ mời chuyên gia nước ngoài
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho biết cách đây hai năm, tại một hội thảo do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức, ông đã gặp và nói chuyện với ông Philipp Roesler, người Đức gốc Việt , từng đảm nhiệm vị trí phó thủ tướng Đức. Mất một thời gian trao đổi khá lâu và đưa ra nhiều định hướng cho phát triển chiến lược của quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, ông Philipp Roesler chấp nhận lời đề nghị về VN giữ vị trí chủ tịch hội đồng cố vấn của quỹ này.
Sự có mặt của cựu phó thủ tướng Đức đang được kỳ vọng đem lại nhiều sức bật cho các DN VN. Lý do là quỹ này chuyên đầu tư, hỗ trợ cho các start up VN lớn mạnh và phát triển ra thị trường nước ngoài.
Theo ông Don Lam, việc mời ông Philipp Roesler về sẽ giúp ích rất nhiều cho VN. Vì ông có nhiều kinh nghiệm làm việc từ bệnh viện, quản lý nhà nước và tư nhân cũng như giữ các vai trò từ bác sĩ quân y, người làm chính sách, thành viên ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới… và là cầu nối cho các start up Đức với các công ty ở Thung lũng Silicon.
“Tôi rất vui khi quay về VN làm việc như là một sự khởi đầu lại mọi thứ. Đặc biệt, tôi đảm nhiệm vị trí hỗ trợ các DN khởi nghiệp VN kết nối với các nhà đầu tư quốc tế cũng như vươn ra thị trường nước ngoài. Qua quá trình làm việc với nhiều start up Việt, tôi nhận thấy các bạn rất năng động, đầy sáng tạo, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những kinh nghiệm có được, tôi hy vọng giúp các start up Việt khẳng định vị trí trên bản đồ khởi nghiệp thế giới” - ông Philipp Roesler cho biết.
Nếu như VinaCapital tìm kiếm một chuyên gia nước ngoài với vai trò cố vấn thì câu chuyện sản xuất xe hơi của VinFast đạt được thành công bước đầu nhờ mời đúng người có khả năng hỗ trợ và kết nối được với đại gia trong ngành xe hơi. Đó là ông Võ Quang Huệ, người phụ trách dự án sản xuất ô tô và xe máy VinFast, một chuyên gia người Việt sống tại Đức từng hàng chục năm làm việc cho hãng xe BMW, sau đó là tổng giám đốc Công ty Bosch (Đức) tại VN.
Ông Huệ cho biết quyết định nhận lời về VinFast vì ông đam mê xe hơi, nhất là mong muốn đóng góp các kiến thức đã thu thập được trong thời kỳ làm cho BMW để tạo ra một thương hiệu xe hơi VN.
Nhờ vào mối quan hệ và uy tín, chính ông Huệ đã giúp Vingroup kết nối với BMW giúp hỗ trợ phát triển thương hiệu xe hơi VN. Ông Huệ kể: “Khi đến gặp BMW, họ chỉ biết tôi với tư cách từng là một chuyên gia xe hơi của hãng cũng như là tổng giám đốc của Bosch mà chưa từng nghe nói đến Vingroup. Nhưng khi nghe tôi trình bày những kế hoạch đầy tham vọng về chiếc xe hơi “made in Viet Nam” của ông Vượng (ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup), họ thích thú và đồng ý hỗ trợ. VinFast trở thành công ty duy nhất toàn cầu được BMW cho sản xuất tại VN”.
Ông Philipp Roesler (đứng giữa), người Đức gốc Việt, từng đảm nhiệm vị trí phó thủ tướng Đức, vừa nhận lời mời làm việc cho VinaCapital với nhiệm vụ hỗ trợ các start up Việt Nam mở rộng thị trường nước ngoài . Ảnh: PM
Nhiều tiền thôi chưa đủ
Trong một khảo sát mới đây của Ngân hàng HSBC cho biết năm 2018, VN đã tăng thứ hạng từ vị trí 23 lên 19 với tư cách là một đất nước mà người nước ngoài mong muốn sống và làm việc. Chuyên gia nước ngoài tại VN tiết lộ mức lương trung bình hằng năm mà họ kiếm được khoảng 90.408 USD, trong đó 31% số người được khảo sát cho biết thu nhập của họ tăng từ 25% trở lên mỗi năm.
Tuy vậy, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia kinh tế, người đã kết nối các start up Việt với nhiều tổ chức đầu tư quốc tế và đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, cho biết: Để kéo một chuyên gia nước ngoài về làm việc không đơn thuần là lương mà còn nằm ở mục tiêu của DN đó phù hợp với những người có tâm về phát triển xã hội và cộng đồng, nhất là những gì liên quan đến sự phát triển quê hương, đất nước.
Theo bà Vân, để thu hút và tận dụng chất xám của chuyên gia nước ngoài vào làm việc cho DN cần phải có định hướng, định vị chiến lược và nêu cụ thể mục tiêu để các chuyên gia này nhận biết người đứng đầu có tầm nhìn và mục tiêu như thế nào. Từ đó để họ xem xét sử dụng các nguồn lực ra sao rồi mới quyết định nhận việc hay không.
“Các chuyên gia nước ngoài luôn đòi hỏi sự minh bạch. Do đó DN phải nói cho họ biết hiện trạng, những trở ngại, thử thách để họ có thể đưa ra kế hoạch chiến lược phù hợp nhất mà không mất thời gian đi lòng vòng và làm những chuyện không đúng thực tế. Ngoài ra cần tạo điều kiện làm việc phù hợp để bổ trợ cho khả năng của họ nhằm đạt được các mục tiêu kế hoạch đặt ra, nếu không họ sẽ không cộng tác” - bà Vân nói.
Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản Ngân hàng HSBC VN, nhận xét: “VN vẫn là một nền kinh tế thu hút ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài đến để tìm kiếm thử thách và phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, một đời sống chuyên gia nước ngoài toàn diện còn liên quan việc họ trải nghiệm các phương diện văn hóa và xã hội tại đất nước chủ nhà, cũng như làm thế nào đất nước đó mang lại cho bản thân họ và gia đình sự thuận tiện và chất lượng sống.
Việt Nam có sức hấp dẫn riêng
Theo Ngân hàng HSBC, mức lương dành cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại VN dù không quá cao so với nhiều quốc gia khác nhưng VN vẫn có một sức hấp dẫn riêng.
Ví dụ, VN đứng đầu thế giới với gần 3/4 (72%) chuyên gia cho biết việc chuyển đến VN giúp họ tiết kiệm nhiều hơn. Khoảng 72% người cũng nói rằng họ có thu nhập khả dụng cao hơn nhiều so với khi làm việc ở quê nhà.
47% chuyên gia nước ngoài đồng ý rằng VN là điểm đến thích hợp để phát triển nghề nghiệp.
Làm việc tại VN, theo các chuyên gia nước ngoài cũng ít căng thẳng hơn so với ở quê nhà khi gần 40% nói họ cảm thấy rất vui vẻ khi làm việc ở VN.
Đáng chú ý, 92% người nước ngoài ở VN nói họ thấy vui hoặc vui hơn khi làm việc tại VN so với tại quê hương.