Cứ cười Trung Quốc chỉ giỏi làm nhái đi, giờ họ đã sáng tạo tới mức startup khổng lồ của Mỹ như Airbnb cũng phải cắp sách vở theo học

11/03/2017 10:44 AM | Kinh doanh

Không còn chỉ biết sao chép nữa, các công ty chia sẻ chỗ ở của Trung Quốc đã đưa ra nhiều sáng tạo và cải tiến, khiến chính Airbnb cũng phải học hỏi sau này.

Người ngoài sẽ khó đoán được nghề nghiệp của Zhou Yichang dựa theo mô tả của anh. Anh thường thăm các gia đình Trung Quốc, khảo sát điều kiện sống của họ, và đưa ra gợi ý cải thiện về chỗ ở. Đôi khi anh giúp họ tìm thợ xây, hoặc thậm chí tự mình sơn tường nhà cho họ.

Giữa các chuyến thăm, anh trả lời thắc mắc của họ qua một ứng dụng nhắn tin, đến 60 câu hỏi một ngày. Nhưng Zhou không phải là một nhà thiết kế nội thất hoặc một nhân viên công tác xã hội. Anh là quản lý khách hàng của Xiaozhu, một công ty chia sẻ chỗ ở kiểu Airbnb ở Trung Quốc.

“Do nhiều người Trung Quốc chưa từng trải nghiệm chuyện chia sẻ chỗ ở, việc của tôi là giúp họ hiểu được cách phục vụ khách hàng và giải quyết vấn đề của họ”, Zhou nói. Một gia đình sắp đón khách không có một tấm ga trải trường sạch và khô. Vì thế, anh đã giúp họ mua một chiếc.

Airbnb được thành lập ở San Francisco vào năm 2008, nhưng mãi đến một năm trước họ mới mở văn phòng ở Trung Quốc. Đến thời điểm đó, đã có hàng loạt công ty Trung Quốc sao chép mô hình kinh doanh của Airbnb. Một ví dụ điển hình là Xiaozhu, hãng có khoảng 10 triệu người dùng tích cực kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2012.

Hầu như không được biết đến bên ngoài Trung Quốc, những công ty này thu hút hàng trăm triệu USD vốn đầu tư và giành được sự tin tưởng của nhiều du khách Trung Quốc. Mặc dù những công ty này vay mượn mô hình của Airbnb, họ cũng sáng tạo và giới thiệu những dịch vụ mới mà chính Airbnb phải học hỏi sau này.

Zhu Bai Jia là một startup được sáng lập ở Thâm Quyến vào năm 2012. Hãng này chuyên cung cấp chỗ ở ngắn hạn cho du khách Trung Quốc ra nước ngoài ở khoảng 70 nước. Bên cạnh hỗ trợ du khách tìm nhà ở nước ngoài, Zhu Bai còn giúp họ lên kế hoạch cho cả chuyến đi và sử dụng chủ nhà làm hướng dẫn viên bán thời gian. Phải đến tận năm ngoái, Airbnb mới ra mắt dịch vụ này với tên ‘Airbnb Trips’.

“Khi biết tin Airbnb ra mắt dịch vụ ‘Airbnb Trips’ vào năm ngoái, chúng tôi đã cười phá lên”, Li Le, phát ngôn viên của Zhu Bai Jia nói. “Nhiều người nói Trung Quốc chỉ biết sao chép Thung lũng Silicon, nhưng giờ đây chính họ mới đang phải sao chép Trung Quốc”.

Sự sáng tạo của các công ty Trung Quốc còn được thấy rõ hơn ở thị trường nội địa. “Nếu chỉ đơn thuần sao chép mô hình Airbnb, họ sẽ không bao giờ thành công”, Raymond Chang, giáo sư môn kinh doanh ở Đại học Yale, Mỹ nói.

Ông giải thích, ở Mỹ, tập quán cho du khách ở nhờ đã có từ thời thuộc địa, nhưng truyền thống này không tồn tại ở Trung Quốc. “Có nhiều rào cản xã hội mà các công ty kinh doanh dịch vụ chia sẻ chỗ ở cần vượt qua”, Chang nói.

Nhà sáng lập của Xiaozhu, Chen Chi đã đóng chính vai chủ nhà để thấu hiểu sâu hơn những khúc mắc trong quá trình chia sẻ chỗ ở. Anh cho du khách ở nhờ nhà của mình ở Bắc Kinh từ năm 2013. Anh phát hiện ra, việc giao khóa nhà tận tay cho du khách trong giờ làm việc là một điều phiền phức.

Vì thế, công ty của anh bắt đầu hỗ trợ tiền lắp khóa thông minh cho chủ nhà, để du khách có thể tự mình mở cửa bằng mật khẩu dùng một lần. Xiaozhu cũng đào tạo các nhân viên lau nhà bán thời gian và kết nối họ với chủ nhà, một dịch vụ mà Airbnb không cung cấp.

Airbnb đã từ chối bình luận về các đối thủ của mình ở Trung Quốc. Nhưng Airbnb nói, họ đang cố gắng khiến dịch vụ của mình trở nên hấp dẫn hơn với người dùng Trung Quốc. Sean Pan, giám đốc Airbnb Trung Quốc cho biết, hãng đã đạt được gần 1 triệu lượt du khách ở Trung Quốc.

Khách của Airbnb hiện nay có thể trả tiền qua Alipay và đăng ký dịch vụ qua WeChat. Nhưng không rõ là Airbnb, một trong những công ty cung cấp chỗ ở lớn nhất thế giới, được định giá ở mức 30 tỷ USD, có thể cạnh tranh với các công ty sao chép họ ở Trung Quốc hay không.

“Khó mà biết được ai đang làm tốt hơn ở Trung Quốc”, Jesper Palmqvist, giám đốc của STR ở Châu Á-Thái Bình Dương, một công ty nghiên cứu thị trường nhà ở toàn cầu, cho biết. “Một số người cho rằng, kết quả sẽ giống như trường hợp của Uber và Didi Chuxing. Nhưng theo tôi, vẫn còn quá sớm để nhận định theo hướng đó”, ông nói.

Nhiều chuyên gia nhận định, Airbnb và các đối thủ Trung Quốc vẫn chưa bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. “Thị trường chia sẻ chỗ ở của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Chúng ta nên hợp tác để cạnh tranh với các khách sạn truyền thống, thay vì đối đầu với nhau”, nhà sáng lập của Xiaozhu, Chen nói.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM