Cụ bà gần 90 tuổi ở Hà Nội hàng ngày đi cấy, đan lưới làm thú vui tao nhã: “Các cháu chưa chắc đã khoẻ bằng tôi”
Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ Lìu vẫn hàng ngày ra đồng đi cấy, trồng rau, làm việc nhà mặc cho con cháu ngăn cản. Kinh tế không thiếu thốn, cụ thích giúp đỡ người khác, làm vì “đam mê”, để con cháu nhìn vào tấm gương sống khoẻ, sống có ích của cụ mà học hỏi.
Kinh tế khá giả nhưng bao nhiêu năm nay, cụ Nguyễn Thị Lìu (88 tuổi), thôn Thường Xuyên, (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), vẫn cần mẫn ngày ngày xới vườn trồng rau, nuôi gà, đan lưới. Mỗi khi mùa vụ đến, cụ lại ra đồng lội bùn cấy lúa mặc cho con cháu ngăn cản. "Các cháu chưa chắc đã khoẻ bằng tôi, còn khoẻ tôi còn làm", cụ vẫn thường nói thế.
Dù đã gần 90 tuổi nhưng cụ Lìu vẫn luôn chân, luôn tay không biết mệt mỏi.
Tìm về nhà cụ Nguyễn Thị Lìu (88 tuổi), ở thôn Thường Xuyên vào một buổi trưa hè nắng nóng gay gắt, căn nhà nhỏ nằm ven đô thị của cụ vắng lặng. Đôi dép lấm bùn, bộ quần áo nhem nhuốc treo gọn trên sào phơi đồ, thấy chúng tôi cụ cởi mở nói "Cụ mới đi cấy về, còn chưa kịp cho đàn gà ăn đây", rồi cụ cười tít mắt.
Cụ Lìu có tận 6 người con, 4 cậu con trai và 2 cô con gái. Khi đã ở cái tuổi 88, cụ có tổng cộng 28 người cháu nội ngoại, con dâu, con rể và 24 chắt. Các con đều có gia đình êm ấm và làm ăn khấm khá.
Cụ Lìu bảo "không làm việc cụ không chịu được".
Con cháu đông đúc là vậy nhưng cụ không thích sống với ai: "Một mình một căn nhà nhỏ, nhỏ mà có võ đấy, trong nhà vẫn đầy đủ đồ đạc mình dùng là được rồi, ở một mình vậy cho khoẻ", cụ cười nói.
Tiền bạc, kinh tế không thiếu thốn, ở cái tuổi của cụ đa số mọi người sẽ chọn cách an nhàn, hưởng tuổi già nhưng cụ thì không thích vậy. Hàng ngày cụ vẫn ra vườn xới cỏ trồng rau, nuôi gà. Đến mùa vụ, hễ biết con cháu cấy ở đâu là cụ lại ra đồng cấy giúp con cháu.
"Rau gì tôi cũng có, ai không có rau thì cứ đến lấy mà ăn tôi cho chứ chẳng bán. Tôi nuôi 35 con gà chẳng bán, cho con cháu mỗi đứa một con. Có cô con gái nó tham xin tận hai con nhưng nó lại cho mình một trăm nghìn, thế thì mình mua được thêm cả chục con nhỏ nữa vẫn lãi", cụ Lìu tếu táo.
Đàn gà giúp cụ đỡ buồn mỗi khi rảnh.
Chân tay cụ lúc nào cũng lấm lem bùn đất nhưng cụ nói: "Cứ về nhà là tôi tắm giặt hẳn hoi, già nhưng không lẩm cẩm ở bẩn đâu".
Ở tuổi của cụ, đa số mọi người chọn cách an nhàn hưởng tuổi già nhưng cụ không thích thế.
Gần 90 tuổi nhưng cụ vẫn đi cấy lúa ngoài đồng mặc cho con cháu ngăn cản.
Dù tuổi cao nhưng chân tay cụ vẫn nhanh nhẹn cấy lúa thoăn thoắt.
Nói về việc tuổi cao vẫn ra đồng đi cấy, cụ Lìu bảo: "Tôi đi cấy như người ta đi tập thể dục rèn luyện sức khoẻ. Mấy cụ quanh vùng vẫn tị nạnh với tôi đấy vì chẳng bao giờ tôi ốm đau gì, tôi càng làm thì càng khoẻ mà có khoẻ tôi mới đi cấy được chứ.
Đi cấy nhiều hôm con cháu nó cứ bảo "cụ ở nhà thôi, làm gì phải đi làm", tôi mặc kệ vì mình còn khoẻ mình mới đi làm, còn làm được thì cứ làm. Ngày xưa tôi còn đi nấu cơm cho bộ đội, dăm ba cây lúa này thì bõ bèn gì", cụ Lìu cười khoái chí.
Tuổi cao nên cụ Lìu cũng lên kế hoạch ăn uống hàng ngày rất điều độ: "Giờ có tuổi rồi cũng không ăn được nhiều, một ngày chỉ 3 bát cơm, mỗi bữa một bát. Thịt cũng chỉ ăn đúng 2 miếng không hơn không kém còn rau cỏ, vừng lạc thì ăn nhiều. Mình cũng có tiền mà chẳng ăn được bao nhiêu, lâu lâu tôi lại mua hẳn trăm quả trứng cho các cháu nó ăn", cụ Lìu khoe.
Cụ Lìu kiêm luôn cả việc đan khung lưới mỗi khi rảnh.
Đan được 100 chiếc khung lưới cụ sẽ nhận được 40.000 đồng.
Cụ đan khung lưới chẳng phải vì tiền, số khung lưới đan được sẽ ghi vào sổ cuối năm cụ mới lấy tiền.
Nhìn vào sức khoẻ, sự hoạt bát, vui vẻ tếu táo của cụ Lìu, người dân quanh vùng không ai giấu nổi sự ngưỡng mộ về một người cao tuổi có lối sống giản dị, vui vẻ làm tấm gương cho lớp thế hệ trẻ, cho con, cho cháu. Những người già yếu, khó khăn quanh khu vực cụ cũng hay giúp đỡ, "có gì chia nấy", khiến ai cũng quý mến.
"Tôi từng này tuổi rồi mà còn có sức khoẻ như này là quý lắm rồi, mình sống chỉ muốn vui vẻ, mình vui con cháu nó cũng vui. Mình thích làm, thích lao động vừa nâng cao sức khoẻ mà để con cháu cũng nhìn vào mà chăm làm ăn, chăm lao động hơn", cụ Lìu tâm sự.
Những ngày không có lúa cấy, cụ lại ở nhà nhận đan khung lưới rèn luyện chân tay. Đan được 100 chiếc khung lưới cụ sẽ nhận được 40.000 đồng: "Vườn rau thì không phải lúc nào cũng có việc, lúa cũng không phải lúc nào cũng được cấy nên tôi nhận thêm đan khung lưới mỗi khi rảnh.
Chẳng phải vì tiền, cứ đan ghi vào sổ cuối năm tôi mới lấy tiền một thể, ngồi không cũng khó chịu", cụ Lìu nói rồi lôi cuốn sổ tay ghi chú chằng chịt những bó khung lưới đã đan trong năm ra khoe.
Một mình cụ sống trong căn nhà nhỏ, mọi công việc trong nhà cụ tự làm hết không muốn bản thân mình vướng bận điều gì đến con cháu.
Ở cái tuổi xế chiều, tiền bạc vật chất đối với cụ giờ không còn ý nghĩa. Cụ chỉ mong sống khoẻ, sống vui, sống có ích cho con cháu.
Chia sẻ với chúng tôi bà Nguyễn Thị Liên (59 tuổi), con dâu cụ Lìu cho biết, hàng ngày cụ không chỉ cởi mở hoạt bát với con cháu trong nhà mà người dân quanh khu vực ai cũng quý cụ vì lối sống giản dị, vui vẻ.
"Chúng tôi không muốn cho cụ làm việc gì nhưng cụ thích cụ cứ làm không ai cấm được. Sức khoẻ cụ tốt, không bao giờ ốm đau gì nên chúng tôi cũng vui lắm. Cụ đòi đi cấy, cấy còn đẹp hơn các con cháu, nắng thì cụ về sớm lại tự nấu cơm cho con cháu về chỉ việc ăn. Khuyên cụ không làm gì thì chịu, các con cháu không ai khuyên nổi", bà Liên tâm sự.
Ở cái tuổi xế chiều, cụ Lìu chẳng mong ước gì nhiều, tiền bạc vật chất đối với cụ giờ đây không còn ý nghĩa. Giờ đây chỉ mong sống khoẻ, sống có ích, không muốn phiền điều gì đến con cháu và mong được giúp đỡ mọi người xung quanh dù là điều nhỏ nhặt.