CSGT lên tiếng bác bỏ thông tin người dân ăn hoa quả cũng bị xử phạt vì “thổi ra” nồng độ cồn

04/01/2020 09:45 AM | Xã hội

Mới đây dư luận xuất hiện một số thông tin cho rằng người dân tham gia giao thông dù không sử dụng rượu bia, chỉ ăn hoa quả rồi thổi vào máy vẫn phát hiện nồng độ cồn, vi phạm luật giao thông. Một lãnh đạo CSGT Công an TP Hà Nội đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên.

Sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP được ban hành đã thu hút sự quan tâm lớn của người dân, dư luận. Một số thông tin cũng xuất hiện cho rằng, người dân không cần sử dụng rượu bia mà chỉ ăn hoa quả, uống thuốc cũng có thể phát hiện nồng độ cồn trong khí thở.

Trung tá Vũ Mạnh Nam - Đội phó Đội CSGT số 7 trả lời trước thông tin người dân ăn hoa quả cũng "thổi ra" nồng độ cồn.

Trước thông tin này, nhiều người dân đã tỏ ra hoang mang, lo lắng và cho rằng, nếu việc ăn hoa quả, uống thuốc cũng xuất hiện nồng độ cồn thì liệu khi tham gia giao thông có vi phạm luật giao thông? Để làm rõ thông tin trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 7 - Phòng CSGT Công an Hà Nội.

Vào chiều ngày 3/1, Tổ tuần tra thuộc Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 7 - Phòng CSGT Công an Hà Nội đã tiến hành ra quân tại khu vực ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông, Hà Nội) để xử lý các trường hợp điều khiển xe máy mà trong người có nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Trả lời báo chí, Trung tá Vũ Mạnh Nam - Đội phó Đội CSGT số 7 - cho biết, theo kế hoạch của Phòng CSGT, từ ngày 1/1/2020, toàn bộ các đơn vị đã đồng loạt ra quân để xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

CSGT lên tiếng bác bỏ thông tin người dân ăn hoa quả cũng bị xử phạt vì “thổi ra” nồng độ cồn - Ảnh 2.

Tổ tuần tra thuộc Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 7 - Phòng CSGT Công an Hà Nội tiến hành ra quân để xử lý các trường hợp điều khiển xe máy mà trong người có nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Theo đó, Đội CSGT số 7 đã triển khai và xử lý 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt cao hơn, mang tính răn đe hơn nên đề nghị người dân cần nâng cao ý thức và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Trung tá Nam cũng bác bỏ thông tin xuất hiện trên các trang mạng xã hội về việc người dân dù không sử dụng rượu bia mà chỉ ăn hoa quả cũng xuất hiện nồng độ cồn trong khí thở và khẳng định không có chuyện như vậy.

Theo vị lãnh đạo này thông tin, từ ngày thực hiện theo Nghị định 100, đơn vị chưa bắt gặp trường hợp người dân nào chỉ ăn hoa quả rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà xuất hiện nồng độ cồn trong khí thở.

"Chúng tôi chưa gặp trường hợp nào như vậy cả, đó chỉ là lý do để chống đối khi vi phạm. Sẽ không có cơ quan chức năng nào xử phạt oan về hành vi uống rượu bia, chúng tôi sẽ chứng minh để người dân tâm khục khẩu phục chứ không có chuyện ăn hoa quả mà bị xử phạt. Chúng tôi có máy đo nồng độ cồn đã được cơ quan quản lý kiểm định đảm bảo. Tôi cũng khẳng định không có chuyện ăn hoa quả mà lên được nồng độ cồn", Trung tá Nam thông tin.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 chính thức có hiệu lực. Luật sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (ô tô, xe máy, xe đạp điện…) khi có nồng độ cồn trong người.

Tại Khoản 6 Điều 5 của Luật này nêu rõ, nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 21 về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, cũng đã nhắc lại rằng, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng đã bắt đầu có hiệu lực, thay thế cho Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Theo LONG QUYỀN

Cùng chuyên mục
XEM